Trung Quốc đã giảm tới 72% hạn ngạch xuất khẩu 17 kim loại đất hiếm trong toàn bộ nửa thứ hai của năm 2010, tờ The Daily Telegraph của Anh cho biết.

Theo tờ The Daily Telegraph, Trung Quốc hiện tại đã trở thành nhà độc quyền tuyệt đối về khai thác và gia công loại khoáng sản có vai trò thiết yếu trong sản xuất công nghệ cao này.

Danh sách các kim loại đất hiếm mà Trung Quốc hạn chế xuất khẩu bao gồm samari, tecbi, lantan, lutexi, tuli và các chất khác. Đây là những thành phần chính để tạo ra các sản phẩm như iPad, Blackberry, máy lọc nước, lazer và các loại xe hybrid.

Ngoài ra, những yếu tố này còn được sử dụng phần lớn trong công nghệ sản xuất quân sự tinh vi nhất. Chẳng hạn như, xe tăng Abrams và radar Aegis Spy sẽ không thể chế tạo được nếu thiếu kim loại samari của Trung Quốc.

 Đất hiếm có vai trò vô cùng quan trọng đối với lĩnh vực khoa học kỹ thuật công nghệ cao, nó chính là nguồn nguyên liệu vô cùng quan trọng để sản xuất các sản phẩm như: xe hơi động cơ hỗn hợp, các loại vũ khí siêu dẫn và chính xác. Theo một bản báo cáo gần đây của cục địa chất Hoa Kỳ, từ những năm 1980 trở về trước, nước Mỹ đủ khả năng tự cung cấp nguồn đất hiếm cho mình, nhưng sau đó, do có sự điều chỉnh về giá cả lao động và chi phí sản xuất nên đã phải nhập khẩu phần lớn nguồn nguyên liệu này tự Trung Quốc. Hiện tại, hầu hết các nhà máy của Mỹ hoạt động trên lĩnh vực này đều đã đóng cửa, còn các chuyên gia thì chuyển sang hoạt động tại các lĩnh vực khác.

Chính phủ Mỹ hồi tháng 4 năm nay đưa ra một bản báo cáo nói rằng, hiện tại Trung Quốc khống chế 90% sản lượng đất hiếm xuất khẩu của thế giới đồng thời đánh thuế tới 25% để hạn chế xuất khẩu mặt hàng này.

Theo ước tính của các chuyên gia, để phục hồi ngành công nghiệp đất hiếm tại Mỹ và các quốc gia khác của châu Âu có thể sẽ cần tối thiểu 15 năm và hằng trăm tỷ USD đầu tư vào đó.

Tờ The Daily Telegraph cho rằng, một trong những lý do khiến Trung Quốc chiếm vị trí độc quyền trên thị trường chiến lược quan trọng này, đó là nhu cầu tiêu thụ kim loại của ngành công nghiệp này đang tăng. Tuy nhiên, còn có một lý do khác đó là, Trung Quốc muốn tăng áp lực lên các công ty công nghệ của nước ngoài. Bắc Kinh muốn tiếp tục sản xuất và chuyển giao công nghệ của mình ngay tại Trung Quốc.

Nguồn: Vitinfo