Lan cảnh chơi Tết: hàng ngoại “lấn sân” hàng Việt

Chỉ còn 1 tuần nữa sẽ đến Tết Nguyên Đán, khác với mọi năm, thị trường lan cảnh chơi Tết năm nay khá sôi động. Do nhu cầu trong nước không đáp ứng đủ, nên các loại lan có xuất xứ “ngoại” đã du nhập về tràn ngập thị trường. 

Tại vườn lan Trường Hà, cạnh Trung tâm giao lưu sinh vật cảnh đồ cổ đồ xưa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) khi chỉ ít ngày nữa là đến Tết Ất Mùi. Tại nơi đây đang bày bán hàng trăm loại hoa lan đủ mọi màu sắc, kích cỡ: phong lan, hồ điệp, địa lan, lan tai trâu, lan vũ nữ, lan rừng… thu hút rất đông khách đến xem.

Chủ vườn lan Trường Hà hồ hởi, cửa hàng đã kinh doanh hoa lan được hơn 2 năm, nhưng năm nay do kinh tế đã bắt đầu phục hồi nên người đến tìm hiểu và mua lan từ rất sớm. Khách hàng mua phổ biến là các loại lan hồ điệp, địa lan, lan cattleya. Trung bình mỗi ngày cửa hàng bán được khoảng 20 chậu hoa lan, đạt doanh thu 50-70 triệu đồng.

Về giả cả, giá lan năm nay tương đương năm ngoái, phù hợp với mọi đối tượng tiêu dùng. Giá trung bình là 200 ngàn đồng/cây. Các chậu hoa tùy theo số lượng cây và chủng loại sẽ có mức giá từ 2 triệu đồng lên đến hàng chục triệu đồng.

Tại các cửa hàng hoa lan nằm trên đường Hoàng Hoa Thám, Âu Cơ, Lạc Long Quân, chợ Quảng An (quận Tây Hồ)… cũng tấp nập người mua. Các loại lan ở đây có mức giá cao hơn những nơi khác như hoa địa lan có mức giá 400 ngàn đồng/cành, hồ điệp có giá 300 ngàn đồng/cây. Riêng loại lan hồ điệp loại cành hoa dài khoảng 1m có giá cao đến 1,5 triệu đồng/cây.

Thực tế, năm nay, nhiều khách hàng có xu hướng tìm kiếm những loại hoa độc lạ. Bên cạnh việc chọn số lượng cành theo phong thủy, nhiều người mua với số lượng lớn để trưng bày.

Lan ngoại chiếm ưu thế. Do sức mua tăng mạnh, lan trong nước không đủ đáp ứng, nên các lan được bày bán tại cửa hàng chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, còn trong nước chỉ chiếm khoảng 10% và được lấy từ miền Nam. Cũng trong dịp tết các loại lan khan hiếm, hiện hầu hết nhà vườn trong nước đều hết nên lượng nhập sẽ tăng mạnh, đặc biệt là lan vũ nữ, địa lan và cattlaya.

Đây cũng là thực trạng tại các cửa hàng bán hoa lan trên nhiều con phố Hà Nội. Chủ một cửa hàng bán hoa lan trong chợ Quảng An còn khẳng định, nguồn gốc của hoa lan tại các cửa hàng trong chợ bán phần lớn được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Về nguyên nhân, đa số đều cho rằng, năm nay lạnh kéo dài nên lan trong nước khan hiếm hơn so với cùng thời điểm năm trước. Hơn nữa, giá hoa Việt Nam đẹp lại rất cao. Điển hình, cùng một loại hoa địa lan, hàng được nhập từ Đà Lạt đã có giá khoảng 300-400 nghìn đồng/cành, nhập từ Sa Pa có giá từ 500 ngàn đồng/cành, trong khi hàng nhập từ Trung Quốc có giá chỉ bằng một nửa. Chưa kể, các loại hoa nhập, nhất là từ Trung Quốc vừa có hình dáng bắt mắt, cây khỏe, bông hoa lớn, không lo cây và hoa bị gẫy, hỏng trong quá trình vận chuyển, giá cả lại phải chăng nên hoa bán rất chạy. 

Đại diện một cửa hàng chuyên cung cấp các loại hoa lan nhập khẩu tại Hà Nội cho biết, loại lan đắt nhất trên thị trường hiện nay là hoa lan Vanda (còn nguyên gốc) nhập từ Thái Lan từ 1- 2 triệu đồng một gốc. Một nghệ nhân tại tại vườn lan Trường Hà "bật mí" thêm, sở dĩ các chậu hoa lan Vanda có giá cao vì lanVanda còn nguyên gốc trong nước rất hiếm. Đây là loại cánh hoa to, mềm mại và có hương thơm nhẹ nhàng với nhiều màu sắc khác nhau. Quá trình nhập hoa, vận chuyển và bảo quản hoa cũng khá phức tạp để giữ chất lượng tốt nhất. Hoa không nhiều, nếu muốn đặt số lượng lớn phải báo trước một tháng mới có hàng.

Hoa hồng Đà Lạt lên cơn sốt

Năm nay Lễ tình nhân Vanletine (14/2) rơi vào đúng dịp Tết Nguyên đán khiến giá hoa hồng Đà Lạt tăng vọt và không đủ hàng để bán.

Mấy ngày qua, nhiều tiểu thương đang ráo riết tìm về các nhà vườn trồng hoa hồng ở Đà Lạt (Lâm Đồng) để thu mua hoa với giá cao nhằm cung cấp cho các đầu mối trong cả nước phục vụ dịp lễ Tình nhân (14-2) nhưng vẫn không mua đủ hàng.

Các vựa thu mua hoa hiện đang chạy khắp nơi để gom hoa hồng các loại nhưng vẫn không đủ hàngTrong vòng hơn nửa tháng qua, giá hoa hồng Đà Lạt các loại liên tục tăng chóng mặt. Cụ thể, hoa hồng đỏ từ 1.200 – 1.800 đồng/cành tăng lên 5.500 – 6.500 đồng/cành; các loại hồng màu vàng, cánh sen, trắng, hồng phớt từ 1.000 – 1.200 đồng/cành tăng lên 3.500 – 4.500 đồng/cành.

Theo một số nhà vườn, do năm nay thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh tàn phá khiến hoa hồng mất mùa, giá cao.

Một tiểu thương ở Làng hoa Vạn Thành, phường 5, Đà Lạt cho biết,  nhận được rất nhiều đơn đặt hàng hoa hồng Đà Lạt từ khắp cả nước nhưng do hoa hồng quá khan hiếm khiến giá liên tục tăng cao nên vẫn không gom đủ hàng. Tiểu thương này dự báo rất có thể trong vài ngày tới, giá hoa hồng các loại sẽ còn tiếp tục tăng.

Hà Nội: Hoa cảnh giá “khủng” vẫn đắt hàng

Chợ hoa Quảng An lâu nay được mệnh danh là thế giới của các loại hoa. Theo những người bán hoa ở đây, năm nay ngoài hoa lan quen thuộc trong nước như Đà Lạt, Sapa thì có thêm nhiều loại địa lan được nhập về từ Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc..., phổ biến ở mức giá từ 5 triệu đến 50 triệu đồng/chậu. Thậm chí nhiều chậu lan hồ điệp “khủng” với giá từ 70 triệu đến 130 triệu đồng. Mặc dù giá cao nhưng cửa hàng nào cũng nườm nượp khách. Nhiều người còn đặt từ 2 đến 10 chậu để làm quà biếu Tết.

Tại siêu thị hoa Anh Trí - nơi bày bán hàng ngàn chậu hoa lan, ngay từ cửa ra vào của siêu thị này nhiều chậu hoa lan có giá từ 5 triệu đến 8 triệu đồng đã treo tấm biển “hoa đã bán” hoặc đã có người đặt mua.

Nhân viên siêu thị cho hay, năm nay nhiều đơn vị, doanh nghiệp đến siêu thị đặt các chậu hoa lan, địa lan để biếu tặng vì hoa lan vừa đẹp vừa chơi được lâu. Hoa có thể tươi lâu từ 2 đến 4 tháng nên có chậu lan giá cả trăm triệu đồng vẫn được khách đặt mua.

Chỉ còn 6 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, các chợ hoa tự phát đều đã bày đủ các loại đào, quất, hoa chơi Tết. Năm nay, đào Nhật Tân gần như biến mất khỏi các chợ hoa Tết do thời tiết không ủng hộ, nở sớm.

Giá đào ở phố Trần Nhân Tông (khu vực công viên Thống Nhất) khá hợp lý, đào cành giá từ 1 triệu đến 5 triệu đồng, tất cả đều được chuyển từ nơi khác về.

Tại chợ hoa Tết trên phố Hoàng Minh Giám, áp đảo số lượng bích đào là đào rừng. Một không gian rộng lớn được người bán thuê để bày hàng trăm cây đào rừng đủ mọi tư thế, kích thước.

Một người bán đào rừng cho hay, đào rừng giá dưới 1 triệu rất ít, chủ yếu là cây 4- 5 triệu, cao nhất là cây đào rừng chi chít lộc cao hơn 2 mét giá 8 triệu đồng! Đào rừng ở đây có xuất xứ từ nhiều vùng miền như: Ba Vì, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Mộc Châu…

NG.Hương

Nguồn: Vinanet tổng hợp từ các nguồn: Báo công thương điện tử, Lao Động, Tiền Phong


Nguồn: Vinanet