(VINANET) - Phiên giao dịch cuối tuần (26/7, kết thúc vào rạng sáng 17/7 giờ VN), giá vàng thế giới đứng ở mức 1.333,8 USD/ounce, giảm 1 USD/ounce so với đóng cửa phiên liền trước. Tuy nhiên, tính trong cả tuần qua, giá vàng thế giới tăng 2,5% (29 USD/ounce), nhờ USD giảm giá so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì các chính sách tiền tệ nới lỏng thêm một thời gian nữa.

Trên thị trường trong nước phiên cuối tuần, vàng SJC niêm yết ở mức giá triệu đồng/lượng, bán ra 38,55 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng so với phiên trước đó. Tính chung trong tuần, giá vàng tăng 450.000 đồng/lượng. Theo quy đổi, giá vàng trong nước vẫn cao hơn khoảng 4,1 triệu đồng/lượng. Khoảng cách giữa giá mua và bán vàng ở mức phổ biến 300.000-400.000 đồng/lượng.

Sau khi giá vàng giảm thấp trong tháng 6 xuống mức đáy gần 3 năm, các ngân hàng trung ương của một số quốc gia mới nổi tiếp tục nâng lượng dự trữ vàng.

Theo số liệu của quỹ tiền tệ quốc tế, các khách hàng mua vàng thường xuyên như Kazakhstan, Azerbaijan tiếp tục nâng lượng dự trữ vàng trong tháng 6. Tuy nhiên, không phải tất cả các ngân hàng trung ương mua vào. Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đều bán vàng ra và 1 số nước khác như Mexico, Guatemala, Zimbabwe, Costa Rica, Đan Mạch...cũng giảm lượng dự trữ.

Các ngân hàng trung ương, chủ yếu tại các nền kinh tế đang phát triển tăng lượng vàng nắm giữ vài năm gần đây do khủng hoảng nợ nước ngoài như ở châu Âu. Điều này đã làm tăng áp lực giảm đối với dự trữ ngoại hối khác như USD hoặc euro.

Ukraina quay trở lại thị trường mua vàng 2 tháng liên tiếp, riêng tháng 6 mua 2,5 tấn vàng, hiện kho dự trữ nước này đang nắm giữ gần 1,3 triệu ounce vàng tương đương hơn 38,9 tấn vàng.

Azerbaijan mua vàng tháng thứ 6 liên tiếp, tăng dự trữ thêm 2 tấn vàng. Hiện lượng dự trữ của ngân hàng trung ương nước này vượt 250.000 ounce tương đương 8 tấn vàng trong khi tháng 12 năm ngoái lượng dự trữ này gần như bằng 0.

IMF cũng cho biết Nga vừa tăng lượng dự trữ vàng thêm 0,3 tấn lên tổng lượng nắm giữ là 996,4 tấn vàng. Tháng 6 là tháng thứ 9 liên tiếp Nga mua vàng vào. Với lượng dự trữ trên, Nga là nước nắm giữ vàng lớn thứ 7 trên thế giới.

Các nước Trung Á khác cũng tăng cường gom vàng. Kazakhstan mua thêm 1,4 tấn vàng, lượng dự trữ đạt 130,9 tấn và Kyrgyzstan cũng tăng dự trữ lên 3,3 tấn. Các nước Hy Lạp, Belarus và Bulgari cũng thông báo có mua vàng trong tháng 6 nhưng với khối lượng nhỏ.

Thổ Nhĩ Kỳ nước có dự trữ vàng lớn thứ 11 trên thế giới vừa bán ra 3,8 tấn vàng dự trữ trong tháng 6, lượng nắm giữ hiện còn 441,5 tấn, tháng bán ra đầu tiên từ tháng 6/2012.

Hoạt động bán vàng cũng diễn ra sôi động. Trong tháng 6, Đức - là nước nắm giữ vàng lớn thứ 2 trên thế giới- bán ra 0,8 tấn vàng giảm lượng dự trữ xuống còn 3.390,6 tấn.

Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã tổ chức 3 phiên đầu thầu và tính đến nay qua 47 phiên, NHNN đã đưa ra thị trường 1.271.499 lượng vàng (tương đương 47,67 tấn vàng).

Triển vọng giá vàng tuần tới sẽ chịu sự tác động bởi một số yếu tố sau

-Các số liệu kinh tế Mỹ: GDP quý 2, việc làm tháng 7, niềm tin tiêu dùng Mỹ, sản xuất công nghiệp Mỹ, cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang nước này (FED). Các thống kê kinh tế Mỹ sẽ là cơ sở để thị trường điều chỉnh kỳ vọng vào khả năng FED thay đổi chính sách nới lỏng trong năm nay. Tuyên bố sau cuộc họp của FED cũng sẽ làm rõ thêm vấn đề này. Đến hiện tại, khả năng FED cắt giảm nới lỏng và diễn biến tỷ giá đồng USD vẫn là những yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất tới diễn biến của giá vàng. nhiều quan sát viên cho rằng, cơ quan này sẽ không thay đổi thông điệp đã phát đi trong thời gian gần đây. Có chăng, FED sẽ chỉ điều chỉnh thông điệp theo hướng mềm mỏng hơn với chính sách nới lỏng bằng cách một lần nữa nhấn mạnh ý định sẽ duy trì chính sách này thay vì đưa ra bất kỳ một sáng kiến cắt giảm nào dù nhỏ nhất. Theo dự báo, nếu các dữ liệu kinh tế Mỹ tiếp tục tốt lên, thì phải tới cuộc họp tháng 9 FED mới tính tới cắt giảm chương trình nới lỏng QE.  

- Cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), vì kết quả cuộc họp này sẽ ảnh hưởng tới tỷ giá đồng Euro so với USD. Nếu ECB phát tín hiệu về nới lỏng thêm chính sách, đồng Euro có thể giảm giá khiến giá vàng giảm theo, và ngược lại. Tuy nhiên, các chuyên gia của Nomura cho rằng, một động thái cắt giảm lãi suất của ECB nhiều khả năng sẽ được thực hiện vào cuộc họp của tháng 9 thay vì cuộc họp của tháng 7 diễn ra vào tuần tới.

- Cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE).

- Khối lượng giao dịch vàng thấp do yếu tố mùa vụ.  Afshin Nabavi, người đứng đầu bộ phận giao dịch của công ty MKS SA tại Thụy Sỹ, nhận định: “Chúng ta đang ở giữa kỳ nghỉ hè. Sự biến động của giá vàng đang diễn ra một phần là do thiếu thanh khoản. Tình trạng này có thể còn tiếp tục sang tháng 8, với giá vàng biến động không rõ xu hướng, tăng giảm khoảng 20-30 USD/oz”

Trong cuộc thăm dò ý kiến dự báo giá vàng tuần tới do trang tin kim loại quý Kitco tiến hành, có 9/23 ý kiến phản hồi dự báo giá tăng, 6 dự báo giá giảm và 8 dự báo giá đi ngang.

Đợt tăng giá của vàng từ đầu tháng 7 tới nay có thể được nhiều nhà đầu tư xem như một cơ hội để bán vàng chốt lời. Mặc dù vậy, giá vàng có thể đã hình thành một mức đáy hỗ trợ vững chắc khi thị trường vàng lớn nhất thế giới là Ấn Độ chuẩn bị bước vào mùa cưới từ tháng 9.

(T.H tổng hợp)