Ông Ade Sudrajat, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Indonexia (API) cho biết, tuần trước các nhà sản xuất nội địa đã kêu gọi chính phủ áp đặt các rào cản thuế quan và phi thuế quan như Tiêu chuẩn Quốc gia Indonexia (SNI), biện pháp chống bán phá giá hoặc các biện pháp tự vệ do mối lo ngại hàng hóa Trung Quốc sẽ gây thiệt hại đối với thị trường nội địa một khi hiệp định thương mại tự do có hiệu lực.

Mặt khác, ông cho rằng Trung Quốc có thể áp đặt các biện pháp trả đũa tương tự đối với Indonexia.

Bán phá giá là hiện tượng xảy ra khi hàng hóa được xuất khẩu từ quốc gia này sang một quốc gia khác với mức giá thấp hơn mức giá của hàng hóa đó tại thị trường nội địa nước xuất khẩu hoặc thấp hơn chi phí sản xuất, trong khi đó chống bán phá giá ám chỉ các biện pháp chống lại các hình thức bán phá giá thông qua việc áp đặt (tăng thêm) các loại thuế nhập khẩu.

Ông Ade cho hay, Trung Quốc có thể trả đũa (thông qua áp đặt các rào cản thương mại) đối với các sản phẩm tôm và cá của Indonexia nếu Indonexia ngay lập tức áp đặt biện pháp chống bán phá giá khi hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc tăng đột biến.

Ông cho biết, Indonexia đã từng lâm vào cuộc chiến thương mại tương tự với Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang áp đặt thuế chống bàn phá giá đối với sản phẩm xăm lốp và dệt may của Indonexia ngay sau khi Indonexia tăng thuế nhập khẩu đối với bột mỳ của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Ade nói, cuối cùng thì cuộc chiến thương mại là điều không tránh khỏi.

Hiệp định thương mại tự do sẽ có hiệu lực vào ngày 01 tháng 01 năm 2010 sẽ loại bỏ thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm dệt may, giày dép và thuộc da, gốm sứ, thực phẩm và đồ uống, sắt thép, sản phẩm hoá dầu và đồ điện tử Trung Quốc nhập khẩu vào Indonexia.

Bà Halida Miljani, chủ tịch Uỷ Ban chống bàn phá giá Indonexia (KADI) và Uỷ ban An Ninh Thương Mại Indonexia (KPPI) từ chối trả lời những câu hỏi của Báo Điện tử Giacacta. Bộ trưởng Bộ Thương Mại, Mari Elka Pangestu cũng từ chối đưa ra bình luận.

Theo ông Ade, đối với ngành công nghiệp dệt may của Indonexia nói riêng, Hiệp định này dường như có hại hơn là lợi bởi hiệp định này dẫn tới sự tăng lên ngày càng nhiều hàng dệt may nhập khẩu vào thị trường vốn đang bị đe doạ bởi hàng dệt may nhập khẩu trái phép từ Trung Quốc. Sản lượng hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc hiện đạt khoảng 900 triệu USD, tương đương 15% thị phần trong tổng giá trị thị trường nội địa là 7 tỷ USD.

Bằng việc trích dẫn số liệu từ Cục Thuế và Hải Quan Trung Quốc được thống kê bởi Cơ quan Thông tin Trung ương (BPS), ông Ade cho biết, tổng giá trị nhập khẩu vào Indonexia từ Trung Quốc lên đến 14,3 tỷ USD năm ngoài, phần lớn là sản phẩm chế tạo, trong khi Indonexia xuất khẩu phần lớn là tài nguyên thiên nhiên sang Trung Quốc như than đá, trị giá 17,2 tỉ USD.

Lãnh đạo phụ trách ngành dệt may thuộc Bộ Công nghiệp Indonexia, Arryanto Sagala cho biết Bộ này đã gửi thư đến Trung tâm Quản trị Hợp tác Quốc tế Bộ Thương mại và Ban Thư Ký yêu cầu hoãn việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do.

Ông Arryanto Sagala cho rằng: “ Sẽ tốt hơn nếu hoãn việc thực thi Hiệp định thương mại tự do thêm 5 năm nữa (do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn đang tiếp diễn) để bảo vệ các nhà sản xuất nội địa. Tuy vậy, Indonexia và Trung Quốc là không thể so sánh được.” Ông cho hay, trị giá xuất khảu hàng dệt may và may mặc Trung Quốc đạt 115 tỷ USD năm 2006, chiếm khoảng 30% tổng sản lượng quốc gia, trong khi đó Indonexia chỉ đạt 9,47 tỷ USD về hàng dệt may và may mặc xuất khẩu, chiếm 70% tổng sản lượng quốc gia Indonexia.

(Trung tâm thông tin cạnh tranh - Cục Quản lý Cạnh tranh)

Nguồn: Internet