Tại miền Bắc giá giảm
Tại Hà Nội, giá lợn hơi giảm tới 2.000 đ/kg xuống 36.000 đ/kg; Lào Cai giảm thêm 1.000 đồng xuống 40.000 đ/kg. Các địa phương khác giá lợn hơi không thay đổi so với ngày hôm qua, dao động trong khoảng 34.000 - 36.000 đ/kg.
Về tình hình dịch tả lợn châu Phi (ASF), chiều 19/3/2019, tại bản Đông Phong, xã Thèn Sin, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, Cơ quan chức năng huyện Tam Đường phối hợp với Chi cục thú y tỉnh Lai Châu tổ chức tiêu huỷ 117 con lợn được xác định nhiễm virus gây tử vong gần như 100% ở lợn.
Như vậy, trong vòng 1 tháng, dịch ASF đã nhanh chóng lây lan tới 20 tỉnh thành trên cả nước, toàn bộ tại hộ chăn nuôi lợn qui mô nhỏ, lẻ. Các tỉnh này gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh và Lai Châu.
Tại miền Trung, Tây Nguyên giảm tới 6.000 đ/kg
Thừa Thiên Huế là địa phương ghi nhận mức giảm này, xuống còn 38.000 đ/kg. Tại Hà Tĩnh giảm 4.000 đồng xuống 32.000 đ/kg; Quảng Trị giảm 3.000 đồng xuống 41.000 đ/kg.
Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk đồng loạt giảm 2.000 đồng, với Quảng Bình xuống 35.000 đ/kg; các địa phương khác còn 40.000 đ/kg. Bình Thuận cũng giảm 2.000 đ/kg xuống 41.000 đồng.
Giá lợn hơi tại Nghệ An giảm ít hơn, khoảng 1.000 đồng, xuống 39.000 đ/kg. Đợt điều chỉnh ngày hôm nay đẩy giá lợn hơi trung bình tại khu vực xuống còn khoảng 40.000 đ/kg.
Tại miền Nam giảm trên diện rộng
Tại Vũng Tàu giảm nhiều nhất, 4.000 đ/kg xuống 40.000 đồng. Tiền Giang, Bạc Liêu giảm tới 2.000 đồng xuống lần lượt 43.000 đồng và 45.000 đ/kg.
Tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang giảm 1.000 đồng xuống còn 42.000 - 45.000 đ/kg.
Giá lợn hơi tại khu vực đã giảm sâu trong thời gian qua xuống còn 40.000 - 45.000 đ/kg.
Tại chợ đầu mối TP HCM, lượng lợn về chợ trong ngày 19/3/2019 đạt 4.630 con và tình hình buôn bán của thương lái vẫn ảm đạm.
Có thể tăng nhập khẩu lợn nếu thiếu nguồn cung
Bộ Công Thương cho biết trường hợp dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục lây lan tại Việt Nam, có khả năng ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu từ các nước không bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch này.
Tính đến nay, lượng lợn bị bệnh và tiêu hủy chỉ chiếm khoảng 0,08% so với tổng nguồn cung trong năm. Đến thời điểm hiện nay nguồn cung trong nước vẫn được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân và các hoạt động sản xuất, chế biến.
Năm 2018, tổng sản lượng thịt hơi các loại khoảng 5,35 triệu tấn, tăng 3,6% so với cùng kì năm 2017. Trong đó, thịt lợn hơi ước đạt 3,81 triệu tấn (tăng 2,2% so với năm 2017).
Chăn nuôi heo đang chuyển dịch mạnh mẽ từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại. Tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng từ trang trại năm 2014 chiếm khoảng 40 – 45% đã tăng lên 58% năm 2017 và 70 – 75% năm 2018.
Bộ Công Thương nhận định trong điều kiện dịch bệnh, nguồn cung thịt cho thị trường có thể được bổ sung bằng các sản phẩm thay thế như thịt gà, bò, cá... Hiện nay, nguồn cung mặt hàng thực phẩm thay thế thịt lợn tương đối dồi dào nên sẽ bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương khuyến cáo tới người tiêu dùng không nên hoang mang trong sử dụng thịt lợn trong điều kiện dịch bệnh, chỉ nên cẩn trọng trong việc lựa chọn nguồn hàng bằng cách đến các địa điểm bán thực phẩm sạch, an toàn, các quầy hàng bán thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm dịch đầy đủ theo quy định.
Trong trường hợp dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục lây lan tại Việt Nam có khả năng ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu từ các nước không bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch này như Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ...
Tuy nhiên, trong thời gian xảy ra dịch bệnh, người tiêu dùng sẽ e ngại hơn trong sử dụng thịt lợn nên các doanh nghiệp thương mại cũng sẽ căn cứ vào các tín hiệu của thị trường để xác định lượng nhập khẩu phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm sát các thông tin về tình hình dịch bệnh, tình hình sản xuất các sản phẩm chăn nuôi (đặc biệt là mặt hàng thịt lợn) để kịp thời có phương án chỉ đạo, hỗ trợ nhập khẩu bù đắp nguồn cung trong trường hợp bị thiếu do dịch bệnh.
Đồng thời Bộ cũng phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, đưa tin chính xác về tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng ngừa để tránh gây hoang mang trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi heo, tránh những tâm lý tiêu cực gây bất ổn thị trường thực phẩm.
Giá lợn hơi Trung Quốc tăng cao
Giá lợn hơi hôm nay (20/3/2019) tại Trung Quốc bình quân tăng 0,24 CNY lên 15,32 CNY/kg (tương đương 53.000 đ/kg), nhưng vẫn giảm nhẹ 0,05 CNY/kg so với tuần trước, với 22 tỉnh công bố giá lợn tăng và chỉ có 5 tỉnh giảm giá. Trong khi, tại Ninh Hạ và Tây Tạng, giá lợn hơi không thay đổi so với ngày hôm qua.
Thông báo từ các địa phương công bố số liệu cho biết biên độ tăng của giá lợn hơi dao động trong khoảng 0,05 - 0,88 CNY/kg; còn biên độ giảm là 0,06 - 0,47 CNY/kg.
Mức giá cao nhất vẫn tại Chiết Giang, trung bình đạt 17,89 CNY/kg (tương đương 61.831,71 đ/kg); còn giá lợn hơi thấp nhất là tại Tân Cương, trung bình đạt 12,86 CNY/kg (khoảng 44.446,94 đ/kg).
Giá lợn hơi tiếp tục tăng tại phía bắc và phía nam. Theo các chuyên gia, tin tức về đợt thu mua và dự trữ thịt lợn đông lạnh lần thứ hai vào cuối tuần trước chắc chắn đã thúc đẩy thị trường. Dữ liệu từ tháng 2 cho thấy, đàn heo và lượng lợn nái đều giảm mạnh. Sự thiếu hụt nguồn cung một lần nữa kéo giá lợn tăng cao. Ngoài ra, dưới tác động của dịch tả lợn châu Phi, dù là chăn nuôi hộ gia đình hay trang trại qui mô lớn, hay doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán cũng không tái đàn.

 

Giá lợn hơi  Trung Quốc tại một số tỉnh, thành

Tỉnh, thành

Giá lợn hơi (CNY/kg)

Hồ Nam

14,2 – 16,8

Trùng Khánh

14 - 20

Giang Tây

15,6 – 16,5

Vân Nam

12 – 16,8

Quảng Đông

12 – 16,2

Quảng Tây

11,2 - 15

(1 CNY = 3.456,14 đồng)

Nguồn: VITIC/Vietnambiz 

Nguồn: Vinanet