Theo số liệu của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở cả hai nhánh Nhà nước và tư nhân của Việt Nam đang đạt khoảng 5,7% GDP trong những năm gần đây, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ hai tại châu Á sau Trung Quốc.

Các nước như Philippines hay Indonesia hiện chi dưới 3% GDP để phát triển cơ sở hạ tầng, trong khi với Thái Lan và Malaysia con số này ở mức dưới 2%.

 Với mức chi 5,7% GDP , Việt Nam đang trong nhóm dẫn đầu về tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng

ADB nhận định các nền kinh tế mới nổi trong khu vực cần đầu tư khoảng 26.000 tỷ USD từ nay tới 2030 để xây dựng mạng lưới giao thông, phát triển nguồn năng lượng và nâng cấp cơ sở hạ tầng nước sạch và môi trường. Việt Nam, một trong những nước có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng để thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài.

"Chính phủ Việt Nam hiểu rằng để cạnh tranh nguồn đầu tư, chỉ mình nhân công giá rẻ là không đủ", Eugenia Victorino, chuyên gia kinh tế từ ngân hàng ANZ cho hay. "Việt Nam cần cơ sở hạ tầng đủ tốt để thu hút các công ty nước ngoài tới xây dựng nhà máy, công xưởng. Hiện việc phát triển cơ sở hạ tầng đang trải rộng khắp Việt Nam, từ xây sân bay tới cầu đường".

Những khoản đầu tư đang cho thấy hiệu quả. FDI vào Việt Nam tăng lên mức kỷ lục 15,8 tỷ USD năm 2016 và kinh tế Việt Nam được World Bank đánh giá sẽ tăng trưởng trên 6% từ nay tới năm 2019, thuộc nhóm phát triển nhanh nhất trong thập kỷ này.

Tuy nhiên, thử thách cũng không hề nhỏ, Việt Nam cần khoảng 480 tỷ USD từ nay tới 2020 để nâng cấp cơ sở hạ tầng, bao gồm xây dựng 11 nhà máy điện với tổng công suất 13.000 megawatt và khoảng 1.380 km cao tốc mới, theo số liệu từ Chính phủ.

Trước đó, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tăng tốc các dự án để thu hút thêm vốn đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng khi mà ngân sách Nhà nước chỉ đủ đáp ứng 1/3 nhu cầu vốn.

Theo Rana Hasan, Giám đốc phát triển kinh tế của ADB, tỷ trọng vốn của khối tư nhân trong phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng dưới 10%. Tại Ấn Độ, khối tư nhân đóng vai trò quan trọng hơn trong phát triển cơ sở hạ tầng khi đóng góp tới hơn 30% vốn đầu tư trong lĩnh vực này trong những năm gần đây.

Việt Nam cần 480 tỷ USD trong 3 năm tới để phát triển cơ sở hạ tầng.

Các nước trong khu vực đang lên kế hoạch để rượt đuổi Việt Nam trong cuộc đua cơ sở hạ tầng.

Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte, đã đề ra mục tiêu tham vọng đầu tư khoảng 7% GDP cho cơ sở hạ tầng, trị giá khoảng 160 tỷ USD, từ nay tới năm 2022.

Tổng thống Indonesia, ông Joki Widodo, từng chật vật để nâng cấp cơ sở hạ tầng nước này trong những năm đầu nhậm chức, tuy nhiên tình hình đang khả quan lên khi nhiều dự án được đẩy nhanh tốc độ, trong đó có dự án cao tốc liền mạch nối các đảo chính của Indonesia và dự án đường sắt dài 720 km nối Jakarta và Surabaya.

Nguồn: news.zing.vn