Xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ chỉ mới chiếm chưa đến 10% tỷ trọng xuất khẩu gạo của Việt Nam 11 tháng đầu năm. Tuy nhiên đây là thị trường nhiều triển vọng do xuất khẩu tăng trưởng mạnh cùng với việc Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo báo cáo tình hình xuất khẩu 11 tháng đầu năm của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 11 tháng đầu năm, thị trường châu Mỹ chiếm 7,02% và tăng mạnh, 37,66% do tăng từ các thị trường mới ngoài Cuba, gồm có Mỹ, Haiti, Mexico, Chile. Lâu nay xuất khẩu gạo Việt Nam vào châu Mỹ chủ yếu là thị trường Cuba thông qua các hợp đồng cấp Chính phủ.

VFA nhận định xu hướng tới là gạo Việt Nam có khả năng thâm nhập và phát triển ở khu vực thị trường này nhờ có giá cạnh tranh, nhất là với Mỹ sau khi kết thúc đàm phán TPP. Hiện tại có 5 nước châu Mỹ là Mỹ, Canada, Chile, Peru, Mexico tham gia đàm phán TPP.

Sở dĩ có mức tăng trưởng mạnh kể trên, theo giám đốc một công ty xuất khẩu gạo là gần đây gạo Việt Nam cạnh tranh tốt với gạo Thái Lan, vốn trước đây "làm mưa làm gió" ở thị trường này. Thị trường các nước châu Mỹ như Mexico, Brazil, Mỹ… tiêu thụ chủ yếu gạo phẩm cấp cao 5% tấm, kèm theo một số điều kiện cao hơn so với một số thị trường châu Á, châu Phi về chất lượng gạo và quy cách đóng bao.

Mới đây, Chủ tịch Công ty cổ phần thủy sản Hùng Vương, người mới tham gia vào lĩnh vực cung ứng hàng nông sản cho hệ thống bán lẻ ở các siêu thị, chợ của cộng đồng người châu Á nói chung và người Việt nói riêng ở Mỹ, cho biết, gạo trắng cao cấp nhập khẩu từ Việt Nam đang được nhiều nhà hàng châu Á ở Mỹ ưa chuộng hơn gạo Thái Lan và gạo Mỹ do phù hợp với nhiều cách chế biến ở đây. Giá bán lẻ gạo trắng cao cấp vào nhà hàng, ông Minh tiết lộ lên đến 1.000 đô la Mỹ/tấn trong khi giá gạo xuất khẩu phẩm cấp cao 5% tấm của Việt Nam chỉ trên dưới 420 đô la Mỹ/tấn.

Không chỉ có thị trường Mỹ, Nhật cũng là một khách hàng lớn cùng tham gia TPP, được các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đặt nhiều kỳ vọng. VFA đề xuất với Chính phủ “chuẩn bị điều kiện mở thị trường gạo với Mỹ, Nhật sau khi kết thúc TPP”.

Năm 2013, theo VFA, lượng gạo xuất khẩu sẽ rơi xuống thấp nhất trong vòng 3 năm. Số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay dự kiến giảm 1,12 triệu tấn so với năm 2012, tương đương 14,5%. Giá bán bình quân trong 11 tháng đầu năm giảm 14,53% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân là do gạo xuất khẩu Việt Nam thiếu nhu cầu từ các thị trường truyền thống ở Đông Nam Á trong 6 tháng cuối năm, do Indonesia không nhập khẩu, Philippines và Malaysia giảm mạnh. Xuất khẩu 6 tháng cuối năm sút giảm liên tục.

Cho đến nay, đã có 12 nước tham gia vào đàm phán TPP (bao gồm New Zealand, Brunei, Chile, Singapore, Australia, Peru, Mỹ, Malaysia, Việt Nam, Canada, Mexico và Nhật Bản). Đàm phán TPP đã không kết thúc vào cuối năm 2013 như dự tính mà sẽ tiếp tục kéo dài qua năm 2014.

(Nguồn: Phạm Thái – TBKTSG)

 

Nguồn: Vinanet