Trong tuần qua, giá cao su Việt Nam xuất khẩu chào bán không thay đổi so với đầu tháng. Cao su tại thị trường trong nước giá tăng giảm không đồng nhất.

Giá cao su Việt Nam xuất khẩu chào bán không thay đổi so với đầu tháng, giá SVR 3L xuất khẩu vẫn ở mức 1.580 USD/tấn; cao su SVR CV50 ổn định ở 1.610 USD/tấn; SVR10 với giá xuất 1.470 USD/tấn.

Giá cao su Việt Nam xuất khẩu chào bán từ 2/3- 13/3/2015 (ĐVT:USD/tấn)

Loại cao su
2/3
4/3
10/3
13/3
SVR CV50
1.610
1.610
1.610
1.610
SVR 3L
1.580
1.580
1.580
1.580
SVR10
1.470
1.470
1.470
1.470
SVR 5
1.490
1.490
1.490
1.490
Nguồn: Vinanet/Hiệp hội cao su Việt Nam

Ngành cao su Việt Nam hiện đứng thứ ba thế giới về sản lượng xuất khẩu cao su thiên nhiên sau Thái Lan và Indonesia nhưng đang phải đối mặt với không ít những khó khăn, khi giá trị xuất khẩu liên tục giảm, còn tiêu thụ trong nước lại chiếm chưa đến 20%.

Diện tích tăng, giá trị giảm Liên tục từ năm 2006 đến nay, xuất khẩu cao su thiên nhiên của nước ta luôn đạt giá trị hơn 1,2 tỷ USD và chiếm trung bình khoảng từ 2 đến 3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Năm 2011 giá trị xuất khẩu đạt tới 3,7 tỷ USD, nhưng từ năm 2012, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu giảm. Năm 2013 mặc dù sản lượng xuất khẩu cao su thiên nhiên tăng lên gần 1,1 triệu tấn nhưng giá trị chỉ đạt gần 2,5 tỷ USD, giảm hơn 13% về giá trị so với năm 2012. Đến năm 2014, còn khó khăn hơn khi giá xuất khẩu giảm chỉ còn khoảng trên dưới 2.000 USD/tấn, thấp nhất kể từ năm 2010 đến nay.

Để "cắt lỗ" nhiều doanh nghiệp chấp nhận giá bán sản phẩm cao su thiên nhiên sơ chế chỉ ngang bằng, thậm chí thấp hơn so với giá thành sản xuất. Còn người trồng cao su hoặc chấp nhận làm không công, chờ cơ hội giá cao su hồi phục hoặc chặt bỏ để trồng cây khác thay thế.

Nguyên nhân giá cao su liên tục giảm trong thời gian qua là do kinh tế thế giới hồi phục yếu, nên nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên tăng chậm, trong khi nguồn cung dồi dào.

Tại thị trường trong nước trong tuần giá cao su tăng giảm không đồng nhất, trong khi giá mủ cao su RSS3, mủ cao su tạp (dạng chén), mủ cao su RSS3 tăng từ 200- 400 đồng/kg; giá cao su SVR10 lại giảm 700 đồng/kg xuống mức 22.100 đồng/kg.

Giá cao su tại thị trường trong nước từ 10-16/3/2015 (ĐVT:đ/kg)

Loại cao su
Thị trường
Ngày 10/3
Ngày 16/3
Mủ cao su RSS3
Gia Lai – TP.Pleiku
27.800
28.200
Cao su SVR10
Gia Lai – TP.Pleiku
22.800
22.100
Mủ cao su tạp (dạng chén)
Gia Lai – TP.Pleiku
9.600
9.800
Mủ cao su RSS3
Bình Phước – Lộc Ninh
27.800
28.200
Cao su SVR10
Bình Phước – Lộc Ninh
22.800
22.100
Mủ cao su RSS3
Đồng Nai – TP.Biên Hòa
27.800
28.200
Cao su SVR10
Đồng Nai – TP.Biên Hòa
22.800
22.100
Mủ cao su tạp (dạng chén)
Đồng Nai – TP.Biên Hòa
9.600
9.800
Mủ cao su RSS3
Bình Dương – Bến Cát
27.800
28.200
Cao su SVR10
Bình Dương – Bến Cát
22.800
22.100
Mủ cao su tạp (dạng chén)
Bình Dương – Bến Cát
9.600
9.800

Trong nước, hiện diện tích cao su cả nước đã có hơn 955 nghìn ha, trong đó diện tích cho mủ là gần 550 nghìn ha, trong khi quy hoạch phát triển ngành cao su đã được Chính phủ phê duyệt đến năm 2020 là 800 nghìn ha. Như vậy diện tích trồng cao su đã vượt quy hoạch hơn 155 nghìn ha, dẫn đến tồn kho cao khiến cho giá giảm. Ngoài ra, giá dầu sụt giảm từ giữa năm 2014 làm cho cao su tổng hợp tăng khả năng cạnh tranh và tạo áp lực kìm hãm giá cao su thiên nhiên.

Riêng đối với cao su Việt Nam, giá giảm sâu còn do cơ cấu chủng loại chưa phù hợp, chất lượng cao su thiên nhiên chưa đồng đều, xuất khẩu cao su thiên nhiên sơ chế chiếm tỷ lệ hơn 80%, cho nên tính cạnh tranh yếu. Đây chính là lý do vì sao lượng cao su thiên nhiên tiêu thụ trong nước chỉ chiếm khoảng 15 đến 18% tổng sản lượng cao su thiên nhiên sơ chế, trong khi ngành sản xuất sản phẩm cao su công nghiệp trong nước hằng năm vẫn phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ để nhập khẩu nguyên liệu cao su thiên nhiên để chế biến thành sản phẩm cao su công nghiệp. Riêng năm 2014, đã nhập khẩu 372.000 tấn cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp, trị giá gần 639 triệu USD.

Mở rộng tiêu thụ trong nước để chủ động đối phó mức giá cao su thấp, ngành cao su Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giảm dần sự lệ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô.

Trước mắt, tiếp tục tuyên truyền, chỉ đạo người trồng cao su chăm sóc, duy trì diện tích hiện có, đồng thời theo dõi sát diễn biến giá cao su trên thị trường để có những biện pháp kỹ thuật khai thác mủ hợp lý. Theo đó, sẽ giãn ngày thu hoạch cạo mủ để nâng chất lượng, giảm ngày công lao động và chi phí sản xuất.

Đối với những vườn cây cao su già cỗi, năng suất thấp hoặc phát triển kém được thay thế "tái canh" bằng các giống mới, đồng thời kết hợp trồng xen các loại cây trồng khác hay chăn nuôi gia súc để tăng hiệu quả sử dụng đất và thu nhập cho người trồng cao su. Các doanh nghiệp còn đẩy mạnh nghiên cứu nhu cầu của thị trường và khách hàng để chuyển đổi cơ cấu sản phẩm.

Trong đó, nhiều giải pháp đổi mới kỹ thuật để nâng công suất, giảm giá thành chế biến mủ, sản xuất các chủng loại mủ mà thị trường cần được hầu hết các nhà máy, xưởng chế biến cao su áp dụng.

Bên cạnh các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, Malaysia..., ngành cao su còn mở rộng thị trường xuất khẩu sang Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, đồng thời tập trung vào thị trường tiêu thụ trong nước.

Theo Quy hoạch phát triển sản xuất ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có tính đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/9/2013 và Quy hoạch phát triển sản xuất sản phẩm cao su Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 mà Bộ Công Thương vừa dự thảo trình Chính phủ, thì mục tiêu ngành công nghiệp hóa chất đặt ra khá rõ ràng. Đó là đổi mới thiết bị, công nghệ, mở rộng công suất các cơ sở sản xuất hiện có lên 15 triệu lốp ô tô các loại/năm; sản phẩm băng tải 700 nghìn m2/năm và dây cua-roa bố thép, sợi thép 1 triệu mét/năm, các sản phẩm găng tay, ống dẫn... với tổng công suất khoảng 10.000 tấn/năm. Đặc biệt, việc phát triển sản xuất đối với các sản phẩm cao su trên cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu trong nước đã được ngành công nghiệp hóa chất quan tâm, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 hầu hết các cơ sở sản xuất sản phẩm cao su trong nước có sử dụng nguyên liệu cao su thiên nhiên đều sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất. Đây sẽ là cơ hội để ngành cao su đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, do đó các doanh nghiệp trong ngành cao su cần bám sát "cẩm nang" này để đầu tư sản xuất ra các loại hàng hóa đáp ứng được nguyên liệu cao su thiên nhiên sơ chế để sản xuất sản phẩm cao su công nghiệp trong nước.

Theo dự báo, mức giá xuất khẩu cao su thiên nhiên thấp sẽ kéo dài trong vài năm tới, do đó đây là giai đoạn ngành cao su cần xây dựng chiến lược đồng bộ cho sự phát triển bền vững và hiệu quả. Trong đó, sự liên kết chặt chẽ từ người trồng cao su đến doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm và sự hỗ trợ kịp thời về chính sách của các bộ, ngành, địa phương là hết sức cần thiết.

T.Nga
Nguồn: Vinanet

Nguồn: Vinanet