Lương thực, thực phẩm

Giá gạo nguyên liệu loại 2 tại An Giang giảm 350 đ còn 6.050 đ/kg, thành phẩm 20% giảm 50 đ còn 7.150 đ/kg, gạo ngon tăng 1.000 đ lên 18.000 đ/kg, các loại khác giá đứng. Giá heo hơi tăng 1000 đ lên 38.000 đ/kg, thịt bò tăng 10.000 đ lên 240.000 đ/kg, cá lóc tăng 10.000 đ lên 100.000 đ/kg.

Tại Hậu Giang, giá đường RE giảm 2.000 đồng, xuống còn 19.000 đ/kg. Giá lúa thường (khô), đạt ở mức 5.100 đ/kg, gạo nguyên liệu loại 1 có giá 7.100 đ/kg, gạo loại 2 giá 6.800 đ/kg. Gạo thành phẩm xuất khẩu 5% tấm có giá 7.600 đ/kg, 25% tấm giá 7.600 đ/kg.  Giá lợn hơi ở mức 40.000 đ/kg.

Giá dừa tươi cao hơn dừa khô nguyên liệu

Dẫn nguồn tin SGTT , các thương lái hiện đã vào tận các vườn trồng dừa ở các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh… để thu gom dừa tươi (dừa giải khát) với giá 120.000 đồng/chục (12 trái).

Theo các nhà vườn, đây là mức giá mua cao nhất đối với trái dừa tươi, trong khi hiện tại, dừa khô nguyên liệu dù rất hút hàng, nhưng đang ở mức giá khoảng 9.000 đồng/trái.

Hiệp hội Dừa tỉnh Bến Tre cho biết, dừa tươi “sốt” giá, càng hấp dẫn nhà vườn bán dừa non. Tuy nhiên, thực tế này cũng tiềm ẩn nguy cơ thiếu dừa khô nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến dừa ngày càng gay gắt trong tương lai không xa.

Năm 2011, khi giá dừa khô “sốt” tới mức 10.000 đồng/trái, thì giá dừa tươi chỉ khoảng 7.000 – 8.000 đồng/trái.

Các trung tâm thể thao giảm giá, ế khách ngày nóng

Theo TTXVN, thời tiết nóng bức đầu Hè ảnh hưởng lớn đến tâm lý cũng như sức khỏe của những người thích tập thể dục khiến cho các trung tâm thể thao vắng khách hơn. Trong những ngày cuối tháng Năm tại một số trung tâm thể thao trên địa bàn Hà Nội, các trung tâm hiện đang giảm giá vé tập từ 15% - 30% và thường cắt bớt ca tập vào cuối hoặc đầu giờ chiều.

Cụ thể, sau khi giảm giá, giá vé tập aerobic dao động từ 300.000 - 800.000 đồng/tháng, yoga từ 480.000 - 1,8 triệu đồng/tháng, thể hình từ 250.000 - 500.000 đồng/tháng, học nhảy từ 600.000 - 1,2 triệu đồng/tháng... Ngoài ra, các trung tâm thể thao cao cấp chỉ bán vé tập theo 3, 6 tháng và 1 năm, giá từ 9 - 36 triệu/vé.

Chủ nhiệm câu lạc bộ Thể dục Thẩm mỹ tại Bách hoá Nghĩa Tân, cho biết, học viên các lớp tập thời điểm này đều giảm, nếu như trước kia một ca có khoảng 30 - 35 học viên thì giờ chỉ ngấp nghé 20 học viên. Điển hình, có những ca tập chỉ có chưa đầy chục người, tập trung vào các khung giờ từ 6 - 7 giờ, 16 - 17 giờ.

Trời nắng nóng khiến các ca tập vào khung giờ trên vắng người tập, một là họ sẽ sắp xếp thời gian dồn sang ca khác, hai là họ nghỉ. Chính vì thế, trung tâm phải giảm giá ca tập vào các khung giờ trên hoặc có ngày không học viên đành dồn ca, cắt ca tập.

Cá tầm Việt Nam có mã code

Gần đây, nhu cầu tiêu thụ cá tầm trong nước tăng cao. Đây là loại cá sống ở vùng nước lạnh, có nhiều chất dinh dưỡng. Loại cá này chế biến được nhiều món như nướng, gỏi, lẩu, hun khói…

Khu vực TPHCM và các tỉnh lân cận mỗi ngày tiêu thụ từ 4-6 tấn cá tầm, trong đó phần lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cá tầm nuôi trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu trong khi cá tầm Trung Quốc được người bán giới thiệu là nuôi trong nước, thậm chí nhập khẩu từ Nga, để dễ tiêu thụ  và bán được giá cao.

Sở dĩ có tình trạng trên là do cá tầm Trung Quốc bị người tiêu dùng tẩy chay vì chất lượng không bảo đảm. Cá tầm nuôi ở Trung Quốc hầu hết đều là cá tầm lai (dễ nuôi, lớn nhanh, ít bị bệnh), lại nuôi bằng các chất tăng trọng gây hại đến sức khỏe người sử dụng.

Theo giới chuyên môn, cá tầm Trung Quốc gần như không xuất khẩu được do chất lượng kém. Chẳng hạn tại Nga, Nhật Bản, họ đưa nhiều biện pháp, hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc. Mới đây, Mỹ cũng trả về một lô cá tầm Trung Quốc do chất lượng không đạt yêu cầu.

Hiện Việt Nam có hơn chục doanh nghiệp nuôi cá tầm, trong đó phần lớn là cá tầm thuần chủng, mỗi năm khai thác khoảng 600 tấn, trong đó có 400 tấn nuôi để lấy trứng. Các doanh nghiệp nuôi chủ yếu để lấy trứng cá tầm vì có giá trị lớn (khoảng 2.000 USD/kg), còn khai thác lấy thịt chỉ từ 220.000-250.000 đồng/kg nên hiệu quả không cao.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cá tầm Việt Nam, cho biết tập đoàn đang cố gắng hình thành mô hình nuôi cá tầm thuần chủng để cung cấp ra thị trường với quy mô lớn. Hiện tập đoàn mới đáp ứng được một phần nhu cầu cung cấp cá tầm thuần chủng cho một số siêu thị, nhà hàng. Để bảo đảm cá tầm thuần chủng đến tay người tiêu dùng, Tập đoàn Cá tầm Việt Nam đã thiết kế áp dụng hệ thống truy cập nguồn gốc bằng mã code đầu tiên tại Việt Nam. Theo đó, sản phẩm cá tầm của tập đoàn sẽ giúp người tiêu dùng và cơ quan quản lý kiểm soát dễ dàng, biết chính xác lô hàng đó có địa điểm nuôi ở đâu, giống cá, đơn vị nuôi, ngày bắt đầu nuôi tại trại.

Giá cao su SVR3L tại cửa khẩu Móng Cái – Đông Hưng ngày 3.6.2013

Cao su SVR3L (chưa bao gồm thuế) tại thị trường cửa khẩu Móng Cái – Đông Hưng ngày 3.6.2013 được chào quanh mức 15.400 đến 15.600 NDT/tấn, ở mức giá cuối tuần trước 31.5. Thị trường biên giới vẫn đang tiếp tục bị đóng cửa.

Nguồn: Vinanet