Đây là khẳng định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại Hội nghị đối thoại công nhân lao động các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội năm 2017 tổ chức mới đây.
Đòi hỏi từ thực tiễn
Theo lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đơn vị đã liên hệ với các địa phương dành đất sạch cho công đoàn xây nhà ở cho công nhân. Các khu chung cư này dự kiến sẽ có các căn hộ diện tích từ 30-50m2, giá thành khoảng 5 triệu đồng/m2.
Cụ thể, căn hộ khoảng 30m2 sẽ có gác lửng, đủ phòng khách, phòng ngủ nhà vệ sinh,… để công nhân có thể mua, hoặc thuê. Ngoài ra, khu căn hộ cũng có đi kèm các tiện ích thiết yếu như nhà trẻ, siêu thị, hạ tầng để phục vụ công nhân.
Động thái này cũng hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Bộ Xây dựng khi chấp thuận cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Địa ốc Đất Lành làm căn hộ chung cư diện tích 25m2 tại Thành phố Hồ Chí Minh với yêu cầu bảo đảm thiết kế, xây dựng theo kiểu căn hộ khép kín. Tuy nhiên, mô hình này vẫn gây ít nhiều tranh luận.
Hiện, Bộ Xây dựng đang dự thảo ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư. Có lẽ, diện tích tối thiểu đối với căn hộ chung cư sẽ được quy định cụ thể hơn để triển khai trên diện rộng.
Tiêu chuẩn nhà ở sau 10 năm đã hạ thấp, chỉ còn hơn một nửa dựa trên thực tiễn triển khai của một số chủ đầu tư, căn cứ khoa học và đặc biệt đáp ứng được nhu cầu của nhiều người dân tại các khu đô thị lớn và khu vực phát triển khu công nghiệp.
Doanh nghiệp đầu tiên được “bật đèn xanh” triển khai căn hộ 25m2 cho rằng quy chuẩn trong căn hộ 25m2 là quá đơn giản, không có gì khác so với quy chuẩn của căn hộ 45m2. Do đó, không nên quy định cứng nhắc tỷ lệ số căn hộ có diện tích 25m2 trong một khu chung cư và diện tích tối thiểu của nhà vệ sinh hay sân phơi trong căn hộ này.
Chị Lê Thị Hoa, quê ở Thạch Hà, Hà Tĩnh là công nhân đang ở nhà thuê ở Hà Nội, cho hay rất vui mừng trước thông tin Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ phối hợp cùng thành phố Hà Nội xây dựng những khu nhà ở cho công nhân với diện tích nhỏ, giá thành thấp.
Tuy nhiên, chị Hoa băn khoăn điều kiện để mua được căn hộ này cũng cần cụ thể hơn, có được trả góp hay không, thời gian sử dụng được bao lâu hay chỉ vài ba năm là xuống cấp như các chung cư giá rẻ khác.
Cùng quan điểm trên, anh Tạ Đình Thắng quê ở Hải Phòng cho rằng với diện tích 25-30m2/căn, gia đình anh có hai vợ chồng và một con nhỏ ở là hợp lý, nhưng khi sinh thêm con và lúc đó kinh tế ổn định hơn muốn chuyển đổi căn hộ lớn hơn ở cùng khu thì sẽ được hỗ trợ linh hoạt như thế nào?
Liệu có căn hộ rộng hơn để giúp họ chuyển đổi hay được mua căn liền kề để mở rộng diện tích... Tiêu chuẩn xây dựng của căn phòng nhỏ này khác nhau như thế nào so với các căn hộ chung cư thương mại hay nhà ở xã hội... cũng là điều được nhiều người quan tâm.
Trong khi đó, chị Lê Phan Minh Nguyệt đến từ Thanh Hóa cho rằng việc đầu tư xây dựng những khu nhà loại này cũng cần liên kết hay gần với hệ thống giao thông công cộng để đi lại cho thuận tiện. Bởi, công nhân, sinh viên tập trung làm việc hay học ở quận Hà Đông, Thanh Xuân nhưng lại xây nhà ở Sóc Sơn, Ba Vì, hay Gia Lâm thì sẽ rất khó trong việc di chuyển…
Cùng một sàn bố trí quá nhiều căn hộ cũng có thể khiến nhà nhanh xuống cấp. Việc quản lý, duy tu sửa chữa cũng cần được tính toán để hợp lý mà vẫn không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Chuyên gia hiến kế
Quy chuẩn tiện ích đối với nhà 25m2 sẽ không có gì khác đối với nhà 45m2 - nhiều chuyên gia nhận xét. Chỉ có điều, với diện tích nhỏ hơn thì căn hộ sẽ không thể ở được nhiều người và quá trình sử dụng đòi hỏi người dân phải có ý thức.
Tiến sỹ Phạm Thái Sơn, Giảng viên chính, điều phối viên chương trình thạc sỹ về phát triển đô thị bền vững của Đại học Việt Đức, cho rằng không nên hạn chế không gian xây dựng loại nhà 25m2. Ngay cả khu trung tâm thành phố cũng nhiều người có nhu cầu về loại nhà này, như các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc và không mang theo gia đình.
Ông Sơn nhận định việc hạ chuẩn diện tích căn hộ đem lại nhiều sự lựa chọn hơn cho người dân nhưng phải kèm theo một bộ tiêu chuẩn hoàn chỉnh và chế độ hậu kiểm thực thi nghiêm túc. Nếu không có những tiêu chí, tiêu chuẩn về thiết kế, hạ tầng đi kèm thì các căn hộ này sẽ không khác những khu nhà tập thể cũ của Hà Nội hiện nay.
Ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư LDG, cũng cho rằng căn hộ 25m2 sẽ giải quyết nhu cầu nhà ở rất lớn của người thu nhập thấp, ít tiền không đủ mua căn hộ thương mại diện tích lớn. Tuy nhiên, cũng chỉ nên cho phép các doanh nghiệp làm nhà 25m2 cho đối tượng trên, vị trí xa trung tâm, không nên mở rộng ra dự án nhà ở thương mại.
Ở góc độ khác, đại diện của một Tập đoàn xây dựng vốn đầu tư nước ngoài có trụ sở tại Hà Nội cho rằng không chỉ với nhà thu nhập thấp mà nhà thương mại 25m2 cũng nên áp dụng tại các khu đô thị năng động như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng.
Đây là những nơi tập trung nhiều người có nhu cầu ở trong khoảng thời gian công tác nhất định hơn là ổn định lâu dài. Diện tích nhỏ, vị trí đẹp mà chủ đầu tư xây dựng hiện đại, khang trang như khách sạn và quy định chỉ 1-2 người ở thì sẽ không xảy ra nhếch nhác như các khu nhà “ổ chuột” trước đây.
Từ những ý kiến của chuyên gia, cũng như băn khoăn của công nhân lao động cho thấy việc triển khai xây dựng nhà ở mô hình cần được nghiên cứu, quy hoạch và thiết kế xây dựng phù hợp, hiệu quả đối với với từng đối tượng sử dụng.
Hiện, Hà Nội đang phải xử lý những tồn tại, bất cập khi triển khai xây dựng một số dự án. Đáng chú ý như Dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai), thành phố đang phải xem xét chuyển đổi 2 tòa nhà A2, A3 tại dự án này sang nhà ở xã hội nhằm giải quyết các khó khăn trong quá trình đầu tư xây dựng cũng như khai thác sử dụng dự án, đảm bảo hiệu quả nguồn vốn đã đầu tư.
Mặc dù dự án đã hoàn thành 3 tòa nhà, đáp ứng chỗ ở cho gần 11.000 sinh viên, nhưng lại không sử dụng hết công năng (mới đạt tỷ lệ thuê 35%), thậm chí nhiều diện tích bị bỏ hoang, gây lãng phí rất lớn. Nguyên nhân là do không thuận tiện cho việc di chuyển đến trường học và nhu cầu sinh hoạt của sinh viên.
Hay việc thành phố thí điểm xây nhà cho công nhân độc thân thuê tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh) đến nay cũng không còn phù hợp, bởi các công nhân đều xây dựng gia đình, có con cái.
Luật Nhà ở 2014 không quy định cứng nhắc diện tích nhà ở chung cư đã tạo sự linh hoạt cho cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý và hoạch định chính sách, khi nhu cầu của người dân rất đa dạng. Các loại hình nhà ở cũng như diện tích căn hộ cũng được kỳ vọng sẽ thay đổi để phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống.

Nguồn: vietnamplus.vn