Tại miền Bắc giảm 1-2 nghìn đồng/kg
Thị trường miền Bắc hôm nay có xu hướng giảm 1-2 nghìn đồng/kg tại một số địa phương, về ngưỡng 95 nghìn đồng/kg, số còn lại giao dịch quanh mức 97nghìn đồng/kg.
Cụ thể, tại Hà Nội, giá giảm 1 nghìn đồng/kg về ngưỡng 95 nghìn đồng/kg, lợn móc hàm cũng giảm được 1-2 nghìn đồng/kg ở ngưỡng 132-133 nghìn đồng/kg. Tại Yên Bái, Lào Cai, Bắc Giang, Phú Thọ, ghi nhận mức giá 95-96 nghìn đồng/kg không có nhiều biến động. Tại chợ đầu mối Hà Nam, giá lợn hơi vẫn đang giao dịch ngưỡng 97 nghìn đồng/kg, đây cũng là mức giá giao dịch tại Ninh Bình, Hưng Yên.
Nhìn chung các địa phương tại miền Bắc giao dịch ngưỡng 95-96 nghìn đồng/kg, số ít địa phương giao dịch ngưỡng đỉnh 97 nghìn đồng/kg.
Tại miền Trung, Tây Nguyên ổn định
Giá lợn hơi tại thị trường miền Trung, Tây Nguyên hôm nay ổn định sau một tuần giảm mạnh ở hầu hết các địa phương, đưa mức giá của vùng về ngưỡng phổ biến 90 nghìn đồng/kg sau khi giảm từ 2-6 nghìn đồng/kg trong tuần trước đó.
Tại Thanh Hóa, Nghệ An ghi nhận mốc 94-95 nghìn đồng/kg, đây là 2 địa phương có mức biến động ít nhất và thường giữ ngưỡng cao của vùng. Tại Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Ngãi, Bình Định ghi nhận giao dịch ngưỡng phổ biến 90-91 nghìn đồng/kg số ít ở ngưỡng 93-94 nghìn đồng/kg; đặc biệt, tại Khánh Hòa, Lâm Đồng giao dịch ngưỡng 95-96 nghìn đồng/kg; tại khu vực Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông 90-94 nghìn đồng/kg …
Tại miền Nam giảm
Thị trường miền Nam hôm nay có xu hướng giảm 1-4 nghìn đồng/kg và xuất hiện mốc 90 nghìn đồng/kg tại một số địa phương; Cụ thể, tại Bình Phước và Trà Vinh 90 nghìn đồng/kg sau khi giảm tới 3-4 nghìn đồng/kg... Tại thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai, Vũng Tàu, An Giang… giao dịch ngưỡng 94-95 nghìn đồng/kg, giảm nhẹ 1 nghìn đồng/kg; đây cũng là mức giao dịch tại Bình Dương, Tây Ninh, Kiên Giang.
Tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP HCM), giá lợn hơi cũng ghi nhận mốc 94-95 nghìn đồng/kg, lượng lợn về chợ tăng mạnh lên ngưỡng gần 4.000 con mỗi ngày.
Tại Tiền Giang, Hậu Giang, Tây Ninh 92 nghìn đồng/kg sau khi giảm từ 1-2 nghìn đồng/kg. Như vậy, hôm nay, thị trường miền Nam cũng giảm, mức giao dịch phổ biến 90-96 nghìn đồng/kg…
Thông tin từ tieudung.vn, theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), trong lúc các doanh nghiệp gần như tái đàn, tăng đàn cơ bản xong thì HTX, trang trại tái đàn chưa được tới 50%, thậm chí đàn nái có nơi mới phục hồi được 30%. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, chỉ tính 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn và các điểm liên kết vệ tinh nuôi giữ khoảng 35% đàn lợn thương phẩm và tốc độ tái đàn lợn khu vực này đang rất nhanh, đạt trên 20%. Các doanh nghiệp này nắm giữ khoảng 80% đàn giống cụ kỵ, ông bà; 35-40% đàn giống bố mẹ; 35% đàn lợn thương phẩm và 50-55% sản lượng thức ăn công nghiệp của cả nước.
Trong khi đó, các nông hộ, trang trại, các HTX đang chiếm tới 65% tổng đàn lợn, nhưng bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch tả lợn châu Phi và đang rất khó vực dậy do khó khăn về vốn, giá giống lợn tăng cao.
Ông Nguyễn Công Trình, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh cho biết, chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ đang chiếm 60-70% tổng đàn lợn trên địa bàn. Nhưng thời gian qua, việc tái đàn ở khu vực này gặp nhiều khó khăn do giá giống đắt mà số lượng cũng khan hiếm.
Được biết, giá lợn giống hiện đang dao động từ 3 – 3,5 triệu đồng/kg, rất khó mua vì hầu như các cơ sở có sản xuất heo giống đều giữ lại để nuôi lấy thịt hoặc chỉ bán ra ngoài với số lượng nhỏ giọt, đến tháng 4/2020, tái đàn lợn của Bắc Ninh đạt gần 68% so với trước khi có dịch, tổng đàn lợn đạt trên 270.000 con. Sở dĩ các doanh nghiệp tái đàn "thần tốc", nông hộ khó khăn, "đói" con giống là do phần lớn đàn lợn giống cấp cụ kị, ông bà, bố mẹ đang nằm trong tay các doanh nghiệp lớn.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, cả nước hiện có trên 100 cơ sở giống lợn cấp cụ kị (GGP) và ông bà (GP). Chỉ riêng 15 công ty lớn và các điểm liên kết vệ tinh đã nắm giữ khoảng 80% đàn lợn giống cụ kị, ông bà; 35-36% đàn lợn giống bố mẹ. Trong đó, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam đang sở hữu 310.000 con lợn nái; CJ Vina Agri 90.000 lợn nái; Dabaco 45.000 nái; Mavin 25.000 nái; Hòa Phát 20.000 nái; Masan 15.000 nái; Japfa Comfeed 20.000 nái; Emives 10.000 nái; Hùng Vương 10.000 nái…
4 tháng đầu năm, số lượng lợn giống cụ kị, ông bà do các doanh nghiệp "tậu" về từ nước ngoài đạt hơn 5.000 con, tăng 288% so với năm 2017 và 101% so với năm 2019. Theo số lượng đăng kí của các doanh nghiệp, năm 2020 sẽ nhập khẩu thêm 10.000 con lợn giống cụ kị và 103.500 con lợn giống bố mẹ.
 

Nguồn: VITIC