Cây hồi được xem là một trong những loại cây xóa đói, giảm nghèo ở huyện Bình Liêu. Tập trung chủ yếu ở 4 huyện: Đồng Văn, Đồng Tâm, Hoành Mô và Lục Hồn, với diện tích khoảng 5.552 héc-ta. Mỗi năm, cây hồi cho thu hoạch 2 vụ: Vụ xuân vào tháng 2, tháng 3 và vụ mùa vào tháng 9, tháng 10.
Sau mấy năm hồi liên tục thưa quả, mất mùa, thì năm nay đa số các rừng hồi ở Bình Liêu đều trĩu quả, hứa hẹn một vụ thu hoạch hồi với sản lượng lớn. Theo ước tính của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Liêu, sản lượng hồi khô năm 2016 là 197 tấn, năm 2017 ước tính sản lượng thu được là 200 tấn – “Con số này là có thể đạt được vì hồi năm nay được mùa” – chị Lê Thị Thu Hương – Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Liêu khẳng định.
Ông Lý Văn Bình – Bí thư kiêm Chủ tịch xã Đồng Văn cho hay: Đồng Văn là 1 trong 2 xã có diện tích trồng hồi lớn nhất huyện Bình Liêu (khoảng 2.000 héc-ta), với hơn 90% người dân trong xã tham gia trồng hồi. Năm nay, hồi được mùa, ước tính sản lượng của toàn xã sẽ được đạt khoảng gần 1.000 tấn hồi tươi.
Thực tế, do đất ruộng có thể trồng lúa, trồng dong riềng và rau màu rất ít, nên đồng bào dân tộc ở Bình Liêu chủ yếu sống nhờ rừng. Cụ thể là khai thác lâm sản từ cây hồi, cây sở, cây quế. Trong đó, hồi là loại cây không phải tốn nhiều công chăm sóc, trồng một lần thu hoạch trong nhiều năm… nên cây hồi có mặt ở rất nhiều nơi.
Tại bản Sông Mooc A, xã Đồng Văn, bà con Dao Thanh Phán cũng đang háo hức vào vụ thu hoạch hồi. Chị Lý Thị Thanh cho biết: Mỗi ngày mấy người trong gia đình lên rừng cũng hái được vài chục ki-lô-gam quả hồi tươi, với giá bán khoảng 10.000 đồng/kg như hiện nay, ngày nào nhiều cũng được vài trăm nghìn đồng. “Hồi được mùa thì còn đỡ, chứ năm nào mất mùa thì không được bao nhiêu đâu” - chị Thanh chia sẻ.
Giống như chị Thanh, chị Bùi Thị Lìu (thôn Đồng Long, xã Đồng Tâm) cũng lo âu: “Mỗi ngày người mua lại trả một giá khác nhau. Hôm kia bán được 11.000 đồng/kg, hôm qua còn có 10.000, hôm nay người ta lại cân có 9.500 đồng. Không biết ngày mai giá sẽ lên hay xuống?”.
Theo ông Lý Văn Bình – Bí thư kiêm Chủ tịch xã Đồng Văn, hai năm trở lại đây, ở Đồng Văn đã có Hợp tác xã Kim Sơn chuyên thu mua, chế biến hồi. Quả hồi của Đồng Văn nhờ đó đã được tiêu thụ ra cả nước ngoài – dù số lượng vẫn còn khá khiêm tốn.
Năm 2015, để giúp người trồng hồi có thêm thu nhập, đồng thời có nhiều lựa chọn khi bán sản phẩm hồi, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bình Liêu đã phối hợp với Hợp tác xã Phát triển xanh, thử nghiệm sản phẩm “Túi thơm hoa hồi Bình Liêu”. Bước đầu giới thiệu tại các hội chợ, “Túi thơm hoa hồi Bình Liêu” nhận được nhiều lời khen ngợi của khách hàng, nhưng do sức tiêu thụ vẫn chưa đủ lớn (khoảng 2.000 túi/năm) nên Hợp tác Phát triển xanh chưa đầu tư mạnh cho sản phẩm này. Thực tế, tại Đồng Văn, Hoành Mô cũng có một vài cơ sở thu mua hồi tương đối lớn, nhưng do giá hồi bấp bênh nên những người thu mua này thường bán sang tay cho thương lái Trung Quốc luôn, rất ít cơ sở dám thu mua với số lượng nhiều để sấy khô vì lo giá cả thất thường (dù hồi khô có giá trị cao hơn nhiều lần).
Một mùa thu hoạch hồi nữa lại về. Giống như những năm trước, giá hồi năm nay vẫn cơ bản phụ thuộc vào phía Trung Quốc. Chính vì vậy, cùng với niềm vui được mùa, người trồng hồi ở Bình Liêu vẫn thấp thỏm lo âu.
Nguồn: Mai – Quỳnh/Báo Công Thương điện tử