Cam sành cuối vụ tại Tiền Giang tăng giá kỷ lục; giá chôm chôm tại Bến Tre giảm mạnh; Thực phẩm tươi sống tại TP.HCM tăng giá đột biến; cá điêu hồng tăng cao.

Cam sành cuối vụ tại Tiền Giang tăng giá kỷ lục

Cuối vụ, giá cam sành ở Tiền Giang tăng mạnh, khan hiếm hàng. Nhiều thương lái đã tới tận vườn thu mua nhưng sản lượng cam cung cấp cho thị trường khá hạn chế.

Giá cam thu mua tại vườn hiện khoảng 45.000 đồng/kg (loại 1); 30.000-35.000 đồng/kg (loại 2), tăng gần gấp đôi so với tháng trước và tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm trước. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí nhà vườn trồng cam sành có thể thu lãi khoảng 300 triệu đồng/ha.

Dù giá tăng mạnh nhưng rất ít nhà vườn có cam sành để cung cấp. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng cam sành đang tăng mạnh. Theo nhà vườn trồng cam sành, khoảng 1-2 tháng tới, một số vườn cam trồng theo phương pháp rải vụ sẽ cho thu hoạch, khi đó, sản lượng cam sành tăng trở lại.

Tiền Giang được mệnh danh là “vương quốc trái cây”, với diện tích trồng cây ăn trái khoảng 70.000 ha. Trong đó, cây có múi đạt hiệu quả kinh tế khá cao, tiềm năng xuất khẩu lớn. Toàn tỉnh có khoảng 12.000 ha trồng cam, quít, bưởi tập trung tại các huyện vùng ngập lũ đầu nguồn: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành... Tỉnh đang chủ trương mở rộng diện tích trồng cam sành ở các huyện vùng lũ, đồng thời xây dựng vùng chuyên canh sản xuất cam theo qui trình VietGAP để phục vụ xuất khẩu.

Giá chôm chôm tại Bến Tre giảm mạnh

Mấy ngày qua, giá chôm chôm tại Bến Tre liên tục giảm và hiện đang ở mức thấp nhất trong 3 – 4 năm gần đây. Giá chôm chôm giảm mạnh trong thời điểm thu hoạch rộ khiến nông dân lo lắng. Đặc biệt, giá chôm chôm java chỉ bằng hoặc thấp hơn giá thành sản xuất.

Ông Nguyễn Hữu Tâm, Tổ trưởng tổ sản xuất chôm chôm tại xã Tiên Long, huyện Châu Thành, cho biết: giá chôm chôm java (loại chôm chôm được trồng phổ biến nhất tại Bến Tre) cân tại vườn chỉ còn 3.000 – 4.000 đồng/kg; nhiều chủ vườn ở xa, đường sá đi lại khó khăn chỉ bán được với giá 2.500 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng mấy năm trở lại đây.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, đơn vị này đang đẩy mạnh việc cải tạo giống, đưa vào trồng mới, cải hoán các vườn chôm chôm java sang chôm chôm nhãn, chôm chôm đường; đồng thời khuyến cáo, tổ chức cho nông dân tập trung sản xuất trái vụ, rải vụ để tránh tình trạng được mùa, mất giá. Hiện giá chôm chôm nhãn, chôm chôm đường khoảng 10.000 đồng/kg, cao hơn gấp đôi so với chôm chôm java. Việc sản xuất chôm chôm rải vụ giúp nông dân bán được với giá cao hơn, tuy nhiên giá thành sản xuất cao hơn khoảng 50% và sản lượng không bằng chính vụ.

Toàn tỉnh Bến Tre hiện có gần 5.300 ha chôm chôm, đứng thứ hai cả nước sau Đồng Nai. Tổng sản lượng mỗi năm gần 90.000 tấn.

Tp. Hồ Chí Minh: Thực phẩm tươi sống tăng giá đột biến

Hiện nguồn cung thực phẩm tươi sống về các chợ bán lẻ trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh có xu hướng hạn chế hơn so với đầu tháng trước nên đã xuất hiện tình trạng tăng giá đột biến, đặc biệt là ở một số ngành hàng rau củ, thủy hải sản…
Theo nhiều tiểu thương tại các chợ Tân Định, Bà Chiểu, Nguyễn Văn Trỗi, Phạm Văn Hai… giá các sản phẩm thuộc ngành hàng thực phẩm tươi sống đang có xu hướng tăng giá và biến động mạnh. Trong đó, tăng mạnh nhất là các mặt hàng rau, củ Đà Lạt như: xà lách búp, bông cải xanh, bó xôi, cải thảo… Đáng chú ý, tùy theo số lượng nguồn hàng về chợ mà giá bán lẻ các mặt hàng này được bán buôn khác nhau từng ngày và giá bán tại những chợ khác nhau cũng có sự chênh lệch nhất định. Ngoài ra, các mặt hàng có nguồn cung từ nhiều tỉnh, thành khác cũng tăng giá nhẹ, như cải ngọt tăng 2.000 đến 3.000 đồng/kg, cải xanh (2.000 đến 4.000 đồng/kg), cà chua (1.000 đến 3.000 đồng/kg), xà lách son (6.000 đồng/kg).

Trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao do tác động của việc điều chỉnh tăng giá cước vận tải, xăng dầu… làm cho giá thành sản phẩm bán ra tăng theo nên nhiều đơn vị kinh doanh chỉ lấy hàng vừa đủ bán để tránh hàng tồn.

Cùng với đó, dù không tăng mạnh như nhóm hàng rau củ, nhưng nhóm hàng thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm tại Tp. Hồ Chí Minh cũng tăng đáng kể, dao động từ 2.000 đến 10.000 đồng/kg, tùy theo sản phẩm. Hiện giá bán lẻ một số sản phẩm như: cá thu nhật giá 55.000 đồng/kg, cá bông lau 140.000 đồng/kg, cá hường 70.000 đồng/kg; nghêu 50.000 đồng/kg, sò huyết 90.000 đồng/kg; thịt lợn ba rọi 90.000 đồng/kg, sườn non lợn 130.000 đồng/kg; thịt bò phi lê 230.000 đến 250.000 đồng/kg, thịt bò bắp 175.000 đến 200.000 đồng/kg.

Cá điêu hồng tăng cao

Những ngày gần đây, giá cá điêu hồng nuôi lồng bè ở Tiền Giang tăng mạnh và khan hiếm hàng, người nuôi phấn khởi do thu được lãi cao.

Hiện thương lái vào tận các làng bè thu mua cá điêu hồng loại từ 300 - 800 gr/con với giá 40.000 đồng/kg; loại từ 1 - 1,2 kg/con với giá 41.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với tháng trước.

Theo các hộ nuôi cá, năng suất bình quân nuôi cá điêu hồng lồng bè đạt khoảng 5 tấn/ha. Với giá bán này, người nuôi cá điêu hồng có thể lãi 30-35 triệu đồng/bè. Mỗi nông dân nuôi từ 3-5 bè, sau 6 tháng nuôi, có thể thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

Theo các chủ bè cá, giá cá điêu hồng tăng trở lại là do sản lượng cá cung cấp cho thị trường thời điểm này khan hiếm, bởi trước đó nhiều bè cá thua lỗ đã "treo" bè. Hiện, nhiều thương lái đến vùng nuôi cá điêu hồng ở Cồn Thới lùng sục để mua cá điêu hồng loại lớn từ 1 - 1,2 kg để cung cấp cho thị trường, nhưng cá loại này rất khan hiếm do giá cá điêu hồng đang trên đà tăng nên các chủ bè tiếp tục neo cá lại để chờ giá cá cao hơn.

Tiền Giang với làng cá bè trên sông Tiền quy mô 1.327 bè , tổng dung tích 145.374 m 3 , chủ yếu nuôi cá điêu hồng với sản lượng khoảng 150.000 tấn/năm cung ứng cho thị trường trong, ngoài tỉnh. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, nông dân đã thả nuôi mới 830 bè với 17 triệu con cá giống và thu hoạch sản lượng gần 5.000 tấn cá điêu hồng thương phẩm cung cấp thị trường trong và ngoài tỉnh.

T.Nga

Nguồn: Vinanet tổng hợp