(VINANET) - Tuần này, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục xu hướng tăng nhờ chương trình thu mua tạm trữ của Chính phủ và nhu cầu đến từ Trung Quốc và Philippine.

Tuy nhiên, không có nhiều khách hàng tham gia ký hợp đồng mới vào lúc này, bởi tâm lý chờ đợi vụ thu hoạch chính vào giai đoạn cao điểm, trong bối ảnh giá ở Pakistan và Myanmar đang rẻ hơn.

Gạo 5% tấm của Việt Nam giá tăng lên 370-380 USD/tấn (FOB cảng Sài Gòn), cao nhất kể từ 21/1, và gạo 25% tấm giá cũng tăng lên 350 USD/tấn, tương đương hôm 21/1.

Một thương gia ở TP HCM thuộc một công ty châu Âu cho biết: “Trung Quốc bắt đầu tăng cường mua gạo, cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch”.

Trung Quốc, khách hàng lớn nhất trên thị trường gạo Việt Nam năm 2014, vẫn tiếp tục giữ vị trí này trong tháng 1/2015, với khối lượng mua chính ngạch đạt 71.000 tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Việt Nam.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã hồi phục từ mức 355 USD/tấn hôm 4/2 – mức thấp nhất kể từ tháng 9/2014 do nhu cầu yếu và nguồn cung tăng. Gạo Pakistan cùng loại giá hiện 350 USD/tấn.

Việc các công ty xuất khẩu bắt đầu thu mua lúa theo chương trình tạm trữ 2 triệu tấn lúa Đông Xuân của Chính phủ cộng với việc thắng thầu 300.000 tấn bán cho Philippine hỗ trợ giá tăng lên.

Thu hoạch lúa Đông Xuân – vụ lớn nhất trong năm – sẽ bước vào giai đoạn cao điểm ở cuối tháng 3, và giá có thể giảm khi đó. Chương trình thu mua tạm trữ sẽ kết thúc vào tháng tới.

Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nghỉ lễ trong ngày 4/3. Gạo 5% tấm của Thái Lan hiện giấ đã giảm xuống 405 USD/tấn, FOB, từ mức 413 USD/tấn một tuần trước đây. Chính phủ Thái đã tiến hành bán đấu giá 1 triệu tấn gạo vào hôm 6/3 trong nỗ lực giảm lượng tồn trữ.

Xuất khẩu gạo Ấn Độ, nước xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới, có thể giảm 1/5 trong năm nay xuống 8 triệu tấn do Thái Lan tích cực bán ra.

Giá gạo Ấn Độ đã giảm khoảng 5% tính từ tháng 10 năm ngoái tới nay. Đây là tin vui đối với các nước châu Phi như Nigeria và Senegal, những khách hàng chủ chốt của châu Á.

Năm 2014 Ấn Độ đã mất vị trí nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Năm nay, dự kiến nước này sẽ xuát khẩu khoảng 5 triệu tấn gạo phi – basmati (giảm khoảng 25%) và khoảng 3 triệu tấn Basmati (giảm khoảng 14%).

Tồn trữ lúa ở các kho của Chính phủ Ấn Độ đã tăng lên 25 triệu tấn tính tới 1/2, gấp đôi mức quy định.

Trên thị trường Indonesia, giá gạo bắt đầu giảm từ ngày 3/3 sau nhiều tháng liên tục tăng. Giá tại Jakarta, nhất là các khu vực Mayestik và Kebayoran Lama, dã giảm trung bình 200 rupiah/kg.

Theo nguồn tin Antara, trên thị trường Mayestik, giá gạo IR I type (64) giảm 200 rupiah/kg, từ mức 10.000 Rp xuống 9.800 Rp/kg, gạo IR II (64) giảm từ 9.500 Rp xuống 9.000 Rp/kg và IR III (64)  giảm từ 9.000 Rp xuống 8.800 Rp/kg.

Trên thị trường bán buôn gạo Cipinang, giá giảm đã kéo giá bán lẻ giảm theo.

Lãnh đạo Indonesia cho biết hiện nước này có 1,4 triệu tấn gạo dự trữ, sẽ đủ dùng trong giai đoạn giáp hạt tháng 3- tháng 4.

T.Hải

Nguồn: Vinanet/Reuters