Tại miền Bắc giá ổn định vào cuối tuần
Ghi nhận giảm tới 2.000 đ/kg từ đầu tuần, xu hướng giảm của khu vực chỉ kết thúc vào cuối tuần, với mức giá phổ biến toàn khu vực là 28.000 - 30.000 đ/kg. Giá lợn chạy dịch thấp hơn, khoảng 25.000 - 28.000 đồng; trong đó, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hoà Bình đạt 25.000 - 30.000 đ/kg. Phú Thọ, Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Nam Định 28.000 - 31.000 đ/kg. Yên Bái, Lào Cai, Ninh Bình, Sơn La đạt mức 32.000 - 37.000 đ/kg.
Tuần qua, Tuyên Quang, Lao Cai, Hà Giang là hai địa phương mới nhất của khu vực công bố nhiễm dịch ASF; trong khi tại Hà Nội, có 6 xã, phường, sau 30 ngày không xảy ra bệnh dịch đã phát sinh trở lại là Phường Ngọc Thụy (quận Long Biên), phường Yên Sở (quận Hoàng Mai), các xã Phú Thị và Lệ Chi (huyện Gia Lâm), xã Liên Phương (huyện Thường Tín) và xã Nam Phong (huyện Phú Xuyên).
Tại miền Trung, Tây Nguyên trung bình còn 33.000 đ/kg
Sau khi biến động nhẹ vào đầu tuần, giá lợn hơi tại khu vực ổn định trở lại trong hai ngày cuối tuần. Hiện giá lợn hơi tại các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ dao động phổ biến trong khoảng 28.000 - 29.000 đ/kg. Còn khu vực Nam Trung Bộ, giá cao hơn, nhiều địa phương đạt mức giá 37.000 - 39.000 đồng. Mặc dù vậy, tính chung toàn miền, giá lợn hơi trung bình xuống còn khoảng 33.000 đồng.
Tại miền Nam vẫn lao dốc khi các địa phương liên tiếp nhiễm dịch ASF
Đầu tuần giá có dấu hiệu khởi sắc, nhưng sau đó quay đầu giảm trở lại khi hàng loạt địa phương phía nam công bố nhiễm dịch. Cụ thể, Bình Dương, Bình Phước, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ xuất hiện ổ dịch ASF. Ngoài ra, hàng loạt địa phương khác như Đồng Nai, Hậu Giang phát hiện thêm nhiều ổ dịch mới, đặc biệt tại Hậu Giang, dịch bệnh nguy hiểm ở lợn đã được phát hiện ở một trang trại chăn nuôi lớn, khoảng 1.200 con. Giá lợn hơi tại Vĩnh Long, Bình Phước dao động trong khoảng 31.000 - 33.000 đ/kg; các địa phương khác khoảng 34.000 - 37.000 đ/kg.
Tại chợ đầu mối TP HCM, lượng lợn về chợ trong ngày 25/5/2019 đạt 5.800 con và tình hình buôn bán của thương lái vẫn không tốt.
Không nên vội tái đàn vì rủi ro lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi cao
Ngày 25/5/2019, tại TP HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi các tỉnh phía Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết tính đến hết ngày 24/5/2019 tổng số lợn bị nhiễm dịch của cả nước là hơn 1,7 triệu con, chiếm hơn 5% tổng đàn buộc phải tiêu hủy.
Kể từ ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại tỉnh Hưng Yên vào ngày 1/2/2019, đến nay bệnh đã xuất hiện tại 42 tỉnh thành, 265 huyện, 2.904 xã.
Tại khu vực phía Nam, Đồng Nai là địa phương "nổ" dịch tả lợn châu Phi (ASF) đầu tiên từ ngày 17/4/2019, đến nay dịch đã xuất hiện tại 20 hộ thuộc 9 xã, 4 huyện gồm Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, và Long Thành với tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 2.181 con. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các ổ dịch trên địa bàn đã được khống chế và không phát hiện thêm ổ mới. Trong đó, Công an đã khởi tố vụ giết mổ lợn chết nhiễm dịch ASF và sẽ vào cuộc xử lí các điểm giết mổ lậu trên địa bàn. Trước đó, Đồng Nai cho biết một trong những ổ bệnh đầu tiên phát hiện cũng do giết mổ lậu.
Ngoài ra, thống kê của Bộ NN&PTNT tại hội nghị còn cho biết tính riêng khu vực Đông và Tây Nam Bộ, kể từ khi ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại tỉnh Hậu Giang vào ngày 11/4/2019 đến nay dịch bệnh đã xảy ra tại 29 xã của 16 huyện thuộc 8 tỉnh gồm Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang.
Tổng số lợn mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy là 4.840 con, chiếm 0,08% tổng đàn lợn trong khu vực. Khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, qui mô và số lượng lớn
Trước tình hình dịch ASF "báo động" hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định thời gian tới, nguy cơ dịch ASF tiếp tục phát sinh và lây lan tại địa bàn các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông và Tây Nam Bộ là rất cao.
Hiện nay, miền Nam bước vào mùa mưa, nền nhiệt thay đổi liên tục, rất thuận lợi cho bệnh ASF phát triển. Các địa phương ĐBSCL có hệ thống kênh rạch dày đặc, giao thông đường thủy và đường bộ đan xen khó kiểm soát. Vì vậy mầm bệnh có thể dễ dàng phát tán và lây lan sang các địa phương chưa có dịch trong khu vực, đặc biệt nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, qui mô và số lượng lợn lớn.
Thông tin về những nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh, ông Bạch Đức Lữu, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), cho biết các hộ chăn nuôi mắc dịch ASF vẫn chưa hiểu rõ tính chất nguy hiểm của dịch bệnh nên chưa thực hiện đúng các biện pháp về an toàn sinh học để phòng chống bệnh. Đặc biệt, công tác kiểm soát giết mổ vẫn chưa làm tốt, vẫn để tình trạng giết mổ lậu diễn ra thường xuyên. Trong khi đó, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng nuôi lợn xen lẫn trong khu dân cư vẫn phổ biến, mật độ chăn nuôi rất cao, gây khó khăn rất lớn cho công tác phòng, chống dịch bệnh như tại tỉnh Bình Phước, Đồng Nai,...Đáng quan ngại, một số hộ chăn nuôi lợn vẫn sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lí nhiệt đặc biệt là sử dụng trong chăn nuôi lợn rừng. Ngoài ra, công tác chủ động giám sát phát hiện, báo cáo và công bố dịch bệnh chưa kịp thời, chính quyền và các cơ quan chuyên môn còn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin dịch bệnh khiến dịch bệnh dễ dàng lây lan, khó kiểm soát.
"Thực tế, hiện nay dù dịch bệnh này chưa có thuốc trị và thuốc đề phòng nhưng các cơ sở áp dụng triệt để an toàn sinh học vẫn trụ được, không bị nhiễm", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định. Theo đó, chỉ đạo về các giải pháp phòng, chống dịch ASF trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh. Không chỉ các tỉnh đã bị dịch mà tất cả các tỉnh đều phải coi nhiệm vụ phòng chống là trọng yếu. Những nhóm tỉnh đã xảy ra dịch bệnh, phải tập trung xử lí, khoanh vùng triệt để bên cạnh đó là giải pháp ngăn ngừa trong công tác vận chuyển, giám sát tiêu thụ đều phải chặt chẽ.
Ngoài ra, Cục Thú y, Chi cục Thú y vùng VI, VII và Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành phố khu vực Đông và Tây Nam Bộ phối hợp và trực tiếp triển khai heo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung và tổ chức thực hiện quyết liệt kế hoạch ứng phó bệnh.
Đồng thời, tăng cường tần suất tiêu độc, sát trùng khu vực chăn nuôi, xung quanh khu vực chăn nuôi, đường giao thông, khu vực công cộng trên địa bàn cấp xã hàng ngày, tuyên truyền các hộ chăn nuôi tăng cường tần suất tiêu độc khử trùng, làm sạch môi trường hạn chế lây lan mầm bệnh. Đặc biệt, về việc tái đàn trong lúc này, Bộ NN&PTNT cho rằng tàn dư virus của dịch ASF tồn tại trong môi trường rất lâu dài, nếu vội tái đàn sẽ gây thiệt hại kinh tế cho chính hộ gia đình và toàn xã hội. Do đo, "kể cả hộ nhỏ lẫn hộ lớn, Bộ đều khuyến nghị bà con không tái đàn lúc này, để đến khi nào dịch ổn định, đủ điều kiện, cơ quan quản lí chuyên ngành thông báo tăng đàn trở lại. Trước mắt Bộ đang bàn với các địa phương tạo sinh kế khác cho bà con, có thể là chuyển sang đối tượng chăn nuôi khác.
Nhu cầu cao, giá thịt toàn cầu tăng mạnh
Với nhu cầu nhập khẩu thịt lợn, thịt bò và thịt gà của Trung Quốc cao hơn, giá thịt toàn cầu đã tăng mạnh kể từ tháng 1/2019, theo báo cáo về triển vọng thị trường thực phẩm toàn cầu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO).
Mặc dù lượng thịt có sẵn trên thị trường quốc tế còn rất lớn, giá thịt vẫn tiếp tục tăng. FAO dự báo thương mại thịt bò tăng trưởng 4%, thịt gia cầm tăng 3,7% và thịt lợn tăng 8.4%. Ngược lại, giá thịt cừu giảm do nguồn cung xuất khẩu dồi dào, chủ yếu từ Australia, và thương mại thịt cừu toàn cầu sẽ giảm 1,9% trong năm 2019. Bên cạnh đó, thị trường thịt và các sản phẩm từ thịt dự kiến vượt 35 triệu tấn trong năm 2019, tăng 4,8% so với năm 2018, theo dữ liệu của FAO.
Phần lớn sự gia tăng này đến từ tổng sản lượng nhập khẩu thịt của Trung Quốc, dự kiến sẽ tăng 19 - 20% trong năm 2019. Trong khi đó, Nhật Bản, Mexico, Philippines, Việt Nam và Nga cũng dự kiến sẽ tăng cường nhập khẩu thịt. Các nhà cung cấp toàn cầu như Brazil, EU, Mỹ, Thái Lan, Ấn Độ và Argentina đã tăng cường nhập khẩu thịt nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao.
Nguồn: VTIC tổng hợp 

Nguồn: Vinanet