Tại miền Bắc giá khoảng 46.000 - 50.000 đ/kg
Giá lợn hơi tại Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc dao động trong khoảng 47.000 - 48.000 đ/kg; tại Hưng Yên giá 48.000 - 50.000 đ/kg, có hộ chăn nuôi bán 52.000 đ/kg; tại Sơn La 49.000 - 50.000 đ/kg.
Tại Thái Nguyên, giá tăng 1.000 đ/kg lên 45.000 đ/kg, có nơi 46.000 đ/kg. Các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, giá 45.000 - 46.000 đ/kg.
Thị trường miền Bắc tiếp tục ghi nhận giá lợn hơi phục hồi, với mức giá phổ biến hiện là 46.000 - 50.000 đ/kg.
Ngoài ra, với việc các công ty chăn nuôi lớn tại miền Bắc duy trì tăng giá lợn thêm 500 đ/kg lên 47.000 đồng tại các kho Bắc Giang, Hòa Bình, Hải Phòng trong ngày 14/1/2019, khu vực dự kiến sẽ vẫn khởi sắc trước Tết Nguyên đán.
Tại miền Trung, Tây Nguyên giá ổn định
Giá lợn hơi toàn miền đang dao động trong khoảng 37.000 - 52.000 đ/kg, các địa phương Bắc Trung Bộ đạt mức giá thấp nhất vì diễn biến dịch lở mồm long móng. Chênh lệch giữa mức thấp nhất của Bắc Trung Bộ với mức cao nhất của khu vực Nam Trung Bộ lên tới 10.000 đ/kg.
Khu vực Tây Nguyên, giá lợn hơi vẫn ở mức tốt 46.500 - 52.000 đ/kg.
Tại miền Nam thị trường lặng sóng
Sau khi phục hồi tại một vài nơi, giá lợn hơi tại khu vực hiện biến động cục bộ; trong đó, tại Tiền Giang, Dầu Tiếng (Bình Dương), Long An, TP HCM đạt 50.000 đ/kg. Tại Bình Long, Chơn Thành (Đồng Nai), giá dao động 49.000 - 50.000 đ/kg.
Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang giá lợn duy trì 51.000 - 52.000 đ/kg. Còn giá lợn hơi tại Trà Vinh, Vũng Tàu, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long được thu mua ở mức 48.000 - 49.000 đ/kg.
Tại chợ đầu mối TP HCM, lượng lợn về chợ trong ngày 14/1/2019 đạt 5.600 con và tình hình buôn bán tiếp tục thuận lợi, nhưng giảm nhẹ vào cuối phiên chợ.
Tăng cường kiểm soát bệnh lở mồm long móng
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh lở mồm long móng ở một số địa phương, đầu tháng 1/2019, Cục Thú y gửi công văn số 3037/TY-DT gửi các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y, Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh.
Từ đầu tháng 12/2018 đến đầu năm 2019, dịch bệnh Lở mồm long móng (LMLM) đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam,...) làm nhiều gia súc mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy và đang có chiều hướng lây lan, diễn biến rất phức tạp.
Cục Thú y yêu cầu xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới tại các địa phương đã và đang có dịch bệnh LMLM; tổ chức tổng vệ sinh, xử lý gia súc bệnh, gia súc chết, phun thuốc tiêu độc khử trùng; tiêm phòng bao vây ổ dịch cho toàn bộ đàn gia súc của các xã đã, đang có dịch bệnh.
Thành lập ngay Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh và phân công rõ trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; thực hiện công bố dịch và khẩn trương tổ chức chống dịch theo đúng các quy định của pháp luật thú y hiện hành.
Tổ chức thông tin, tuyên truyền liên tục để người chăn nuôi biết và chủ động hợp tác trong phòng, chống dịch bệnh; trong đó cần nói rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh LMLM, các biện pháp xử lý gia súc bệnh, mức hỗ trợ của nhà nước đối với gia súc nghi mắc bệnh, mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Không lo thịt lợn sốt giá dịp tết
Chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, không ít người lo lắng thịt lợn. Năm qua, giá thịt lợn luôn ở mức cao, thậm chí có lúc các cơ quan có thẩm quyền phải vào cuộc điều tiết để tránh tình trạng bong bóng giá và tạo cơ hội cho thịt lợn nhập khẩu thâm nhập mạnh vào thị trường nội địa. Thế nhưng đến nay, giá thịt lợn nói riêng và thực phẩm nói chung khá ổn định do các loại thực phẩm chế biến sẵn, hàng tươi sống và rau quả về TP.HCM rất dồi dào. TP.HCM cũng đã chuẩn bị đủ nguồn hàng phục vụ Tết Kỷ Hợi.
Theo Sở Công thương - TP.HCM hiện có hơn 10.800 điểm bán hàng bình ổn thị trường phân bố khắp các khu vực dân cư; riêng nhóm hàng lương thực, thực phẩm là 4.209 điểm. Ngoài những điểm bán cố định, các doanh nghiệp còn tổ chức nhiều chuyến bán hàng lưu động để đưa hàng hóa về vùng xa, công nhân ở các khu công nghiệp…
Thông thường bước qua tháng chạp (12 âm lịch), nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống rục rịch tăng giá “đón tết”. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, tại nhiều chợ lẻ ở TP.HCM, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn ổn định.
Đặc biệt, mặt hàng quan trọng không thể thiếu trong dịp tết là thịt lợn , nên thường tăng giá vào mùa Tết. Tuy nhiên, hiện tại giá lợn hơi ở khu vực miền Nam vẫn dao động trong khoảng 49.000 - 50.000 đ/kg.
Theo nhiều hộ chăn nuôi ở Đồng Nai, giá lợn hơi trong khoảng 2 - 3 tuần qua dao động ở biên độ hẹp, chỉ khoảng 1.000 - 2.000 đồng, quanh mốc 50.000 đ/kg. Giá thịt lợn ổn định vì hiện lượng lợn trong các trang trại và trong dân còn khá nhiều. Thông thường, giá lợn hơi do các công ty chế biến quyết định mà đến thời điểm này hầu như các doanh nghiệp đã chuẩn bị xong hàng tết. Một lý do nữa là lợn cũng không xuất được qua Trung Quốc nên dự báo, giá cả ít có đột biến trong dịp Tết sắp đến. Mức giá hiện nay cũng đảm bảo người chăn nuôi có lãi, nếu tăng giảm mạnh sẽ gây bất ổn thịt trường.
Theo ngành nông nghiệp năm 2018, chăn nuôi lợn phát triển tốt, sản lượng thịt đạt trên 3,81 triệu tấn, tăng 2,2% so với năm 2017. Giá lợn hơi của VN hiện cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực nên ít có khả năng tăng thêm, ngoại trừ đột biến ở một vài nơi trong một khoảng thời gian nhất định. Trong thời điểm cận tết, do nhu cầu tăng đột biến, giá lợn hơi có thể tăng thêm 2.000 - 3.000 đ/kg
TP.HCM không lo đột biến giá
Theo Sở Công thương TP.HCM từ nhiều tháng trước tết đã lên kế hoạch và triển khai xuống các doanh nghiệp chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào, đa dạng phục vụ thị trường cả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
Năm nay, tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị tết hơn 18.400 tỉ đồng, tăng 3,44% so với Tết Mậu Tuất 2018. Để phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng, các doanh nghiệp thậm chí còn chuẩn bị lượng hàng hóa nhiều hơn so với kế hoạch của TP từ 13 - 17%. Các loại hàng hóa cung cấp cho thị trường đều được kiểm soát nguồn gốc, có nhãn mác, thương hiệu rõ ràng.
Nguồn: VITIC/Vietnambiz
 

Nguồn: Vinanet