Cá tra
Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL liên tục đứng ở mức thấp từ đầu năm 2020 tới nay; hiện nay giá 18.000 – 19.000 đ/kg đối với loại 700-800 g/con, trong khi giá thành sản xuất từ 21.000 - 22.000 đồng/kg, giảm 40% so với cùng thời điểm năm 2019. Nguyên nhân, do Dịch COVID-19 lan rộng làm đình trệ hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu tại các thị trường, nhu cầu giảm, giá xuất khẩu hạ khiến xuất khẩu sang Trung Quốc và EU đều giảm sâu 36%, xuất khẩu sang Mỹ giảm 13%, xuất khẩu sang ASEAN giảm 28%. Hiện nay tình trạng hạn mặn bất thường đã xảy ra ở ĐBSCL khiến cho vùng nuôi cá tra nguyên liệu bị ảnh hưởng, người nuôi ở một số địa phương đã ngưng thả nuôi do không đủ điều kiện nước, thủy lợi cho việc thả vụ mới.
Giá cá tra thịt trắng loại 1 tại Đồng Tháp
ĐVT: đ/kg

Tôm
Sau một thời gian sụt giảm do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, từ đầu tháng 5/2020, giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL đang dần tăng trở lại, mở ra kỳ vọng thuận lợi cho sản xuất vụ tôm mới. Trong tháng 5, giá tôm chân trắng loại 100 con/kg giá 95.000 - 100.000 đồng, tăng 15.000 - 20.000 đồng/kg so với cách đây 3 tháng. Tôm sú cỡ 30 con/kg giá 200.000 - 230.000 đồng, tăng 30.000 - 40.000 đồng/kg. Nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ tôm thế giới tăng, việc kiểm soát dịch COVID-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc có chiều hướng tốt hơn sẽ có thêm hi vọng cho người nuôi và nhà máy chế biến khi những ách tắc tại thị trường xuất khẩu phần nào được tháo gỡ. Nguồn cung tôm giảm sẽ tác động làm tăng giá tôm trong thời gian tới, nhất là sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Diễn biến giá tôm sú loại 30 con/kg tại ĐBSCL
ĐVT: đ/kg

Cung, cầu
Sản lượng
Theo Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 2,2 triệu tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 25,7% kế hoạch năm 2020, trong đó sản lượng khai thác 1,18 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 1,02 triệu tấn.
Về nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 444.393 ha (bằng 78,4% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 61,6% so với kế hoạch năm 2020), trong đó tôm sú 422.410 ha (bằng 78,7% so với cùng kỳ năm 2019), tôm thẻ chân trắng là 21.983 ha (bằng 71,9% so với cùng kỳ năm 2019). Sản lượng nuôi tôm nước lợ tính đến ngày 20/4/2020 đạt 168.600 tấn, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tôm sú ước đạt 65.000 tấn, giảm 15,6%; tôm thẻ chân trắng 103.600 tấn, tăng 2,1%.
Đối với cá tra, lũy kế diện tích thả nuôi đạt 3.788 ha (bằng 96,65% so với cùng kỳ năm 2019), diện tích thu hoạch 886 ha (bằng 82,88% so với cùng kỳ 2019). Tính đến 20/4/2020, sản lượng thu hoạch 248.304 tấn, giảm 17%. Ước tính đến 30/4/2020, sản lượng thu hoạch là 322.364 tấn (giảm 11,85% so với cùng kỳ năm 2019).
Nhập khẩu
Theo thống kê sơ sộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2020 đạt 548,63 triệu USD, giảm nhẹ 2,2% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu từ Ấn Độ tăng 11,9%, đạt 72,28 triệu USD, chiếm 13,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của cả nước; nhập khẩu từ Na Uy giảm 4,5%, đạt 63,68 triệu USD, chiếm 11,6%; nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á tăng 3,8%, đạt 60,97 triệu USD, chiếm 11,1%.
Xuất khẩu
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản của cả nước trong 4 tháng đầu năm 2020 đạt gần 2,23 tỷ USD, giảm 8,1% so với 4 tháng đầu năm 2019. Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc là các thị trường tiêu thụ thủy sản nhiều nhất của Việt Nam; trong đó, xuất khẩu sang Nhật Bản đứng đầu về kim ngạch đạt 434,39 triệu USD, chiếm 19,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, tăng trên 5,6% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu sang Mỹ đạt 377,48 triệu USD, chiếm 17%, giảm 2,1%. EU chiếm 14,5%, đạt 322,34 triệu USD, giảm 14,8%. Xuất khẩu sang Trung Quốc cũng giảm 8%, đạt 246,26 triệu USD, chiếm 11%. Thị trường Hàn Quốc chiếm 9,7%, đạt 216,44 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2019.
Dự báo
Các chuyên gia cho rằng, diễn biến Covid-19 trên thế giới còn rất phức tạp, do vậy trong vài tháng tới, xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm. Xuất khẩu thủy sản trong quý 2/2020 chưa thể hồi phục vì một số thị trường vẫn bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19, nhất là thị trường EU; xuất khẩu sang Trung Quốc cũng chưa thể hồi phục. Các nước ở tâm điểm dịch có thể sẽ nới lỏng phong tỏa, nhưng việc giao dịch chưa thể thông suốt và hồi phục ngay.
Dự báo xuất khẩu thủy sản quý 2 sẽ giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 2 tỷ USD, sau đó sẽ hồi phục dần vào quý 3 và quý 4, cả năm 2020 sẽ đạt 8,26-8,3 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2019. Mặt khác, các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu thuỷ sản chính với Việt Nam như Ấn Độ, Ecuado phải phong toả cách ly chống dịch, giảm đáng kể đến 50% sản lượng sản xuất và xuất khẩu; Indonesia, Philippines, Thái Lan cũng giảm khoảng 30%, đây là cơ hội lớn cho thuỷ sản Việt Nam. Hơn nữa, tại thị trường EU, Việt Nam có lợi thế ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, đặc biệt đối với sản phẩm tôm có mức thuế mà Ấn Độ, Thái Lan hay các nước khác không có lợi thế cạnh tranh.
Dự kiến năm nay sản lượng tôm sẽ giảm khoảng 10% do người dân lo ngại dịch bệnh, thời tiết không thuận lợi, nên không dám thả nuôi. Các công ty lo ngại có thể xảy ra tình trạng thiếu tôm nguyên liệu trong nửa cuối năm 2020 do người dân trì hoãn việc thả giống vì lo sợ đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tới xuất khẩu. Giá tôm năm 2020 sẽ vẫn tốt do nguồn cung sụt giảm mạnh hơn nhu cầu. Dù giá tôm nguyên liệu tăng nhưng do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh tôm, dịch COVID-19 phức tạp tại các thị trường tiêu thụ chính, nên người dân vẫn e dè trong việc thả nuôi. VASEP cho rằng nếu những điểm trên không được khống chế, sẽ rất dễ xảy ra thiếu hụt nguyên liệu tôm khi thị trường hồi phục.
Sản lượng thu hoạch cá tra sắp tới có thể giảm do hạn hán và xâm nhập mặn khiến cả nhà máy và người dân giảm thả nuôi, đây là điều kiện để giá cá tra nguyên liệu có thể tăng. Mặt khác, tín hiệu lạc quan đang trở lại ở một số thị trường lớn, hy vọng sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu trở lại trong thời gian tới.

Nguồn: VITIC