Nhu cầu thu mua sắn nguyên liệu từ các nhà máy chững lại do xuất khẩu gặp khó khăn. Tại Tây Ninh, giá sắn thu mua tại nhà máy dao động quanh mức 2.550 – 2.650 đồng/kg, giảm nhẹ so với cuối tháng 7/2019.
Dẫn nguồn tin từ Agromonitor, tính đến ngày 6/8/2019 lượng sắn lát tồn kho tại khu vực miền Trung và miền Nam còn khoảng 110.000 – 120.000 tấn (hàng chưa ký hợp đồng), trong dó tại Quy Nhơn còn khoảng 80.000 tấn và tại khu vực cửa khẩu Xa Mát còn khoảng 30.000 tấn. Lượng sắn lát dự trữ không còn nhiều, nhưng do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài khiến nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc ở mức thấp khiến giá sắn và sản phẩm sắn tiếp tục giảm nhẹ. Trong khi đó, việc Trung Quốc siết chặt kênh giao dịch biên mậu, tỷ giá quy đổi giữa đồng Nhân dân tệ (CNY) và Việt Nam đồng liên tục giảm mạnh trong thời gian gần đây, khiến xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn gặp nhiều khó khăn.
Giá tinh bột sắn xuất khẩu tại cửa khẩu Na Hình (Lạng Sơn) phổ biến quanh mức 2.910 – 3.080 CNT/tấn, tùy phẩm cấp hàng.
Sản lượng sắn củ tươi niên vụ 2019-2020 tại Việt Nam, Campuchia và Thái Lan được nhận định sẽ không tăng mạnh như mức tăng của diện tích do thời tiết bất lợi và dịch bệnh khảm lá bùng phát mạnh. Do đó, giá sắn nguyên liệu tại các vùng dự báo sẽ tiếp tục ổn định do nhu cầu tiêu thụ sắn lát từ các nhà máy cám thủy sản hiện tăng khá tốt, trong khi xuất khẩu gặp khó khăn.
Giá sắn củ tươi thu mua nội địa và giá sắn lát xuất khẩu của Việt nam

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ, giá sắn xuất khẩu bình quân tháng 7/2019 giảm 1,08% so với tháng 6/2019 và giảm 13,3% so với tháng 7/2018 chỉ với 392,69 USD/tấn. Theo đó, lượng sắn xuất khẩu trong tháng chỉ đạt 168,18 nghìn tấn, trị giá 66,04 triệu USD, tăng 25,7% về lượng và tăng 24,3% trị giá so với tháng 6/2019.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7/2019, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,36 triệu tấn, trị giá 527,10 triệu USD, giảm 56,4% về lượng và 56,8% trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất bình quân đạt 387,1 USD/tấn, tăng 3,5%.
Riêng mặt hàng sắn, tháng 7/2019 xuất khẩu đạt 11,06 nghìn tấn, trị giá 3,04 triệu USD, giảm 44,8% về lượng và giảm 44,1% trị giá so với tháng 6/2019, giá xuất bình quân tăng 4,8% so với tháng 7/2018 đạt 272,2 USD/tấn. Tính chung 7 tháng 2019, lượng sắn đã xuất khẩu 248,6 nghìn tấn, trị giá 52,75 triệu USD, giảm 56,4% về lượng và giảm 56,8% trị giá so với cùng kỳ; giá xuất bình quân 212,2 USD/tấn, giảm 11%.
Theo báo cáo của Hiệp hội Sắn cho biết hiện cả nước có 120 nhà máy sản xuất tinh bột sắn với tổng công suất trên 15,5 triệu tấn. Trong khi đó, tổng diện tích trồng sắn của cả nước chỉ ở mức 500.000 - 530.000 ha/năm với tổng sản lượng 8,8 triệu tấn củ tươi.
Như vậy, nguồn nguyên liệu cho sản xuất tinh bột sắn hiện thiếu tới 6,7 triệu tấn. Điều nay đồng nghĩa với việc ngành sắn đang ở tình trạng mất cân đối nghiêm trọng.
Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, khó khăn lớn nhất của ngành sắn hiện nay là chất lượng và tiêu chuẩn thấp. Xuất khẩu quá nhiều theo đường tiểu ngạch khiến rủi ro thị trường lớn hơn. Chất lượng, tiêu chuẩn thấp, trong khi chính sách giá không được kiểm soát cao khiến sản phẩm sắn của Việt Nam thường bị thương nhân Trung Quốc ép giá, kìm giá... Các nhà xuất khẩu thì không liên kết, không đồng nhất về giá, thậm chí chấp nhận phá giá để xuất tiểu ngạch. Điều này là không nên.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết phía Hiệp hội đã làm việc với Trung Quốc để ổn định nguồn cung nhập khẩu chính ngạch của Việt Nam. Bên cạnh đó là gia tăng số lượng các đơn vị xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tuy nhiên về lâu dài, vấn đề giải quyết theo TS Lạng chính là ổn định được vùng nguyên liệu, sau đó là áp dụng các biện pháp kỹ thuật tốt, đặc biệt là về giống. "Có những vùng sử dụng luân xen canh, bón phân hữu cơ... đã đưa năng suất lên tới 60 tấn/ha.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập ban chỉ đạo để giải quyết vấn đề giống, tìm loại giống chống được các loại bệnh. Bên cạnh đó là giúp các doanh nghiệp ổn định vùng nguyên liệu bằng cách liên kết giữa nhà máy và nông dân.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sắn cho biết việc xuất khẩu sắn qua Trung Quốc bị đình trệ đã khiến các nhà máy bị tồn kho khá lớn, vướng mắc chung là hết vốn để tiếp tục sản xuất. Tại nhiều địa phương, có thời điểm, sắn vào vụ thu hoạch, việc không tiêu thụ được khiến các doanh nghiệp không có nguồn tài chính để mua sắn nguyên liệu của nông dân, trong khi doanh nghiệp tồn kho lớn.
Trước thực trạng trên, Hiệp hội Sắn kiến nghị Bộ NN-PT-NT đề nghị phía Trung Quốc chấp thuận cho thêm các đơn vị còn lại được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Đồng thời, phía Trung Quốc đưa ra các yêu cầu cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật, thống nhất chung quy ước ghi thông tin sản phẩm trên bao bì để thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện cũng như việc kiểm tra, giám sát và thông quan hàng hoá.
Hiệp hội cũng đề nghị Bộ NN-PT-NT cùng các địa phương phối hợp để định hướng và quản lý quy hoạch ngành sắn, tránh phát triển nóng, chồng chéo dẫn tới cạnh tranh.
Nguồn: VITIC tổng hợp/Cục XNK (Bộ Công Thương), Agromonitor, TCHQ, Một thế giới

Nguồn: Vinanet