Thị trường hàng hóa dịch vụ trong tháng 3 đã bớt sôi động và dần trở lại bình thường sau dịp Tết và mùa lễ hội đầu năm; nguồn cung lương thực, thực phẩm vẫn dồi dào trong khi nhu cầu bớt sôi động... là những nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm khá sâu.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 3/2014 giảm 0,44% so với tháng 2/2014. Đây là tháng có chỉ số giá giảm sâu nhất so với chỉ số giá cùng kỳ tháng 3 từ năm 2007 đến nay. 

So với tháng 12/2013, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2014 chỉ tăng 0,80% , là mức tăng thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ trong 13 năm qua. Tính chung, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2014 tăng 4,39% so với tháng 3/2013. Chỉ số giá tiêu dùng Quý I năm 2014 tăng 4,83% so với cùng kỳ năm 2013.

Yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường

Cung hàng hóa, dịch vụ được bảo đảm nhất là nguồn cung lương thực, thực phẩm, giao thông công cộng, hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết... Đặc biệt, để giảm bớt áp lực về cầu trong những ngày cận Tết và sau Tết, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi phân phối hàng hóa đã mở cửa bán hàng phục vụ người dân đến ngày cận Tết, kéo dài thời gian mở cửa bán hàng trong ngày và mở cửa lại sớm sau Tết, nhất là tại các Thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, với số lượng hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định đã có tác dụng bình ổn thị trường trong dịp Tết và trong những tháng đầu năm.

Nhờ nguồn cung hàng hóa được bảo đảm nên mặc dù nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ Quý I/2014 tăng so với cùng kỳ, tuy nhiên không tăng đột biến do kỳ nghỉ Tết kéo dài làm giảm áp lực về cầu tại các Thành phố lớn; mặt khác người tiêu dùng đã có sự cân nhắc chi tiêu hợp lý hơn, theo xu hướng tiết kiệm, chỉ mua những gì thật thiết yếu; đồng thời, có sự điều chỉnh thói quen mua sắm, không dồn vào 3 ngày Tết như mọi năm, hạn chế tích trữ hàng hóa cũng góp phần giảm bớt áp lực về cầu, tạo tâm lý ổn định thị trường, giảm áp lực tăng giá.

Đối với mặt hàng thực phẩm, do nguồn cung hàng hóa, dịch vụ được bảo đảm trong khi áp lực về cầu không có sự đột biến, vì vậy giá cả nhóm thực phẩm (thịt gà, thịt lợn, quả tươi) chỉ tăng nhẹ vào những ngày 28, 29 Tết; sau Tết giá dần ổn định và có xu hướng giảm. Mặt khác, do thời tiết thuận lợi, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt dịp trước Tết, góp phần đảm bảo nguồn cung thực phẩm dồi dào. Chỉ số giá nhóm hàng thực phẩm có mức tăng thấp so với mức tăng dịp Tết Nguyên đán cùng kỳ các năm trước, và giảm khá sâu sau Tết là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá 3 tháng đầu năm tăng thấp và giảm sâu trong tháng 3/2014.

Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo sát sao và triển khai quyết liệt các biện pháp bình ổn thị trường, giá cả, trong đó chú trọng công tác dự trữ hàng hóa, bảo đảm cân đối cung cầu, tăng cường quản lý thị trường, giá cả trong dịp Tết. Đây là yếu tố quan trọng góp phần bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng quý I/2014 ở mức thấp.

Yếu tố gây sức ép tăng giá

Theo quy luật hàng năm, quý I là thời gian có Tết Nguyên đán nên nhu cầu tiêu dùng [6] tại một số thời điểm, nhất là những ngày giáp Tết tăng cao gây sức ép tăng giá, đặc biệt là giá các mặt hàng chủ yếu phục vụ Tết như Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (yếu tố cơ bản tác động làm chỉ số giá tiêu dùng 2 tháng đầu năm 2014 tăng), Dịch vụ giao thông công cộng, Văn hóa, giải trí, Đồ uống và thuốc lá, phí trông giữ xe máy, ô tô tại các điểm lễ hội, du lịch…

Bên cạnh đó, giá một số nhiên, nguyên vật liệu trên thị trường thế giới biến động tăng tại một số thời điểm trong 3 tháng đầu năm cũng đã ảnh hưởng tới giá hàng hóa trong nước (xăng dầu, phân bón...).

Dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2014 có thể vẫn giảm, tuy nhiên tốc độ giảm thấp hơn so với mức tháng 3/2014.

Nguồn: Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính

Nguồn: Vinanet