Năm 2014, xuất khẩu chè Việt Nam đạt sản lượng khoảng 140-145 nghìn tấn với kim ngạch ước đạt 245 triệu USD.
Xuất khẩu chè:
Giá chè xuất khẩu bình quân trong năm 2014 đạt 1.695 USD/tấn, tăng 4,3% so với năm 2013 với giá xuất khẩu 1.626 USD/tấn và tăng 100 USD/tấn so với mức giá xuất khẩu của năm 2012 là 1.526 USD/tấn.
Ba thị trường xuất khẩu chè chính của Việt Nam là Pakistan, Đài Loan và Nga. Trong đó, Pakistan là thị trường nhập khẩu chè lớn nhất của Việt Nam. Loại chè được xuất khẩu chủ yếu sang Pakistan là chè đen, đây cũng là loại chè xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với khoảng 80% tổng sản lượng xuất khẩu.

Sản lượng chè Pakistan nhập khẩu từ Việt Nam đang tăng nhanh sau từng năm. Với dân số gần 200 triệu người, cùng văn hóa uống trà truyền thống lâu đời, Pakistan là một trong những thị trường tiêu thụ chè lớn, đầy tiềm năng tại khu vực Nam Á và chè Việt đang trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng tại quốc gia này. Trong những năm trở lại đây, Pakistan luôn giữ vị trí là đối tác nhập khẩu chè lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch bình quân về giá trị đạt trên 40 triệu USD/năm, chiếm trên 20% tổng sản lượng chè xuất khẩu của Việt Nam.

Mặc dù năm 2014, giá xuất khẩu chè có tăng so với cùng kỳ năm 2013 nhưng Việt Nam vẫn đang là một trong những nước có giá xuất khẩu chè thấp trên thế giới. Nguyên nhân là bởi chất lượng chè xuất khẩu Việt Nam chưa đảm bảo, nhiều sản phẩm còn chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ở mức cao. Vì vậy cần làm tốt công tác từ khâu thu mua nguyên liệu đúng tiêu chuẩn với giá hợp lý, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phấn đấu đưa giá chè xuất khẩu ngang bằng với giá bình quân của thế giới.

Theo Vụ thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), mặc dù là một trong những thị trường lớn nhưng do nhiều rào cản, đặc biệt là rào cản về thiếu thông tin thị trường, doanh nghiệp chè Việt Nam khó tiếp cận và có những đơn hàng lớn với các doanh nghiệp Pakistan. Bên cạnh đó, chè Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ xuất thô nên kim ngạch xuất khẩu chưa cao. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu chè Việt Nam cần có sự liên kết mạnh hơn với người nông dân ngay từ khâu trồng để đảm bảo sản phẩm có chất lượng từ nguồn nguyên liệu. Hơn nữa, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới, nếu không tự nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao uy tín, doanh nghiệp sẽ tự bị sàng lọc và đào thải trong quá trình giao thương.

Để cập nhật thêm thông tin, doanh nghiệp cần hạn chế tìm kiếm và giao dịch với khách hàng qua các trang mạng quốc tế mà cần tìm hiểu thông tin chính thống từ trang Website: www.vietnamexport.com, www.moit.gov.vn của Bộ Công Thương, các thương vụ, đại sứ quán Việt Nam tại các nước sở tại và đại sứ quán các nước tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư thích đáng về đào tạo nguồn nhân lực như trang bị ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ, hiểu biết về đặc thù văn hóa và tôn giáo thị trường sở tại và nghiên cứu thị trường một cách kỹ lưỡng, nhất là về quy định xuất nhập khẩu nhằm tránh rủi ro khi xuất khẩu sang các thị trường.

Trong nước:
Tại thị trường trong nước giá chè cành chất lượng cao tại tỉnh Thái Nguyên đến giữa tháng 1/2015 tăng 50.000 nghìn đồng/kg so với tháng 12/2014.

Giá chè tại Bảo Lộc, Lâm Đồng không thay đổi với mức giá cuối năm 2014. Giá chè nguyên liệu sản xuất chè xanh và chè đen vẫn duy trì ở mức 8.500 đ/kg và 5.500đ/kg.

Giá chè trong nước ngày 16/1/2015(ĐVT:đ/kg)
Loại chè
Tỉnh
Giá

Chè xanh búp khô

Thái Nguyên

170.000 đ/kg (bán lẻ)

Chè cành chất lượng cao

Thái Nguyên

450.000 đ/kg (bán lẻ)

Chè xanh búp khô (đã sơ chế loại 1)

Thái Nguyên

260.000 đ/kg (bán lẻ)

Chè búp tươi làm chè xanh loại 1

Lâm Đồng

8.500 đ/kg (bán buôn)

Chè búp tươi làm chè đen loại 1

Lâm Đồng

5.000 đ/kg (bán buôn)

Nguồn: Bộ Nông nghiệp

Lâm Đồng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng và sản phẩm chè xuất khẩu, với 24 nghìn ha chè các loại, sản lượng chè năm 2014 vào khoảng 224 nghìn tấn, giá trị xuất khẩu đạt 10 – 12 triệu USD.

Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam đề xuất, để ngành chè của Lâm Đồng phát triển bền vững, trong thời gian tới chúng ta phải tổ chức thành chuỗi giá trị từ người trồng chè đến doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ. Trước hết nhà nước phải quy hoạch về vùng nguyên liệu và chế biến phù hợp, quản lý được quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng cường chất lượng sản phẩm đó mới là giải pháp đổi mới cho cây chè Lâm Đồng và cả ngành chè Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Trong mục tiêu phát triển cây chè đến năm 2015, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đưa năng suất chè búp tươi đạt 120 tạ/ha, sản lượng đạt 200.000 tấn chè búp tươi/năm; 100% diện tích chè tại các vùng sản xuất chè tập trung đáp ứng yêu cầu sản xuất an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP)...
T.Nga
Nguồn: Vinanet
 

Nguồn: Vinanet