Giá lúa gạo ngày 11/8/2020

ĐVT: đồng/kg

Chủng loại

Ngày 11/8/2020

Thay đổi so với ngày 10/8/2020

NL IR 504

8.950 - 9.000

0

TP IR 504

10.600 – 10.700

0

Tấm 1 IR 504

8.300 – 8.400

0

Cám vàng

5.650 – 5.700

0

Theo thông tấn xã Việt Nam, ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria, kiêm các thị trường Mali, Niger, Senegal và Gambia cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường châu Phi đang tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2020 và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng cao trong những tháng tới và ngay cả trong năm 2021.
Châu Phi hiện là thị trường có nhu cầu tiêu thụ gạo cao, đặc biệt là khu vực Tây Phi do sản xuất lúa không đủ, nhất là trong những năm xảy ra tình trạng thiên tai, mất mùa, bất ổn chính trị hay dịch bệnh. Trung bình mỗi năm, châu Phi nhập khẩu từ 12-13 triệu tấn gạo các loại.
Năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu gạo sang 35 trên tổng số 55 quốc gia châu Phi với kim ngạch gần 630 triệu USD, trong đó các thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất gồm Cote d'Ivoire, Ghana, Senegal, Mozambique, Cameroon, Gabon, Tanzania, Ai Cập... Riêng xuất khẩu sang các thị trường mà Thương vụ Việt Nam tại Algeria phụ trách gồm Senegal đạt 32,6 triệu USD, sang Algeria 6,3 triệu USD...
Năm 2020, nạn châu chấu bùng phát tại Đông Phi, đại dịch COVID-19, tình trạng tăng trưởng dân số cao và giá gạo quốc tế cạnh tranh là những nguyên nhân dẫn đến việc các chính phủ và người dân châu Phi tăng cường tích trữ lương thực và thực phẩm, trong đó có gạo.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhu cầu gạo của toàn châu Phi năm 2020 ước khoảng 15,7 triệu tấn, trong đó Senegal phải nhập khẩu 1,250 triệu tấn, tăng 13,6%, Mali nhập khẩu 350.000 tấn, tăng 16,6%... Đến năm 2021, dự báo, nhập khẩu gạo của khu vực này sẽ còn tiếp tục tăng hơn nữa.
Cục Chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết tính đến ngày 15/7, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 3,7 triệu tấn, trị giá 1,8 tỉ USD tăng 0,6% về lượng và 13,5% về giá trị so với cùng kì năm 2019.
Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 7 năm 2020 ước đạt 400.000 tấn với giá trị đạt 194 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2020 đạt gần 3,9 triệu tấn và 1,9 tỉ USD, giảm 1,4% về khối lượng nhưng tăng gần 11% về giá trị so với cùng kì năm 2019.
Trong 6 tháng đầu năm, Philippineses đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 với 36,9% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 1,4 triệu tấn và 634,3 triệu USD, tăng 13,3% về khối lượng và tăng 30,5% về giá trị so với cùng kì năm 2019.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2020, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất là: Senegal gấp 19,6 lần đạt 41.100 tấn, Indonesia gấp 2,8 lần đạt 45.200 tấn và Trung Quốc tăng gần 89% đạt 457.600 tấn.Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Iraq giảm 47,6%.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2020 đạt 487,6 USD/tấn, tăng 13% so với cùng kì năm 2019. Về chủng loại xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 39,1% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 37,6%; gạo nếp chiếm 18,7%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 4,4%.
Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippines với 423,2 triệu USD, chiếm 57,7%, Malaysia với 95,3 triệu USD, chiếm 13% và Cuba với 42,2 triệu USD, chiếm 5,7%. Với gạo jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Philippines với 246,9 triệu USD, chiếm 35%, Ghana với 107,3 triệu USD, chiếm 15,2% và Bờ Biển Ngà với 73,9 triệu USD, chiếm 10,5%.
Với gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc với 259,2 triệu USD, chiếm 73,7%, Philippines với 25,5 triệu USD, chiếm 7,2% và Malaysia với 23,6 triệu USD, chiếm 6,7%. Với gạo japonica và gạo giống Nhật, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Kiribati với 20,5 triệu USD, chiếm 24,9%, Đảo quốc Solomon với 12,2 triệu USD, chiếm 14,8%, và Philippines với 6,7 triệu USD, chiếm 8,2%.

Nguồn: VITIC