Top 10 thị trường xuất khẩu chính gồm: Mỹ, khối CPTPP, EU, Trung Quốc, Brazil, Colombia, Thái Lan, UAE, Anh và Nga.
Trong đó, xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt 37,718 triệu USD, chiếm tỷ lệ 23,62%, tăng 44% so với cùng kỳ 2020; Khối thị trường CPTPP đạt 29,082 triệu USD, chiếm tỷ lệ 18,21%, tăng 10,5%; EU đạt 14,04 triệu USD, chiếm tỷ lệ 8,9%, giảm 16,7%; Trung Quốc đạt 13,556 triệu USD, chiếm 8,49%, giảm 38,6%; …

Nguồn VASEP

Xuất khẩu cá tra thích nghi dần với điều kiện kinh doanh mới
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, mặc dù cỏn nhiều thách thức nhưng xuất khẩu cá tra trong 2 tháng đầu năm nay đạt 214 triệu USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, sau nhiều tháng sụt giảm xuất khẩu cá tra tăng trở lại đã cho thấy nhà nhập khẩu cũng như doanh nghiệp đang thích nghi dần với tình hình dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang những thị trường có FTA để hưởng ưu đãi thuế, tăng tính cạnh tranh và mở rộng xuất khẩu vào những thị trường mới cũng phần nào giúp kim ngạch cá tra phục hồi.
Tuy nhiên, rất còn nhiều khó khăn phía trước như tình trạng thiếu nguồn cung cục bộ đang diễn ra, hay tình hình chung rất khó đoán do các yếu tố tác động đều bất định. Để giải quyết các thách thức, VASEP khuyến nghị các doanh nghiệp cá tra ngoài việc tập trung phát triển các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN... cần tìm kiếm các thị trường mới như Ấn Độ.
VASEP cũng sẽ kết hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến chuyên sâu về C/O tại các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia; phổ kiến thức về các FTA, đặc biệt là CPTPP, EVFTA… nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận sâu và tận dụng khá hiệu quả các ưu đãi trong hoạt động xuất khẩu.
"Để hạn chế những rủi ro và ảnh hưởng từ sự sụt giảm của thị trường xuất khẩu các doanh nghiệp cần đẩy mạnh kênh tiêu thụ nội địa bằng cách đẩy mạnh kết nối với hệ thống nhà hàng, khu du lịch, bếp ăn tập thể tại các trường học, khu công nghiệp, quân đội... gắn với việc xây dựng thương hiệu sản phẩm và quản lý tốt chất lượng, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc.… Về lâu dài việc phát triển thị trường nội đia tốt không chỉ giúp doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm mà còn góp phần vào việc xây dựng hình ảnh sản phẩm cá tra Việt Nam. Từ đó giúp ngành hàng cá tra phát triển một cách bền vững hơn", ông Hòe chia sẻ.
Xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh tăng 15,6%
VASEP cho biết, tính từ 1/1 đến 15/2/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh đạt 3,89 triệu USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo trong các tháng tiếp theo, xuất khẩu cá tra sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng dương hai con số so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2020, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh tăng trưởng khả quan nhất trong tổng xuất khẩu cá tra Việt Nam. Trong đó, tháng 7/2020, giá trị xuất khẩu sang Anh đạt trên 8,18 triệu USD, tăng 113,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt gần bằng giá trị xuất khẩu cá tra sang cả khối thị trường EU (9,67 triệu USD).

Cơ cấu sản phẩm xuất khẩu cá tra sang Anh cũng rất đa dạng. Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu sản phẩm cá tra chế biến đạt mức trên 18 triệu USD, tăng gần 9,5 lần so với năm 2019. Giá trị xuất khẩu sản phẩm cá tra tươi, khô, đông lạnh (trừ HS 0304) cũng tăng 56,7% so với năm ngoái. Nhóm sản phẩm cá tra phile đông lạnh (HS 0304) xuất khẩu sang Anh giảm nhẹ 3,3%.
Một số các sản phẩm cá tra chế biến mà doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Anh trong năm 2020, như: Cá tra tẩm bột chiên sơ, phile cá tra cắt tẩm bột chiên sơ, phile cá tra cắt khoai tây tẩm bột chiên sơ đông lạnh, cá tra nguyên con bỏ nội tạng đông lạnh, cá tra cắt khúc đông lạnh, cá tra nguyên con đông lạnh, phile cá tra cắt miếng đông lạnh, cá tra phile đông lạnh, bao tử cá tra đông lạnh.
Hiện nay, có hơn 40 doanh nghiệp cá tra tham gia xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh trong năm qua, trong đó 3 công ty có giá trị xuất khẩu lớn nhất sang thị trường này là: Vinh Hoan Corp, Van Duc TG Food và AGIFISH.

Bên cạnh sản phẩm cá tra thì theo cam kết trong UKVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên nhập khẩu vào UK được giảm từ mức thuế cơ bản 10-20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Với mặt hàng hoa quả, khi Hiệp định có hiệu lực hơn 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả có mức thuế suất 0%
Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cho rằng, cùng việc trao đổi thương mại của Việt Nam với các quốc gia EU đạt nhiều tín hiệu khả quan ngay trong tháng khởi đầu năm 2021, tình hình xuất nhập khẩu với Vương quốc Anh tiếp tục cho thấy những hiệu ứng tích cực mà EVFTA đem lại trong giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit.
"Với những cam kết cắt giảm thuế suất lên đến 99% theo lộ trình cùng tính chất tiếp nối, Hiệp định UKVFTA hứa hẹn duy trì đà tăng trưởng thương mại bứt phá giữa Việt Nam và Anh Quốc trong những năm tiếp theo”, vụ này nhấn mạnh.

Nguồn: nhipsongdoanhnghiep