Ngược lại, cũng vì có được một số tiền quá lớn từ bán đất, nhiều người đã tán gia bại sản do không biết sử dụng đồng tiền của mình một cách đúng mục đích như sang Campuchia đánh bạc, kinh doanh ồ ạt, mua xe ô tô đời mới...

Hậu quả là nhiều người giờ không còn một tấc đất để ở, phải đi làm thuê cho nhiều chủ đánh bắt cá xa bờ, làm phụ hồ cho các dự án du lịch.

Khi được hỏi, mọi người tranh nhau bán đất như vậy thì họ sống ở đâu, một cán bộ ở UBND thị trần Dương Đông cho biết những “tỷ phú một đêm” này đều vào đất liền sống. Có người thì mua nhà rộng lớn ở Cần Thơ, Kiên Giang, nhưng nhiều nhất vẫn là Tp.HCM. “Hầu như không có ai ở lại đảo ngọc này bởi vì họ muốn đưa gia đình, con cái vào những thành phố lớn sinh sống nhằm tìm một cơ hội mới”, vị này nói thêm.

Song song đó, một số ít khác dùng tiền bán đất mua một căn nhà khác tại Phú Quốc để sinh sống, số tiền lớn còn lại gửi ngân hàng kiếm lãi hàng tháng. Chẳng hạn, gia đình ông Trần Phúc Thái B., nhà ở xã Đường Bào, Dương Tơ vừa trúng một số tiền cực lớn, gần 500 tỷ đồng sau khi bán mảnh đất có diện tích 40ha của mình cho một chủ đầu tư nước ngoài.

Theo tìm hiểu, ông B., đã cho mỗi người trong gia đình mình ít nhất là 100 triệu đồng, nhiều nhất là 500 triệu đồng. Còn lại ông đều gửi ngân hàng để hàng tháng kiếm lãi hơn cả tỷ đồng! Hiện tại, ông thường xuyên đi du lịch nước ngoài và vừa mua 2 căn biệt thự tại quận 7, Tp.HCM để chuẩn bị đưa các con lên học đại học.

Bên cạnh đó, có một số lượng không nhỏ người dân trên đảo ngọc này không còn một mảnh đất nào trong tay, sau khi đã giàu lên nhờ cơn sốt đất. Một trường hợp điển hình cũng ở ấp Đường Bào là gia đình ông Bùi Thới Bảy, 56 tuổi. Năm 2013, ông Bảy đã bán khu đất vườn trồng điều rộng hơn 1.000m2 của mình nằm giáp với Bãi Sao giá 7 tỷ đồng. Chỉ sau chưa đầy một năm, căn nhà rộng hơn 70m2 mà ông Bảy mua tại thị trấn Dương Đông nhờ tiền bán đất cũng đã “bay” theo cơn nghiện bài bạc của ông. Theo lời ông Bảy, sau khi bán đất được một số tiền lớn, phân chia cho 2 đứa con mỗi người một ít, ông dời lên thị trấn sống và bắt đầu bị rủ rê vào cờ bạc tận đất Campuchia.

Cuối cùng, tiền mất và nhà cũng bán để lấy tiền trả nợ nhưng vẫn không đủ. Hiện giờ ông đành phải đi làm thuê cho một gia đình đánh bắt cá xa bờ. Tiền công hàng tháng phụ thuộc vào lượng cá thu hoạch của chủ, cao nhất cũng không tới 8 triệu đồng/tháng. Số tiền này, ông Bảy dùng hầu hết vào việc trả lãi vay nóng để đánh bạc.

Trong khi đó, tại Phú Quốc hiện nay có rất nhiều tài xế taxi lao vào “canh bạc” kiếm tiền từ việc buôn đất và làm “cò”. Một số “cò” đất khác phải cầm cố nhà cửa, vay mượn tiền từ nhiều nguồn khác nhau để tranh thủ gom đất mong bán lại kiếm lời. Nhưng, không phải đất nào cũng “nóng” để nhanh chóng “đẻ” ra tiền lời bằng việc “tiền tươi thóc thật” trao tay. Do đó, một số người đã vỡ nợ, bán tháo đất đai đang ôm trong người với một mức giá quá rẻ để thu hồi tiền.

“Lý do của hiện tượng này là khách hàng có tiền chỉ chuộng những mảnh đất có diện tích lớn để đầu tư dự án khách sạn, nhà hàng chứ không phải cái gì cũng mua. Phú Quốc này không hề có chuyện sốt đất riêng lẻ, nhất là đất phân lô bán nền bởi vì người dân không đầu tư vào phân khúc này. Nhiều “cò” đất đã phải “ngậm trái đắng” vì mua vào nhiều lô đất nền như thế nhưng không bán được”, anh Hà Thanh Liêm, tài xế taxi của Hãng vận tải hành khách giá rẻ Phú Quốc cho biết.

Anh Hà Văn Nam, tài xế taxi của Hãng xe Mai Linh Phú Quốc, cho biết anh cũng từ Rạch Giá ra Phú Quốc 2 năm trước để làm “cò” đất vì thấy bạn bè mau đổi đời nhờ buôn bán đất đai. Tuy nhiên, sau khi bán căn nhà trên đất liền được hơn 1 tỷ đồng, vay mượn thêm từ nhiều nguồn anh đã “ôm” 3 lô đất có diện tích 3,5 x 20m tại đường 30/4, trước đây trước rao giá 30 triệu đồng/m2 vẫn không có người mua.

Cuối cùng, khoảng 4 tháng trước anh đành phải bán ở mức giá 12 triệu đồng/m2 và quay qua làm tài xế taxi, trong khi 3 người khác trong gia đình ông giờ giờ phải đi ở nhà thuê do số tiền thu được dùng để trả tiền gốc lẫn lãi vay, không đủ mua một căn nhà mới.

Theo các chuyên gia nhận định, giá đất tại Phú Quốc hiện nay đã có quá nhiều vị trí bị sốt ảo. Các giao dịch thỏa thuận ngầm tiềm ẩn nhiều rủi ro vì đã mua đi bán lại quá nhiều lần bằng giấy tay với giá bán sau luôn cao hơn giá trước. Với đà này, người mua cuối cùng sẽ lãnh đủ.

Theo Đăng Khải
Trí thức trẻ

Nguồn: Trí Thức trẻ