Tại miền Bắc sẽ sớm chạm mốc 70.000 đ/kg
Từ đầu tuần, giá lợn hơi tại khu vực đã có dấu hiệu phục hồi trở lại và xu hướng được duy trì cho tới hết tuần, giá trở lại mốc 66.000 đ/kg và các tỉnh có giá dưới 60.000 đ/kg cũng tăng.
Hiện tại, Hưng Yên, Thái Bình đạt 66.000 đ/kg; Tuyên Quang, Hà Nam, Vĩnh Phúc cũng lên tới 64.000 - 65.000 đ/kg; các địa phương còn lại như Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai... khoảng 60.000 - 63.000 đ/kg.
Trong tuần, công ty chăn nuôi CP miền Bắc cũng thông báo điều chỉnh giá hai lần, tổng cộng tăng 1.500 đ/kg. Dự báo khả năng sang tuần giá lợn hơi có thể chạm mốc 70.000 đ/kg.
Tại miền Trung, Tây Nguyên cũng có dấu hiệu khởi sắc
Khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng ghi nhận những biến động nhỏ tại một vài nơi nhưng không đáng kể, một số địa phương giá dưới 50.000 đ/kg. Tại các tỉnh thuộc Bắc Trung Bộ giá đang dao động 51.000 - 60.000 đ/kg, trong đó mức giá phổ biến là 56.000 - 60.000 đ/kg như tại Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ khoảng 50.000 - 60.000 đ/kg, nhưng mức giá phổ biến là 50.000 - 55.000 đ/kg; tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng đạt khoảng 55.000 - 60.000 đ/kg.
Tại miền Nam phục hồi 
 Tương tự miền Bắc, khu vực miền Nam giá phục hồi từ đầu tuần và xu hướng được kéo dài cho tới hết tuần. Giá lợn hơi tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước đã trở lại mức 62.000 đ/kg; tại Tiền Giang, Vũng Tàu giá khoảng 59.000 - 60.000 đ/kg; các tỉnh Cần Thơ, Bến Tre, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang khoảng 55.000 - 57.000 đ/kg. Công ty chăn nuôi CP miền Nam cũng thông báo tăng 3.000 đ/kg.
Đàn lợn ở các địa phương khu vực phía Nam đã sụt giảm đáng kể do dịch tả lợn châu Phi, trong khi một số nơi nông dân còn ngại tái đàn thì cũng có địa phương sẵn sàng hỗ trợ con giống cho bà con chăn nuôi trở lại.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long, ước tính đến trung tuần tháng 10, đàn lợn của tỉnh còn 197.886 con, giảm trên 39% (tương ứng 126.782 con) so với cùng kỳ năm trước. Chỉ riêng trong tháng 10, toàn tỉnh đã phát hiện 110 ổ bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại 110 hộ chăn nuôi ở cả 8 huyện- thị- thành trong toàn tỉnh, tổng số lợn đã tiêu hủy 1.600 con.
Tại Tiền Giang, giá lợn hơi cũng xấp xỉ 60.000 đ/kg. Trước khi dịch bệnh, toàn tỉnh Tiền Giang có khoảng 600.000 con lợn, đến nay đã có 27% số lợn bệnh bị tiêu hủy. Giá lợn tăng cao nhưng người chăn nuôi chưa dám tái đàn vì sợ dịch bệnh tả lợn châu Phi tái phát.
Trong khi đó, UBND tỉnh An Giang đã có quyết định hỗ trợ mua gần 2.000 con lợn cái giống chất lượng cao cho các hộ dân; định mức hỗ trợ 50% giá trị con giống nhưng không vượt quá 1 triệu đồng kinh phí mua con giống cấp bố mẹ và không thu hồi lại; số lượng hỗ trợ cho một hộ chăn nuôi từ 5-40 con tương ứng với số tiền từ 5-40 triệu đồng.
Tỉnh An Giang cũng hỗ trợ thêm 1.000 con lợn cái giống chất lượng cao với định mức hỗ trợ 50% giá trị con giống nhưng không vượt quá 2 triệu đồng kinh phí mua con giống cấp bố mẹ và không thu hồi lại; số lượng hỗ trợ cho một hộ chăn nuôi từ 5-40 con tương ứng với số tiền từ 10-80 triệu đồng.
Hiện ngành nông nghiệp tỉnh An Giang cũng đã khuyến cáo người dân trên địa bàn tỉnh cẩn trọng trong việc tái đàn lợn vì virus dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa bị khống chế, chưa có vắcxin phòng bệnh. Đối với những hộ chăn nuôi tự ý tái đàn, không được sự cho phép của địa phương, không theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành, nếu xảy ra dịch bệnh sẽ không được tỉnh hỗ trợ theo quy định.
Để tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang sẽ ưu tiên tái đàn ở những xã không có dịch bệnh tả lợn châu Phi, tiếp theo là ở các xã đã hết dịch bệnh (ổ dịch đã qua 30 ngày) và ưu tiên tái đàn ở các trang trại lớn đã đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học.

Nguồn: VITIC