Tại miền Bắc giá ổn định
Tại Hà Nội, Hưng Yên giá lợn hơi được thu mua ở mức cao nhất cả nước 85.000 đồng/kg và 86.000 đồng/kg; tại Phú Thọ, Thái Nguyên ở mức 84.000 đồng/kg, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai, Thái Bình, Ninh Bình, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định ở mức 82.000 - 83.000 đồng/kg. Như vậy, giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động 82.000 - 86.000 đồng/kg.
Tại miền Trung - Tây Nguyên giá tăng
Tại tỉnh Quảng Ngãi, Ninh Thuận giá lợn hơi đồng loạt tăng 2.000 đồng/kg lên mức 82.000 đồng/kg; tại Bình Thuận, Nghệ An giá tăng nhẹ 1.000 đồng/kg lên 82.000 đồng/kg và 83.000 đồng/kg, tại Hà Tĩnh, Quảng Trị, Huế tăng 1.000 đồng/kg lên 81.000 đồng/kg; các địa phương còn lại không thay đổi so với hôm qua, tại Thanh Hóa cao nhất toàn miền 84.000 đồng/kg, tại Đắk Lắk, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng ở mức 81.000 - 82.000 đồng/kg. Như vậy, giá lợn hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên dao động 81.000 - 84.000 đồng/kg.
Tại miền Nam giá tăng
Tương tự miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam cũng tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg so với hôm qua. Cụ thể, tại Trà Vinh, Bạc Liêu, Cần Thơ tăng 2.000 đồng/kg lên 81.000 đồng/kg, tại Kiên Giang tăng 2.000 đồng/kg lên 80.000 đồng/kg, tại TP Hồ Chí Minh tăng 1.000 đồng/kg lên mức 82.000 đồng/kg, các địa phương như Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang, Vũng Tàu giá ổn định ở mức 80.000 - 82.000 đồng/kg, còn tại tỉnh Đồng Tháp, Cà Mau giá thấp nhất toàn miền 79.000 đồng/kg. Như vậy, giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam dao động 79.000 - 82.000 đồng/kg.
Theo dự báo, giá lợn hơi trong những ngày tới có thể tăng từ 2.000 – 3.000 đồng/kg tại khu vực phía Nam do nhu cầu tăng để sản xuất thực phẩm chế biến đón Tết Nguyên đán. Tại miền Bắc, giá lợn hơi khó tăng đột biến đến Tết Nguyên đán, cao nhất có thể chạm ngưỡng 90.000 đồng/kg rồi quay đầu giảm do chính sách cấm biên vẫn đang triển khai quyết liệt và dịch bệnh trong chăn nuôi được ngăn ngừa vào dịp cuối năm
Theo thông tin từ Cungcau.vn, Bộ NN&PTNT cho rằng với tốc độ tái đàn, tăng đàn như hiện nay thì nguồn cung thịt lợn cho Tết Tân Sửu sẽ đảm bảo, giá ở mức hợp lý cho cả người chăn nuôi và tiêu dùng. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, dự kiến từ nay đến hết Tết Nguyên đán 2021, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, nhất là thịt, trứng sẽ tăng lên từ 5-10% so với bình quân. Nhu cầu thịt các loại khoảng 250.000-350.000 tấn/tháng và khoảng 1-1,1 tỷ quả trứng gia cầm…
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT khẳng định với việc duy trì ổn định đàn gia súc, gia cầm, tình hình tái đàn lợn đạt kết quả tốt và dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, về cơ bản thị trường sẽ ổn định, cân đối cung-cầu đảm bảo không bị thiếu hụt. So với năm 2019, năm 2020 thì sản lượng thịt các loại năm 2021 đạt khoảng 5,37 triệu tấn, tăng 3,5%; trứng gia cầm cũng đạt 14,15 tỷ quả, tăng 6,6%.
Thông tin thêm về nguồn cung thịt lợn Tết, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết đây chính là thời điểm nhu cầu thịt lợn cao nhất, dẫn đến giá tăng lên, còn nguồn cung vẫn đang đảm bảo. Nhưng chắc chắn giá thịt lợn Tết Tân Sửu 2021 không tăng đột biến như Tết Canh Tý 2020.
Theo lý giải của Cục Chăn nuôi, trong năm 2020, tốc độ tái đàn lợn rất mạnh, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Tổng đàn lợn thịt của 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn khoảng 5,5 triệu con, tăng 175% so với hồi đầu năm. Nhiều địa phương chăn nuôi lớn như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Hưng Yên ... cũng có tốc độ tái đàn mạnh.
Liên quan đến giá lợn hơi đang tăng mạnh gần đây, khi Tết cận kề, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho rằng theo đúng kịch bản là cuối quý 3/2020, đầu quý 4/2020 giá lợn hơi sẽ giảm xuống, nhưng gần đây giá lại tăng lên. Cục Chăn nuôi cho rằng, đàn lợn cung cấp ra thị trường đợt này được người dân tái đàn đúng vào thời điểm giá giống đang tăng cao, lên đến 3-3,5 triệu đồng/con. Do chi phí giống quá cao nên giá thành chăn nuôi của người dân đã ở mức 70.000 đồng/kg, vì vậy, giá hiện nay mới hợp lý người dân có lãi.
Cùng động thái đảm bảo nguồn cung thực phẩm, nhất là nguồn thịt cho Tết Tân Sửu, Bộ Công Thương cũng đang yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo dõi sát tình hình sản xuất, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác cho thị trường. Bộ Yêu cầu chủ động có phương án hoặc đề xuất phương án để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng thực phẩm thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Các Sở Công Thương cũng được yêu cầu đôn đốc doanh nghiệp phân phối thực phẩm trên địa bàn phối hợp với doanh nghiệp chăn nuôi tập trung có phương án bảo đảm nguồn cung cấp lợn heo cho thị trường, thực hiện việc giảm giá thành phẩm tương ứng cho người tiêu dùng. Trong trường hợp cần thiết, cần có phương án nhập khẩu các mặt hàng thịt gia súc từ nước ngoài, để bình ổn thị trường.
Về lượng thịt cung ứng cho thị trường Tết Tân Sửu Công ty Masan MEATLife nhận xét, thông thường nhu cầu tiêu thụ thịt lợn từ tháng 12 đến tháng 1 năm sau luôn tăng mạnh đẩy giá lợn hơi trong giai đoạn này thường tăng. Như tại CP, tính từ đầu tháng 12/2020 đến cuối tháng, giá lợn hơi đã tăng hơn 6.500 đồng/kg. CP Việt Nam có tổng đàn chiếm 15% thị trường.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng Tết, MEATDeli cho biết đã tăng cường công suất hai tổ hợp chế biến tại Hà Nam và Long An, để đạt sản lượng dự kiến thịt tươi 1.577 tấn, thịt chế biến 280 tấn. Sản lượng này tăng gấp nhiều lần so với công suất sản xuất thông thường, trong đó thịt chế biến tăng 10 lần.
Tại Vinmart, sản lượng thịt lợn doanh nghiệp dự kiến của 4 tuần trước Tết 2021 là 1.318 tấn. Để đảm bảo nguồn hàng đến khách hàng, VinMart/VinMart+ đã làm việc với các nhà cung cấp, chuẩn bị nguồn hàng từ 3 tháng trước Tết tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam và tăng sản lượng nguồn cung lên 25%. VinMart cũng cam kết không xảy ra tình trạng khan nguồn cung thịt lợn trên cả nước, cam kết không có hiện tượng đội giá.

Nguồn: VITIC