Cụ thể, giá cá tra nguyên liệu (kích cỡ 700 - 900gr/con) tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… đang ở mức 20.000 - 21.500 đồng/kg. Theo nhiều hộ dân nuôi cá tra ở TP Cần Thơ, giá cá tra có tăng nhẹ nhưng vẫn còn ở mức khá thấp, dưới giá thành sản xuất nên người nuôi cá tra tiếp tục bị lỗ nặng.
Hiện giá thành nuôi cá tra thương phẩm đang ở mức từ 23.700 - 24.500 đồng/kg. Thời điểm này, nhiều hộ nuôi cá tra phải áp dụng giải pháp cho cá ăn cầm chừng để chậm thu hoạch, chờ giá tăng. Riêng đối với những ao đã thu hoạch, người dân chậm thả nuôi mới hoặc nuôi với mật độ thấp so với lúc giá cá tra ở mức cao.
Trước đó, trong tuần cuối tháng 8/2019, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tiếp tục giảm thêm 200 đ/kg, đưa tổng mức giảm lên 700 đồng/kg sau 2 tuần liên tiếp.
Theo Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, đầu năm 2019 đến nay, diện tích thả nuôi cá tra trên địa bàn thành phố là 646 ha, tăng 2% so với cùng kỳ, đạt 86% so với kế hoạch năm. Diện tích đã thu hoạch là 315ha, sản lượng 94.924 tấn, bằng 89% so với cùng kỳ (106.984 tấn), đạt 58% so với kế hoạch năm.
Thông tin từ TTXVN, gần 100% diện tích nuôi cá tra ở Đồng Tháp được cấp mã số nhận diện.
Tỉnh Đồng Tháp đã cấp mã số nhận diện vùng nuôi với gần 100% diện tích nuôi cá tra thương phẩm; trong đó, 60% diện tích thả nuôi cá tra đạt chuẩn quốc tế.
Hiện diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh hơn 2.450 ha. Địa phương có 20 cơ sở nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu.
Nhiều doanh nghiệp nuôi cá tra tại địa phương đã chủ động được hơn 65% diện tích nuôi cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Công ty có số lượng nuôi nhiều nhất là Công ty TNHH Hùng Cá và Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn.
Tỉnh Đồng Tháp thực hiện truy xuất nguồn gốc rõ ràng với cách thức cấp mã số nhận diện với gần 100% cơ sở nuôi cá tra thương phẩm trên địa bàn trong tỉnh. Cách làm này để phát triển ngành hàng cá tra bền vững.
Chi cục Thủy sản Đồng Tháp cho biết, hiện việc cấp mã số nhận diện nuôi cá tra thương phẩm có nhiều thuận lợi. Cách làm này khuyến khích cơ sở nuôi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và chứng chỉ quốc tế phù hợp trong nuôi cá tra thương phẩm.
Việc quy định cụ thể cấp mã số nhận diện giúp xác định vị trí, tọa độ vùng nuôi này chuyển sang xác định vị trí, tọa độ từng ao nuôi khác, từ đó giúp công tác quản lý được tốt hơn. Việc quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm cá tra chế biến tạo điều kiện thuận lợi đối với doanh nghiệp trong việc xuất khẩu.
Các tổ chức, cá nhân nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra phải thực hiện lưu trữ hồ sơ truy xuất nguồn gốc với thời gian 24 tháng kể từ ngày thu hoạch hoặc xuất bán, giúp dễ dàng hơn trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cá tra Đồng Tháp được khách nước ngoài ưu chuộng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu…
Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp vận động hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ thực hiện theo quy định để được cấp mã số nhận diện, nuôi liên kết, sản xuất tập trung, không manh mún. Các hộ nuôi liên kết với doanh nghiệp để có giải pháp sản xuất đạt chuẩn GlobalGAP, VietGAP. Việc các doanh nghiệp tự chủ nguồn nguyên liệu giúp giải quyết khó khăn.
Công ty TNHH Hùng Cá là công ty thực hiện tốt về mã số nhận diện vùng nuôi. Công ty thực hiện từ việc nuôi trồng đến chế biến xuất khẩu, có quy mô lớn, uy tín ở Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam khuyến cáo, không nên nuôi cá tra ngoài vùng quy hoạch, không nên tận dụng ao nuôi các loại cá khác chuyển sang sản xuất cá tra giống để hạn chế rủi ro cung vượt cầu, nuôi có kiểm soát, theo định hướng mang tính bền vững...
Năm 2019, tỉnh Đồng Tháp dự kiến diện tích nuôi cá tra là 2.600 ha với mục tiêu đạt sản lượng 530.000 tấn.
Nguồn:VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet