Giá chanh không hạt tại Hậu Giang tăng cao; hành tím Sóc Trăng tăng giá mạnh; sầu riêng giảm giá đầu mùa;Vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang) trúng mùa khoai mỡ;…

Giá chanh không hạt tại Hậu Giang tăng cao

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Phước xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Chiến cho biết, khoảng một tuần qua, giá chanh không hạt tại địa phương tăng mạnh dẫn đến nguồn cung không đáp ứng được cầu. Vì vậy, Hợp tác xã Thạnh Phước đã phải hủy nhiều đơn đặt hàng.

Hiện nay, mức giá thu mua tại vườn dao động từ 30.000 - 33.000 đồng/kg, tăng từ 5.000 - 6.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Giá tăng do nguồn hàng khan hiếm. Riêng tại Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Phước, thương lái đặt hàng cần mua khoảng 5 tấn chanh/ngày nhưng đơn vị chỉ thu mua được hơn 2 tấn/ngày.

Theo các thương lái cho biết, hiện nhu cầu cần thu mua hơn 20 tấn chanh/tuần để cung cấp cho các thị trường lớn trong nước như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và xuất khẩu sang Thái Lan và Campuchia…, nhưng không tìm đủ nguồn hàng thu mua, buộc giảm lại sản lượng cung cấp cho khách hàng.

Các nhà vườn cho biết hiện vườn chanh đang vào mùa trái vụ, sản lượng quả giảm, trong khi đó nhu cầu thị trường tăng mạnh, nhất là vào mùa nắng nóng, dịp lễ, dùng trong giải khát, ăn uống tăng đột biến…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, cho biết: toàn tỉnh có diện tích vườn chanh khoảng 700 ha, tập trung nhiều nhất là ở huyện Châu Thành. Diện tích vườn chanh không hạt tăng mạnh khoảng vài năm trở lại đây, vì đây là loại cây trồng có đầu ra khá ổn định, giá đứng cao, cho thu nhập khá. Cái lợi nhất khi trồng chanh không hạt là sớm cho thu hoạch, cây cho quả quanh năm, thị trường khá ổn định, người tiêu dụng ưa chuộng bởi loại chanh này vỏ mỏng, nhiều nước, độ chua dịu... Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, chanh không hạt phù hợp với thổ nhưỡng, khí khẩu ở vùng đất địa phương này. Người dân có thể trồng chanh không hạt đan xen với loại cây ăn quả khác, đặc biệt là trồng trên diện tích đất vườn tạp, đất kém màu mở. Cùng với cây chanh, Hậu Giang cũng khuyến khích nhà vườn mở rộng diện tích trồng tắc (quất). So với các loại cây trồng khác, chanh và tắc là 2 loại cây trồng có thị trường tiêu thụ khá ổn định tại Hậu Giang, không lệ thuộc vụ mùa, ít sâu hại, giá cao, nhà vườn cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ha/năm.

Hải sản Quảng Bình giá tăng cao

Do lượng du khách đến Quảng Bình tăng đột biến, sức mua lên cao làm cho giá nhiều mặt hàng thực phẩm tăng giá, trong đó giá hải sản tăng mạnh nhất nhưng vẫn cháy hàng.
Cụ thể, nhiều chợ ở thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn, huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, các loại thịt lợn đều có giá tăng hơn so với cách đây 10 ngày khoảng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Trong đó, thịt lợn mông sấn, thịt ba chỉ có giá khoảng 80.000 đến 120.000 đồng/kg. Thịt bò ngon có giá 250.000 đến 270.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg…

Đặc biệt, giá các loại thực phẩm hải sản có giá trị để làm quà cho du khách như tôm, mực, cua, ghẹ, cá thu, cá mú, cá phèn... đều có giá tăng khoảng từ 10 đến 20% so với trước đây. Trong đó, cá thu ngon có giá từ 220.000 - 270.000 đồng/kg (tăng khoảng từ 30.000 - 35.000 đồng/kg); cá mú ngon đang sống có giá 380.000 - 400.000 đồng/kg (tăng khoảng từ 50.000 - 70.000 đồng/kg); tôm biển ngon có giá từ 350.000 - 600.000 đồng/kg (tăng khoảng từ 50.000 - 100.000 đồng/kg); giá mực khô ngon loại 10 con/kg có giá khoảng từ 500.000 -700.000 đồng/kg (tăng khoảng 50.000 - 70.000 đồng/kg).

Theo nhiều thương lái ở chợ đầu mối thành phố Đồng Hới, ngoài nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, khách du lịch đến Quảng Bình từ các tỉnh, thành trong cả nước tăng cao lại có nhu cầu đóng hàng về với số lượng lớn để làm quà nên mới xảy ra tình trạng hàng hóa tăng giá vẫn cháy hàng như mấy ngày qua.

Hành tím Sóc Trăng tăng giá mạnh

Đầu tháng tư, giá hành chỉ trên dưới 2.000 đồng/kg, nhưng gần tuần nay giá đang được mua ở mức 7.000 đến 8.000 đồng/kg; với hành loại tốt, củ to, đều, một số thương lái đã trả giá tới 9.000 đến 10.000 đồng/kg.

Tại thị xã Vĩnh Châu, hiện có cả chục nhóm đoàn viên, thanh niên tình nguyện luôn tích cực, cùng nhân viên của hợp tác xã Hành tím Vĩnh Châu đến tận nhà dân để thu mua, đóng gói cung cấp cho các công ty, trường học…

Theo anh Nguyễn Thành Duy, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Sóc Trăng, từ giữa tháng 4 đến nay, tỉnh đoàn đã đứng ra phối hợp với các doanh nghiệp ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và một số hệ thống siêu thị… thu mua hành tím trong dân. Do lượng hành tồn đọng nhiều nên những hộ khó khăn, nghèo, cận nghèo sẽ được ưu tiên thu mua trước, lực lượng đoàn viên thanh niên cũng đã đi từng hộ khảo sát thống kê lượng hành để có kế hoạch tiêu thụ khi có đơn đặt hàng của các nơi gửi tới.
Mặc dù việc “giải cứu” hành tím đang thực hiện khá hiệu quả, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế chứ không thể bền vững. Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch thị xã Vĩnh Châu cho biết, địa phương đang phối hợp với các ngành liên quan, cơ quan truyền thông tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hành tím Vĩnh Châu bởi thị trường nội địa rất lớn, nhưng chưa khai thác được. Bên cạnh đó, địa phương cũng tính đến việc nâng cao chất lượng hành nhất là khâu bảo quản sau thu hoạch, tồn trữ được lâu dài hơn và đặc biệt, sẽ khuyến cáo bà con cân nhắc về diện tích, có thể giảm bớt trồng hành để chuyển sang nuôi, trồng các loại cây con khác có hiệu quả hơn.

Giá sầu riêng đầu mùa giảm mạnh

Giá sầu riêng đầu mùa chính vụ loại 1 bán ra tại vườn hiện chỉ 25.000 đồng/kg, giảm mạnh so với mức giá lên tới 100.000-120.000 đồng/kg cách nay ba tháng (nghịch vụ). 

Nhiều nhà vườn trồng sầu riêng tại vùng chuyên canh sầu riêng nổi tiếng ở các xã Ngũ Hiệp, Tam Bình, Long Trung, Long Tiên (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết như trên.

Với mức giá như hiện tại, nhà vườn chỉ huề vốn hoặc lời chút đỉnh. Thế nhưng thương lái rất kén hàng. Theo nhiều chủ vựa mua sầu riêng tại huyện Cai Lậy, nguyên nhân trái rớt giá do sầu riêng Thái Lan và Đông Nam bộ đang vào vụ. 

Vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang) trúng mùa khoai mỡ

Vụ khoai mỡ 2015, nông dân vùng Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước, Tiền Giang) xuống giống được 413 ha. Đến đầu tháng 5/2015, bà con đã thu hoạch 350 ha, đạt trên 70% diện tích. Đáng mừng là năm nay, khoai mỡ trúng mùa và giá tiêu thụ khá cao, bà con rất phấn khởi.
Theo ông Huỳnh Văn Bườn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước, trà khoai mỡ thu hoạch năng suất bình quân đạt 12 tấn/ha, cao hơn 0,6 tấn ha so với cùng kỳ năm trước. Giá khoai mỡ dao động từ 5.000 - 7.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Đặc biệt, trà khoai thu hoạch sớm vừa qua nông dân bán với giá kỷ lục, trên 10.000 đồng/kg. Với giá trên, sau khi trừ chi phí, bà con lãi từ 30 – 40 triệu đồng/ ha.

Cây khoai mỡ là một trong những cây trồng chủ lực trên vùng Đồng Tháp Mười nhờ các yếu tố phù hợp thổ nhưỡng, năng suất, sản lượng cao và đầu ra thuận lợi. Huyện đã qui hoạch vùng trồng khoai mỡ tập trung tại các xã bị nhiễm phèn nặng: Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông, Hưng Thạnh… nhằm giúp nông dân vùng đất mới khai hoang sớm ổn định đời sống và sản xuất.


T.Nga

Nguồn: Vinanet tổng hợp

Nguồn: Vinanet