Giá phân bón giảm

Giá phân bón tại khu vực miền Trung suy giảm bởi nhu cầu chậm lại. Giá urê Phú Mỹ dao động quanh mức 8.300 – 8.400 đ/kg.

Theo số liệu ước tính mới nhất từ Tổng cục thống kê, sản xuất Urê trong nước tháng 6 đạt khoảng 186,3 nghìn tấn, giảm 7,5% so với tháng trước và giảm 2,0% so với cùng kỳ năm 2013. Lũy kế sản xuất Urê 6 tháng đầu năm 2014 đạt khoảng 1,13 triệu tấn, tăng 7,73% so với cùng kỳ năm 2013.

Đến hết tháng 6/2014, theo thống kê từ Tổng cục Hải quan: lượng urê nhập khẩu là 12,44 nghìn tấn. Lượng urê sản xuất trong nước là 186,3 nghìn tấn. Trong tháng 5/2014 xuất khẩu urê đạt 33,89 nghìn tấn.

5 tháng đầu năm 2014 Urê nhập khẩu 33.316 tấn kim ngạch ước đạt 11.688.676 USD, giảm 64,48% so với cùng kỳ năm 2013, giảm 68,13% kim ngạch so cùng kỳ năm 2013.

Giá đường tại các nhà máy giảm

Giá bán buôn đường kính trắng (có VAT) tại các nhà máy đường phía Bắc có xu hướng đi xuống, giảm từ 100-300 đồng/kg so với cuối tuần trước, xuống mức 12.577-12.750 đồng/kg.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng đường tồn kho tại các nhà máy tính đến ngày 15/6 vẫn còn 548.940 tấn, cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 là 56.430 tấn. Năm 2014, lượng đường tồn kho ước tính khoảng 251.240 tấn

6 tháng đầu năm các doanh nghiệp tiêu thụ được 958.330 tấn đường, tăng 58.490 tấn so với cùng kỳ năm 2013. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, nguồn cung đường trong 6 tháng cuối năm ước tính vào khoảng 926.240 tấn (bao gồm tồn kho cũ 548.940 tấn, sản xuất đầu vụ 2014-2015 khoảng 300.000 tấn, nhập khẩu trong năm 2014 là 77.300 tấn).

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ đường 6 tháng cuối năm ước tính khoảng 675.000 tấn, lượng đường có thể tiêu thụ tăng dự kiến chỉ bằng mức tăng của 6 tháng đầu năm do phát triển sản xuất của một số các sản phẩm có sử dụng đường tăng. Như vậy, đến hết năm 2014, lượng đường tồn kho của ngành mía đường ước tính sẽ vào khoảng 251.240 tấn.

Để giúp các doanh nghiệp mía đường đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong 6 tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Công Thương không gia hạn các giấy phép xuất khẩu đường đã cấp trong 6 tháng đầu năm 2014 và cấp phép mới xuất khẩu 200.000 tấn đường bao gồm cả đường RE, RS trong 6 tháng cuối năm 2014; phối hợp với Bộ Nông nghiệp Nông thôn đề nghị Chính phủ chỉ cho phép tạm nhập tái xuất mặt hàng đường qua các cửa khẩu chính, không được tái xuất qua các cửa khẩu phụ để tạo diều kiện cho sản xuất, kinh doanh đường trong nước.

Mới đây, Bộ Công Thương đã cho phép hai doanh nghiệp tạm nhập, tái xuất đường. Đó là Công ty TNHH Khoáng sản Khánh An tại Hải Phòng và Công ty TNHH Khoáng sản Khánh An tại Hải Phòng và Cty TNHH một thành viên Hồng Ngọc tại Lào Cai. Theo đó, hai doanh nghiệp này sẽ tạm nhập đường qua cảng Hải Phòng/Quảng Ninh và tái xuất qua cửa khẩu Bản Vược, Bát Xát, Lào Cai. Số lượng đường của các doanh nghiệp này được kinh doanh tạm nhập, tái xuất là 1.000 tấn, với thời gian thực hiện là hết ngày 31/12/2014. Bộ Công Thương cũng yêu cầu, toàn bộ số hàng nhập khẩu này phải được tái xuất. Nếu đưa vào thị trường nội địa phải chịu thuế theo quy định hiện hành.

Việc các doanh nghiệp chuyển hướng sang mặt hàng đường cũng được xem là động thái mới trong hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất.

Thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu

Giá cám gạo nội địa vẫn ổn định. Giá ngô vụ mới (ngô sấy) các nhà máy tại Hòa Bình bán ra khoảng 6.300 đ/kg.

Tại Đồng Tháp, giá ngô khô giảm hơn 60% so với cùng kỳ. Hiện giá bắp khô chỉ còn ở mức 6.000 – 7.000 đ/kg giảm 10.000 – 11.000 đ/kg so với cùng kỳ năm 2013. Nguyên nhân giá ngô giảm là do thời điểm này một số địa phương khác cũng đang vào thu hoạch nên lượng cung vượt cầu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 6  nước ta đã nhập khẩu khoảng 118.000 tấn ngô các loại với giá trị 31 triệu đô-la Mỹ, đưa khối lượng nhập khẩu mặt hàng này trong 6 tháng đầu năm đạt 2,33 triệu tấn, giá trị nhập khẩu khoảng 599 triệu đô-la Mỹ. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng ngô nhập khẩu đã tăng 2,4 lần và tăng 87,1% về giá trị với các thị trường nhập khẩu chủ yếu từ Brazil, Ấn Độ.

Với mức nhập khẩu như các tháng đầu năm, dự kiến trong năm nay nước ta sẽ nhập khẩu trên 3 triệu tấn ngô. Theo các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, lượng ngô nhập khẩu ngày càng tăng do nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng và ngô thế giới đang rẻ hơn nhiều so với giá trong nước. Trong khi đó, thời tiết trong nước diễn biến bất thường với mùa nắng nóng kéo dài đã làm giảm thời gian xuống giống của cây ngô trong nước và ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển của cây. Do đó, dự đoán năng suất cây ngô vụ xuân 2014 có thể bị sụt giảm so với những năm trước.

Xăng dầu tăng giá, DN vận tải tính chuyện điều chỉnh giá cước

Một ngày sau khi giá xăng tăng lên mức kỷ lục, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa và hành khách chưa có động thái điều chỉnh giá cước nhưng nếu giá xăng vẫn duy trì ở mức cao và kéo dài thì chắc chắn doanh nghiệp vận tải cũng phải tính tới chuyện tăng giá.

Ở mảng vận tải hành khách, Chủ tịch Hiệp hội taxi TPHCM cho biết, đến thời điểm này các doanh nghiệp taxi tại TPHCM chưa tăng giá cước.

Theo Chủ tịch Hiệp hội taxi của TPHCM, hiệp hội đã khuyến cáo các doanh nghiệp cùng chia sẻ khó khăn trong tình hình hiện nay; tuy nhiên nếu giá xăng, dầu vẫn giữ ở mức cao trong nhiều tuần thì doanh nghiệp buộc phải tăng cước vì khả năng chịu đựng của doanh nghiệp có hạn, không thể bù lỗ mãi được.

Ở mảng vận tải hàng hóa, Giám đốc Công ty vận tải Minh Liên cho biết, ông đang nghe ngóng động thái của thị trường rồi mới quyết định. Theo ông, việc tăng giá cước vận chuyển kéo theo rất nhiều việc khác như phải đàm phán với khách hàng, làm lại hợp đồng... mà chi phí điều chỉnh hợp đồng và đàm phán với khách hàng nhiều khi còn tốn kém hơn cả việc tăng giá. Hơn nữa, nếu tăng giá liên tục sẽ khó giữ được khách hàng.

NG.Hương

Nguồn: Vinanet/Báo Công Thương điện tử, Agrimonitor, TBKTSG

Nguồn: Vinanet