Tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, loại 5% tấm giá tăng lên 357 – 360 USD/tấn, FOB Bangkok, từ mức 355 – 360 USD/tấn một tuần trước.
“Giá tăng sau khi có tin Thái Lan và Trung Quốc ký hợp đồng liên chính phủ”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Bangkok cho biết, và thêm rằng ngoài hợp đồng này không có nhu cầu khác từ nước ngoài vào thời điểm hiện tại.
COFCO, công ty chế biến thực phẩm quốc doanh Trung Quốc, sẽ mua 100.000 tấn gạo Thái Lan, theo báo chí địa phương đưa tin ngày 13/2.
Đồng baht tăng giá so với USD cũng góp phần đẩy giá gạo Thái Lan tăng, và một số thương gia nhận định điều này có thể đẩy nhu cầu tăng trong những ngày tới bởi “một số khách hàng sợ giá sẽ tăng nữa nên vội vã mua vào”.
Số liệu từ Chính phủ Thái Lan ước tính xuất khẩu từ đầu năm tới ngày 14/2 đạt 1,6 triệu tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đem về 23,87 tỷ baht (682,39 triệu USD).
Giá gạo 5% tấm đồ tại Ấn Độ, nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, tuần này vững ở 376 – 381 USD/tấn trong bối cảnh nhu cầu yếu.
“Nhu cầu giảm do giá cao. Chênh lệch giá giữa gạo Ấn Độ và Thái Lan hiện rất lớn”, Reuters dẫn lời một nhà xuất khẩu ở Kakinada thuộc bang miền nam Ấn Độ - Andhra Pradesh.
Các nhà xuất khẩu Ấn Độ cho biết các cơ quan chính phủ nước này đang tích cực mua lúa cho hệ thống phân phối công cộng, đẩy giá tăng vượt mức giá thu mua tối thiểu mà Chính phủ quy định.
Sản lượng gạo Ấn Độ niên vụ 2016/17 chắc chắn sẽ tăng 4,3% lên kỷ lục cao 108,86 triệu tấn, theo thong tin từ Bộ Nông nghiệp nước này công bố ngày 15/2.
Gạo 5% tấm của Việt Nam giá giảm xuống 345 -350 USD/tấn, FOB cảng Sài Gòn, từ mức 352 – 355 USD/tấn một tuần trước đây.
Các thương gia đang chờ giá giảm hơn nữa bởi sắp đến vụ thu hoạch – cuối tháng này hoặc đầu tháng tới.
“Thị trường sẽ chưa thực sự sôi động cho đến giữa tháng 3, khi vào vụ thu hoạch và các thương gia nắm rõ hơn tình hình chất lượng gạo vụ này”, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho biết.
Xuất khẩu gạo Việt Nam đã giảm 13,5% trong tháng 1 so với cùng tháng năm ngoái, theo số liệu của Hải quan.
Những thông tin liên quan
Myanmar thu được trên 1 triệu USD từ xuất khẩu gạo qua đường biển trong tháng 1
Thông tin từ Bộ Thương mại Myanmar cho biết thu nhập từ xuất khẩu gạo bằng đường biển trong tháng 1/2017 đạt trên 12 triệu USD (trên 40.000 tấn), chủ yếu sang Trung Quốc và một số nước châu Âu.
Tháng 1 Myanmar đã xuất khẩu 40.333 tấn gạo, trị giá 12,212 triệu USD, tăng trên 17.000 tấn so với cùng tháng năm ngoái.
Từ 29/1 đến 4/2 nước này đã xuất khẩu gạo trắng và gạo đồ trị giá 3,558 triệu USD sang nước láng giềng Trung Quốc và các nước thành viên EU. 
Sản lượng gạo Thái Lan sẽ hồi phục nhờ năng suất cao
USDA dự báo sản lượng gạo Thái Lan năm nay sẽ đạt 18,6 triệu tấn (quy xay), tăng 18% so với năm ngoái. Năng suất gạo thô ước tính cao hơn so với mức trung bình 2,8 tấn/ha.
Sản xuất gạo Thái Lan đang hồi phục sau đợt hạn hán nghiêm trọng năm 2016 gây ra bởi El Nino, làm giảm cả nguồn cung nước và diện tích lúa.
Tuy nhiên mưa gần đây đã giúp làm đầy các hồ chứa nước, là cơ sở để Chính phủ có thể xoá bỏ những hạn chế về trồng lúa ở những diện tích phụ thuộc vào nước tưới. Nông dân nhờ đó đã tăng diện tích lúa thêm 975.000 héc ta so với năm ngoái. Diện tích lúa thu hoạch năm 2016/17 ước đạt 10,1 triệu ha, tăng 7% so với năm trước. 
Xuất khẩu gạo basmati của Ấn Độ gặp khó do Iran trì hoãn khôi phục nhập khẩu
Việc Iran trì hoãn khôi phục nhập khẩu chắc chắn ảnh hưởng tới sự hồi phục xuất khẩu gạo basmati của Ấn Độ, hãng đánh giá tín dụng ICRA đưa tin. 
Trung Quốc đặt giá thu mua tối thiểu để bảo vệ người trồng lúa
Trung Quốc đã đặt ra mức giá thu mua tối thiểu đối với lúa gạo trong năm 2017 để bảo vệ quyền lợi của người trồng lúa.
Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cho biết giá thu mua tối thiểu đối với gạo japonica sẽ là 3 NDT (44 U.S. cents) /kg, giảm so với 3,1 NDT/kg năm 2016.
Giá thu mua tối thiểu đối với những loại gạo khác có thể cũng sẽ được điều chỉnh giảm nhẹ so với năm 2016, cơ quan này cho biết, và thêm rằng việc điều chỉnh này dựa trên sự tính toán về chi phí sản xuất, nhu cầu của thị trường và nguồn cung, cũng như giá trên thị trường trong và ngoài nước.
Sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc năm 2016 đã giảm 0,8% so với năm trước đó, xuống 616 triệu tấn, kết thúc 12 năm liên tiếp tăng, nhưng vẫn là mức cao kỷ lục thứ 2 trong lịch sử.
Trung Quốc đặt giá thu mua tối thiểu đối với một số loại ngũ cốc từ năm 2004 để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. 
Madagascar tăng nhập khẩu gạo trong lúc giáp hạt
Madagascar đã quyết định tăng nhập khẩu gạo hàng tháng lên 60.000 tấn để đáp ứng đủ nguồn cung trong mùa giáp hạt.
Valonirina Randrianarisoa, Vụ trưởng Vụ bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Thương mại cho biết quy định này sẽ áp dụng cho đến hết tháng 4/2017. Con số này bao gồm 20.000 tấn mà Madagascar nhập khẩu trong thời gian bình thường và thêm 40.000 tấn mới quyết định nhập bổ sung trong bối cảnh hạn hán hảnh hưởng tới sản xuất lúa gạo.
Giá gạo tại thị trường này đã tăng nhanh, từ 1.200 ariary tháng 1/2017 lên 1.750 ariary hiện nay (1 USD = 3.138 ariary). Đã xuất hiện tình trạng bất ổn trên thị trường gạo do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, khiến nhiều người mua tích trữ.

Gạo là lương thực chính ở Madagascar, quốc gia nhập khẩu khoảng 200.000 tấn mỗi năm từ Pakistan và India để đáp ứng nhu cầu của 23 triệu dân do sản lượng trong nước không đủ cung cấp. 

Nguồn: VITIC/Reuters, Xinhua

Nguồn: Vinanet