Cây cao su từng là một trong những loại cây đã giúp người dân nông thôn của tỉnh Bình Dương thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhưng thời gian qua, giá mủ cao su giảm mạnh khiến người dân chỉ khai thác cầm chừng dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp.
Chia sẻ của hộ gia đình có hơn 5ha cao su đang vào vụ khai thác mủ ở xã An Long, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương được biết, trước đây khi giá mủ cao su cao gia đình phải thuê hơn 10 lao động cạo mủ, chăm sóc và thu hoạch mủ. Bởi cây cao su lúc đó trồng rất hiệu quả, mang lại thu nhập khá cao. Tuy nhiên khi giá cao su giảm đã ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình, tiền thu từ mủ cây cao su lại bấp bênh lên xuống. Hiện tại tiền thu nhập từ bán mủ cũng chỉ đủ bù đắp công chăm sóc và phân bón cho cây.
Có thể thấy, những năm gần đây, khi mủ cây cao su liên tục rớt giá từ 50.000 đồng/kg xuống 30.000 đồng rồi đến nay là 8.000 đồng- 10.000 đồng/kg đã khiến nhiều nông dân trồng cao su ở tỉnh Bình Dương rơi vào cảnh điêu đứng do tiền thu vào không đủ chi phí phân bón, thuê nhân công. Không ít hộ dân buộc phải chặt bỏ rừng cao su để chuyển đổi cây trồng hoặc chỉ khai thác cầm chừng để tìm kiếm công việc khác.
Cùng chung cảnh ngộ, hộ gia đình ngụ tại xã An Thái, huyện Phú Giáo cho biết, so với các năm trước, giá mủ cao su 900 đồng/1 độ (tương đương 27.000 đồng/kg) nông dân còn có lãi, nhưng với mức giá như hiện nay chỉ còn 300 đồng/1 độ (tương đương bình quân 9.000 đồng/kg), rớt giá 1/3 so với các năm trước. Vì vậy, gia đình cũng đang tính toán thanh lý khoảng 4ha cây cao su để chuyển đổi sang trồng cây ăn trái nhằm giảm chi phí chăm bón và thuê mướn nhân công.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, trong những năm qua cuộc sống của người dân nông thôn chủ yếu phụ thuộc vào cây công nghiệp; trong đó cây cao su là cây trồng chủ lực.
Trong một vài năm trở lại đây khi giá mủ cây cao su xuống quá thấp cũng đã có phần ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của người dân địa phương.
Do vậy, chính quyền xã An Thái cũng đã có nhiều giải pháp giúp người dân thực hiện chuyển đổi cây trồng, từ những loại cây trồng công nghiệp sang loại cây trồng ăn trái có múi như: cam, quýt và triển khai các giải pháp kỹ thuật để tăng năng suất.
Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh hiện có gần 134.000ha cao su, tập trung chủ yếu ở các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên; trong đó diện tích cao su tiểu điền của nông dân 83.000ha, chiếm khoảng 62,3%. Do giá mủ cao su liên tục ở mức thấp, bình quân trong năm 2018 chỉ đạt 32,8 triệu đồng/tấn.
Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Bình Dương cho biết, Sở đã đề xuất cho vay ưu đãi trong nông nghiệp để giúp bà con có nguồn vốn chăm sóc, ổn định vườn cây; đồng thời khẩn trương nghiên cứu, đề xuất khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; trong đó có phát triển vườn cao su.
Đối với diện tích cao su tiểu điền do nông dân trồng tự phát trên diện tích không thích nghi sẽ chuyển sang trồng cây khác phù hợp với quy hoạch; từng bước đưa các hộ dân trồng cao su nhỏ lẻ vào hợp tác xã, hội cao su tiểu điền để xây dựng liên kết trong sản xuất.
Cũng theo Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo bà con có thể giảm đầu tư phân bón hoặc bón phân một lần vào mùa mưa.
Đối với vườn cao su kiến thiết cơ bản, cần thường xuyên thăm vườn để phát hiện và xử lý kịp thời sâu bệnh có hại đối với cây trồng.
Những cây cao su đang ở thời kỳ khai thác, Sở cũng đã hướng dẫn bà con nên chuyển chế độ từ 2 ngày cạo 1 lần sang 3 ngày cạo một lần, qua đó vừa giảm sản lượng mủ khai thác vừa giữ cây phát triển chờ giá mủ tăng.
Riêng đối với vườn cây cao su già cỗi, giống không phù hợp, cho năng suất thấp Sở cũng khuyến khích bà con nông dân cần thanh lý để trồng tái canh.
Riêng những vườn cây nằm ngoài vùng quy hoạch như trồng trên đất ruộng, đất dốc không phù hợp, vườn cây sinh trưởng kém có thể chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nguồn: Tin tức nông nghiệp

Nguồn: Vinanet