Thịt châu Âu tìm đường tới Việt Nam

Chiến dịch "Truyền thống và Chất lượng Thịt châu Âu" do Tổ chức các nhà sản xuất và sử dụng lao động trong Ngành công nghiệp Thịt (UPEMI) tổ chức tại 3 thị trường mục tiêu Mỹ, Hàn Quốc và Việt Nam đã được khởi động từ tháng 7/2013.

Kéo dài 36 tháng từ 24/7/2013 đến 23/7/2016, đơn vị tổ chức là UPEMI hướng tới mục tiêu chính là gia tăng lượng xuất khẩu của thịt châu Âu và các sản phẩm làm từ thịt đến với các thị trường mục tiêu và đi chuyên sâu hơn về những thông tin liên quan đến chất lượng, khẩu vị và tiêu chuẩn chế biến thịt.

Theo UPEMI, lượng thịt từ EU vào Việt Nam hiện đã gia tăng đáng kể. Nguồn thịt đông lạnh gồm heo, bò, gà nhập khẩu từ EU vào Việt Nam năm 2012 mới dừng ở 10 tấn, năm 2014 đã đạt mức 711 tấn, nhưng chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập tới 971 tấn thịt heo từ EU, tăng 24,7% về lượng và 63,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, trong thời gian này, 8.405 tấn thịt bò từ EU đã được nhập về Việt Nam, với mức tăng 40,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhập khẩu thịt đông lạnh từ EU vào Việt Nam dự báo sẽ còn tăng mạnh khi đầu tháng 8/2015, Việt Nam và EU hoàn tất cơ bản đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với EU (FVFTA), dự kiến ký kết trong thời gian tới.

Khi FVFTA có hiệu lực, giá thịt heo, bò, gà nhập khẩu từ EU sẽ rẻ hơn hiện nay nhờ thuế về mức 0% theo lộ trình từ 3 - 7 năm. Với mức thuế giảm về 0% theo lộ trình, các loại thịt xuất xứ châu Âu sẽ có giá rất cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm thịt cùng loại trên thị trường Việt Nam, đặt các cơ sở chăn nuôi trong nước vào thế, đã yếu nay lại càng yếu!

Bà Agnieszka Rozanska, Giám đốc điều hành UPEMI cho rằng, theo cam kết tại EVFTA, thuế nhập khẩu thịt từ EU vào Việt Nam sẽ được giảm trong vòng 3-7 năm và sau đó gỡ bỏ hoàn toàn. Điều này giúp cho giá thịt heo, bò, gà EU vào Việt Nam sẽ rẻ hơn so với hiện tại.

Hiện đã có khoảng 100 nhà xuất khẩu thuộc các nước EU đã được cấp phép xuất khẩu thịt vào Việt Nam, trong đó 40% đến từ Ba Lan.

Theo thống kê của UPEMI, Ba Lan vốn là nước xuất khẩu thịt đứng hàng thứ tư EU, với công nghệ bảo quản đông lạnh thịt hiện đại, trong 18 tháng thịt heo vẫn giữ được chất lượng ổn định

Thêm một thông tin nữa để dự báo rằng, thịt châu Âu còn đổ về Việt Nam mạnh hơn từ ngày 1/5/2015, bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (NN&PTNT) đã chính thức cho phép thịt bò không xương dưới 30 tháng tuổi của Pháp được nhập khẩu vào Việt Nam.

Thịt nội lo cạnh tranh

Mở cửa thị trường, không chỉ thịt mà tất cả các ngành kinh tế đều phải chấp nhận cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu. Đối với ngành chăn nuôi, khi thịt nhập khẩu dồn về, sức ép tất nhiên sẽ dồn lên vai các nhà sản xuất thịt trong nước, với hạn chế là chăn nuôi manh mún, giá thành sản xuất cao, phụ thuộc vào thức ăn chăn nuôi nhập khẩu…

Theo tính toán của Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), giá thành của thịt sản xuất ở trong nước đều cao hơn các nước khác. Cụ thể, giá sản xuất thịt heo ở trong nước là 2,08 USD/kg, còn ở Mỹ là 1,41 USD/kg; thịt bò trong nước là 2,53 USD/kg, còn ở Australia là 1,77 USD/kg.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam thừa nhận, giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam cao hơn các nước khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, khiến chăn nuôi Việt Nam khó cạnh tranh với ngành chăn nuôi của các quốc gia trên, đó là còn chưa tính tới ngành công nghiệp chăn nuôi hùng mạnh của các nước phát triển tại châu Âu, Mỹ... Đơn cử, sản phẩm đùi gà Mỹ đông lạnh nhập khẩu về Việt Nam với giá bán chỉ khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg, trong khi gà công nghiệp (loại nguyên con làm sẵn) của Việt Nam có giá là 40.000 đồng/kg.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã chi 64 triệu USD để nhập khẩu gần 71.000 tấn thịt gà (60% từ Mỹ), trong khi, cả năm 2014 cả nước mới nhập khẩu 98.644 tấn, với kim ngạch là 104 triệu USD.

Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho rằng, khu vực này hiện có hơn 3.000 trang trại đang bị ảnh hưởng bởi giá gà nhập quá thấp, vì thế, sản phẩm bán ra của các trang trại luôn dưới giá thành khoảng 5.000 đồng/kg.

Mặc dù, giá thịt nhập khẩu rẻ sẽ khiến người tiêu dùng được hưởng lợi, nhưng đối với ngành công nghiệp chăn nuôi, nếu không tận dụng được khoảng thời gian ngắn còn lại của lộ trình giảm thuế để tự nâng cao năng lực cạnh tranh, sẽ không lâu nữa, khả năng người Việt chỉ dùng thịt ngoại là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo Thế Hải

Báo Đầu Tư

Nguồn: Báo Đầu Tư