Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, bản chất của vấn đề giá thịt lợn hiện nay là vấn đề cung - cầu, nguồn cung đang thiếu rất rõ.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tổng thể đàn lợn cũng như sản lượng thịt cung cấp cho thị trường năm 2019 so với năm 2018 đã thiếu 20-21%. 3 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 lại tiếp tục thiếu 20% nữa. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số địa phương, như Bắc Giang, cả lợn giống và lợn thịt thiếu đến 50%, thậm chí trên 50%. Đây là thực tế không phải chỉ ở một tỉnh, thành mà còn xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Hiện nay, trên cả nước, trong số 63 tỉnh, thành vẫn còn 17-18 tỉnh thành địa phương chưa công bố hết dịch, vì vậy người nông dân, các hộ chăn nuôi chưa yên tâm để tái đàn, nguồn cung đang rất thiếu. Kể cả một số hộ đang muốn tập trung tái đàn thì lại gặp 2 vấn đề khó khăn. Thứ nhất, họ không có vốn để đầu tư tái đàn, thứ 2, kể cả có, thì con giống rất đắt, một con lợn giống có giá khoảng hơn 2,5 triệu/con, thậm chí hơn 3 triệu/con. Người chăn nuôi tính toán nếu không hiệu quả, họ sẽ không tái đàn. Chính vì vậy, nguồn cung đã thiếu lại càng thiếu. Bộ NN&PTNT đã cho phép nhập khẩu lợn giống từ đời cụ, kị, ông, bà.

Có hai cách khắc phục để tăng cung. Một là tái đàn, đây là biện pháp tối ưu, cơ bản nhất, bền vững nhất, tạo công ăn việc làm cho người chăn nuôi, nhưng không phải một lúc có thể bù đắp được lượng thiếu. Theo tính toán của các địa phương, các DN, khi chúng tôi hỏi trực tiếp DN và một số địa phương, sớm nhất là phải hết năm nay, tức là Quý IV/2020 nếu không có gì đột biến thì lượng lợn xuất ra thị trường, mới có thể tương đương khi chưa có dịch. Như vậy, từ nay tới cuối năm, nguồn cung còn thiếu; Hai là nếu nguồn cung vẫn còn thiếu thì phải nhập khẩu để bù đắp. Hiện nay, Thủ tướng đã có chỉ đạo yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng tháng phải có kế hoạch cụ thể lượng thịt lợn cần bao nhiêu, hiện có thể đáp ứng cung cấp bao nhiêu và còn lại phải nhập khẩu bao nhiêu. Còn nếu nguồn cung trong nước tăng lên, phải giảm nhập khẩu để bảo vệ cho bà con chăn nuôi, các hộ nông dân. Chúng ta phải thực hiện theo cơ chế thị trường giữa cung và cầu. Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành nhằm sớm đưa giá thịt lợn hơi về mức 60 – 70 nghìn đồng/kg theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga, từ cuối 2019, lồng ghép với công tác bình ổn thị trường, Vụ TTTN đã trình lãnh đạo Bộ ký nhiều văn bản gửi các địa phương về công tác bình ổn thị trường dịp Tết, cũng như trong giai đoạn chống dịch Covid-19 để bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, trong đó có bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn.

Ngày 17/3/2020, thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ, Vụ đã ký văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố Trung ương về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn mặt hàng thịt lợn; yêu cầu các địa phương chỉ đạo và có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng thịt lợn trên địa bàn tập trung nguồn lực, tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh, giảm giá thành sản xuất nông sản và giá bán sản phẩm, bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn. Đồng thời, có kế hoạch đảm bảo nguồn cung trong thời gian tới.

Ngoài ra, Vụ cũng đề nghị các Sở Công Thương theo dõi sát biến động giá cả mặt hàng thịt lợn, cũng như các sản phẩm khác đồng thời có báo cáo hàng ngày về Vụ.
Thịt lợn là mặt hàng có chuỗi cung ứng rất đặc biệt, có sự tham gia của nhiều bộ ngành, nhiều loại hình doanh nghiệp và chính vì vậy, tại kết luận họp ban chỉ đạp điều hành giá ngày 21/4, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho từng Bộ ngành, cụ thể:
Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch tái đàn cụ thể, tổ chức chăn nuôi theo từng vùng, từng khu vực chăn nuôi (doanh nghiệp, hộ gia đình) với lộ trình cụ thể, thời gian theo từng tháng để sớm đảm bảo nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu trong nước ngay đầu quý III. Theo dõi, tổng hợp, phân tích và đưa ra số liệu cụ thể về dự kiến lượng lợn thịt (đủ tiêu chuẩn xuất chuồng theo quy định để giết mổ, cung cấp ra thị trường) trong từng tháng để từ đó chủ động có phương án điều hòa cung - cầu thịt lợn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá về kết quả thực hiện định kỳ hàng tháng từ nay đến hết quý III; đồng gửi Bộ Tài chính - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để tổng hợp chung. Chỉ đạo các doanh nghiệp chăn nuôi lớn thực hiện đúng cam kết về giảm giá bán lợn hơi và việc cung ứng số lượng lợn hơi. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước kiểm tra giá thành lợn hơi tại các doanh nghiệp chăn nuôi lớn; nếu có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để thao túng giá thì thực hiện xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định pháp luật và yêu cầu doanh nghiệp giảm giá lợn hơi về mức hợp lý như chỉ đạo trên.
Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, trên cơ sở đó đôn đốc các địa phương rà soát, công bố hết dịch để hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi yên tâm tái đàn, thúc đẩy chăn nuôi hộ gia đình, tăng đàn bù đắp nguồn cung thiếu hụt; tăng cường việc nhân giống, cung ứng lợn giống có chất lượng với giá cả hợp lý và an toàn dịch bệnh cho người dân để thực hiện tái đàn, tăng đàn phù hợp với dự báo về cầu và giá cả theo mục tiêu, kế hoạch đề ra. Đồng thời, đẩy mạnh vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, xây dựng các chuỗi đảm bảo cung ứng thịt lợn trong mùa dịch và ổn định thị trường trong năm 2020 và các năm tiếp theo.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương, các bộ, ngành chức năng và các doanh nghiệp nhập khẩu đảm bảo nhập đủ số lượng thịt còn thiếu theo đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ để bổ sung thịt lợn thiếu hụt trên thị trường từ nay đến quý III, không để thiếu nguồn cung thực phẩm quan trọng này trong mọi trường hợp, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Trên cơ sở kế hoạch tái đàn, phát triển sản xuất và sản lượng thịt lợn sản xuất trong nước hàng tháng, đánh giá cụ thể tình hình cung cầu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án điều hòa cung cầu, trong đó có tính đến tiếp tục nhập khẩu bù đắp nguồn cung thiếu hụt (nếu cần thiết).
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá cả mặt hàng thức ăn chăn nuôi là đầu vào cho sản xuất, chăn nuôi lợn để kịp thời thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất trình Chính phủ giải pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi góp phần giảm bớt khó khăn cho chăn nuôi lợn nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chức năng nghiên cứu, nếu cần thiết kiến nghị đưa mặt hàng thịt lợn vào danh mục thực hiện bình ổn giá theo quy định pháp luật về giá gửi Bộ Tài chính tổng hợp đề xuất.
Về phía Bộ Công Thương, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo 389 và các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng. Từ đó, làm rõ những bất cập, hạn chế và đề xuất giải pháp khắc phục những bất cập và xử lý vi phạm theo pháp luật (nếu có) trong khâu lưu thông, phân phối nhằm giảm thiểu các khâu trung gian gây tác động tiêu cực làm đẩy chi phí lưu thông trong giá bán tăng lên tiến tới hoàn thiện một hệ thống phân phối, bán buôn bán lẻ tinh gọn hiệu quả đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm tầng nấc trung gian, giảm chi phí trong khâu lưu thông về mức hợp lý trong cơ cấu giá bán hàng, đảm bảo hài hòa lợi ích người sản xuất, khâu lưu thông phân phối, người tiêu dùng.
Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường từ trung ương đến địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán của các thương nhân mua bán thịt lợn và xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, đẩy giá cao; giám sát chặt chẽ, hạn chế tối đa và xử lý nghiêm việc buôn bán, vận chuyển, xuất nhập khẩu lợn sống và thịt lợn trái phép.
Chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp, khuyến khích yêu cầu các doanh nghiệp phân phối, bán buôn, bán lẻ, các siêu thị triển khai chương trình bình ổn mặt hàng thịt lợn. Mở rộng cung ứng ra thị trường bán lẻ từ nguồn thịt lợn nhập khẩu từ các cơ sở sản xuất trong nước và đơn vị nhập khẩu, định hướng người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm thịt từ nguồn nhập khẩu.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao chỉ đạo cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý để thúc đẩy việc nhập khẩu thịt lợn.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ, thời gian qua, Vụ TTTN đã và đang phối hợp với Sở Công Thương và các hệ thống siêu thị lớn, cửa hàng tiện lợi để tổ chức các sự kiện bình ổn thị trường thịt lợn như: chuỗi ngày bán giảm giá thịt lợn trong các dịp lễ, đặc biệt trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19 của SaigonCoop, BigC, Vinmart,... Tại TP HCM, chính quyền cũng đưa mặt hàng thịt lợn vào danh mục mặt hàng bình ổn thị trường; sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng đã có chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng và phân phối thịt lợn tham gia vào Chương trình Bình ổn thị trường cần xem xét để giảm chiết khấu, giảm tầng nấc trung gian để đưa hàng từ nơi giết mổ đến hệ thống siêu thị với giá cả hợp lý. Một số siêu thị đã nhập khẩu trực tiếp mặt hàng thịt lợn, cố gắng tìm các mặt hàng có giá tốt nhất và bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm từ các thị trường như Mỹ, Nga, Brazil và một số thị trường khác từ châu Âu như Ba Lan để tìm nguồn hàng thịt lợn giá hợp lý, giảm bớt kênh trung gian, đưa về phân phối trực tiếp trong hệ thống phân phối của mình. Cụ thể, một số siêu thị đã làm tốt điều này trong thời gian qua như Bách hóa xanh, MM Mega Market, BigC..., một số siêu thị khác cũng đang tìm nguồn hàng để giảm bớt trung gian. Nhờ vậy, nhiều mặt hàng thịt lợn nhập khẩu trong hệ thống phân phối đã có giá cả giảm hơn 20-30% so với thịt lợn trong nước, hỗ trợ thị trường thịt lợn trong nước đang gặp nhiều khó khăn, khan hiếm nguồn cung, giá thịt lợn tăng cao vì phải chịu các tác động của dịch bệnh tả lợn châu Phi đã làm tăng chi phí phòng chống dịch, đảm bảo nguồn thức ăn chăn nuôi lợn và chi phí thuốc thú y, con giống trong thời gian qua. Thời gian tới, Vụ Thị trường trong nước chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn thị trường thịt lợn bằng nhiều giải pháp khác nhau nữa.

Nguồn: VITIC