Ngoại trừ đường giảm giá, còn lại tất cả mặt hàng khác đều tăng, giá dầu thực vật tăng mạnh nhất, sau đó là giá sữa, giá thịt và ngũ cốc. Tính chung cả năm 2020, chỉ số giá thực phẩm thế giới đạt mức cao nhất trong 3 năm gần đây, đạt 97,9 điểm, tăng 3,1% so với năm 2019, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục 131,9 điểm trong năm 2011.
Chỉ số giá ngũ cốc tháng 12 đạt trung bình 115,7 điểm, tăng 1,1% so với tháng 11, đây là tháng thứ 6 tăng liên tiếp. Giá lúa mì, ngô, lúa miến, gạo đều tăng do nguồn cung tại các nước xuất khẩu chính bị giảm, chủ yếu ở một số khu vực của Mỹ và Liên bang Nga.
Chỉ số giá gạo năm 2020 tăng 8,6% so với năm 2019, chủ yếu do nguồn cung tại Thái Lan và Việt Nam giảm, trong khi nguồn cung từ Ấn Độ và Pakistan tăng; chỉ số giá ngô và lúa mì tăng lần lượt là 7,6% và 5,6%. Tính chung cả năm 2020, chỉ số giá ngũ cốc thé giới đạt trung bình 102,7 điểm, tăng 6,6% so với năm 2019 và đánh dấu mức trung bình năm cao nhất kể từ năm 2014.
Chỉ số giá dầu thực vật tháng 12 đạt trung bình 127,6 điểm, tăng 4,7% so với tháng 11 và là mức cao nhất kể từ tháng 9/2012. Giá dầu thực vật liên tục tăng chủ yếu do giá dầu cọ, dầu đậu tương, dầu hạt cải và dầu hạt hướng dương đều tăng. Giá dầu cọ trên thị trường quốc tế tăng 7 tháng liên tục, do nguồn cung giảm mạnh tại các nước sản xuất chính; Bên cạnh đó, thuế xuất khẩu tại Indonesia – nước xuất khẩu dầu cọ dẫn đầu thế giới tăng mạnh. Giá dầu đậu tương đạt mức cao nhất trong 7 năm, chủ yếu do nguồn cung tại Achentina giảm do những đợt đình công kéo dài và khó khăn trong vận chuyển tại các cảng biển. Giá dầu hạt cải và dầu hướng dương cũng tăng do nhu cầu nhập khẩu tăng. Tính chung cả năm 2020, giá dầu thực vật đạt trung bình 99,1 điểm, tăng 19,1% so với năm 2019, đây là mức cao nhất trong 3 năm.
Chỉ số giá sữa thế giới tháng 12/2020 đạt trung bình 108,8 điểm, tăng 3,2% so với tháng 11 và là tháng thứ 7 tăng liên tiếp do nhu cầu nhập khẩu trên thế giới cao, phần lớn các nước lo ngại sản xuất sữa tại Úc giảm do thời tiết hanh khô, trong khi nhu cầu tại Tây Âu tăng. Tính chung cả năm 2020, chỉ số giá sữa đạt trung bình 101,8 điểm, giảm 1% so với năm 2019; trong đó, giá bơ giảm mạnh nhất, sau đó là sữa bột nguyên kem; trong khi giá sữa bột gầy và phô mai tăng.
Chỉ số giá thịt tháng 12/2020 đạt trung bình 94,3 điểm, tăng 1,7% so với tháng 11 nhưng thấp hơn 11,6% so với tháng 12/2019. Tháng 12/2020 là tháng thứ 3 chỉ số giá thịt tăng liên tiếp. Giá thịt gia cầm tăng do nhu cầu nhập khẩu tăng, đặc biệt từ Trung Đông, bên cạnh đó tiêu thụ nội địa tại các nước sản xuất chính cũng tăng do ảnh hưởng của các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm tại châu Âu. Giá thịt bò và thịt cừu cũng tăng, chủ yếu do nguồn cung từ Úc giảm trong khi nhu cầu cao. Ngược lại, giá thịt lợn giảm nhẹ do ảnh hưởng của việc Đức ngừng xuất khẩu sang thị trường châu Á do các đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi. Tính chung cả năm 2020, chỉ số giá thịt thế giới đạt trung bình 95,5 điểm, giảm 4,5% so với năm 2019; trong đó, giá thịt gia cầm giảm mạnh nhất, sau đó là giá thịt cừu, thịt lợn và thịt bò.
Chỉ số giá đường tháng 12/2020 giảm 0,6% sau khi tăng mạnh trong tháng 11, tính chung cả năm 2020, chỉ số giá đường đạt trung bình 79,5 điểm, tăng 1,1% so với năm 2019, chứng tỏ cung cầu đường toàn cầu khá cân bằng; nhập khẩu đường của Trung Quốc – nước nhập khẩu đường lớn thứ 2 thế giới trong 11 tháng đầu năm 2020 tăng 37% so với cùng kỳ năm 2019. Indonesia cũng tăng nhập khẩu đường tinh luyện để sản xuất thực phẩm và đồ uống. Tuy nhiên, sản xuất tại Brazil – nước sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới cũng tăng và tại Ấn Độ - nước có sản lượng đường dự báo tăng 17% trong niên vụ 2020/21, do vậy đã tác động làm giảm giá đường. Chính phủ Ấn Độ gần đây đã phê duyệt chính sách trợ cấp xuất khẩu đường cho niên vụ 2020/21 nên càng gây áp lực giảm giá.

Nguồn: VITIC