Tại miền Bắc giá chững lại
Giá lợn hơi tại khu vực không có nhiều thay đổi so với cuối tuần trước, vẫn phổ biến trong khoảng 41.000 - 42.000 đ/kg; cụ thể, tại Hà Nam dao động 38.000 - 40.000 đ/kg; Hưng Yên, Bắc Giang, Đan Phượng 42.000 đ/kg; tại Phú Thọ, Ba Vì, Chương Mỹ, Thái Bình 40.000 - 41.000 đ/kg; tại Nam Định 42.000 - 43.000 đ/kg; Quảng Ninh vẫn duy trì ở mức cao so với các tỉnh, thành khác trên cả nước, đạt 44.000 - 45.000 đ/kg.
Tại miền Trung, Tây Nguyên giá ổn định
Lợn hơi tại các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ đang được giao dịch trong khoảng 31.000 - 38.000 đ/kg; trong đó, Thanh Hoá và Nghệ An 38.000 - 41.000 đ/kg; Huế, Hà Tĩnh, Quảng Bình 34.000 đ/kg; Quảng Trị 31.000 đồng; tại các tỉnh miền Nam Trung Bộ khoảng 30.000 - 35.000 đ/kg; các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng 32.000 - 34.000 đ/kg.
Tại miền Nam giá thấp nhất cả nước
Kể từ khi dịch ASF bùng phát tại miền Nam, giá lợn hơi đã giảm sâu và trở lại là khu vực có giá thấp nhất cả nước, phổ biến 31.000 - 34.000 đ/kg; một số địa phương như Tây Ninh, Bến Tre dưới 30.000 đ/kg; Đồng Nai cũng có nơi khoảng 28.000 - 30.000 đ/kg; trung bình toàn khu vực, giá lợn hơi vẫn ở mức 32.000 đ/kg.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Không để thiếu thực phẩm dịp cuối năm
Tính đến ngày 14/7/2019, dịch tả lợn châu Phi đã lan tới 62/63 tỉnh, thành, tổng số lợn bị tiêu hủy lên tới trên 3,2 triệu con (chiếm khoảng 10% tổng đàn cả nước). Nguy cơ thiếu thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn đang hiện hữu.
Với tình hình dịch tả lợn châu Phi hiện vẫn chưa có dấu hiệu được khống chế, nhiều người lo ngại khả năng cuối năm nay sẽ thiếu hụt thực phẩm. Bộ trưởng đánh giá, nếu không có biện pháp tổ chức sản xuất tốt, thì cuối năm nay sẽ xảy ra tình trạng thiếu thịt lợn.
Ngay từ đầu năm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã xây dựng những nhóm giải pháp, phối hợp triển khai đồng bộ cùng các địa phương; trong đó, trọng tâm là tập trung phát triển các nhóm thực phẩm khác để bù đắp lại sản lượng thịt lợn, gồm gia cầm; nhóm đại gia súc (trâu, bò) và thủy sản; tuy nhiên, trong quá trình phát triển 3 nhóm thực phẩm này, Bộ cũng khuyến cáo cần hết sức chú ý 3 nguyên tắc.
Thứ nhất, phải xây dựng được chuỗi an toàn, bởi nếu phát triển thiếu kiểm soát, cuối năm lại bị dịch bệnh thì rất nguy hiểm.
Thứ hai là bảo đảm cân đối cung cầu, tránh tình trạng phát triển vô tổ chức dẫn tới khủng hoảng thừa.
Thứ ba là tạo sinh kế mới cho người chăn nuôi lợn bị thiệt hại.
Bộ trưởng cho biết, nếu nhu cầu thị trường có nhu cầu nhập khẩu và khả năng sản xuất trong nước không đáp ứng được thì chúng ta vẫn phải nhập khẩu thịt lợn, song, giải pháp tốt nhất là cố gắng điều hòa, khắc phục sự thiếu hụt đó bằng các loại thực phẩm thay thế có thể chủ động được. Điều này sẽ giúp nước ta tránh bị phụ thuộc vào nguồn cung thực phẩm nói chung, thịt lợn nói riêng từ bên ngoài về lâu dài.
Về lâu dài, để bảo đảm nguồn cung thực phẩm nói chung, thịt lợn nói riêng, Bộ NN&PTNT cũng đã tính tới phương án tái đàn, thời gian tới, sẽ đưa ra những khuyến nghị, định hướng rõ ràng rằng: Những nơi nào bảo đảm an toàn sinh học cao, đặc biệt là những hộ trang trại chăn nuôi lớn, làm chủ được quy trình sản xuất an toàn dịch bệnh thì có thể tái đàn và tiếp tục gia tăng đàn lợn. Những ổ dịch đã qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh, quá trình kiểm tra, đánh giá bảo đảm được các điều kiện sản xuất an toàn cũng có thể tái đàn.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet