Cụ thể, tại Bạc Liêu, giá tôm sú nguyên liệu loại 30 con/kg hiện ở mức 218.000 đ/kg; tôm sú cỡ 40 con/kg có giá 180.000 đ/kg. Tôm thẻ chân trắng cỡ 50 con/kg có giá 138.000 đ/kg, tăng 4.000 đ/kg so với thời điểm cuối tháng 11/2016; tôm thẻ chân trắng cỡ 60 con/kg tăng 3.000 đ/kg lên 133.000 đ/kg. Tại Kiên Giang, giá tôm sú loại 30 con/kg ổn định ở mức 195.000 đ/kg.
Theo đánh giá chung, do nguồn hàng khan hiếm, tình hình xuất khẩu cuối năm khởi sắc đã đẩy giá tôm nguyên liệu lên mức khá cao.
Theo tính toán của người nuôi tôm, với giá bán như hiện nay người nuôi tôm sú có lợi nhuận từ 400 - 450 triệu đồng/ha sau 4 - 4,5 tháng nuôi (năng suất bình quân 5 tấn/ha); đối với tôm thẻ chân trắng, người nuôi có lợi nhuận từ 300 - 400 triệu đồng/ha sau 2,5 - 3 tháng nuôi (năng suất bình quân 10 tấn/ha).
Theo nhận định của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, tình hình giá tôm nguyên liệu còn căng thẳng trong vòng 1 - 2 tháng nữa mới có thể hạ nhiệt, khi nông dân bước vào vụ thu hoạch mới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành tôm năm 2016 phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ thời tiết bất lợi, xâm nhập mặn, khan hiếm nguyên liệu và dịch bệnh tái xuất hiện. Tuy nhiên, nhờ có sự đầu tư mạnh mẽ và đổi mới công nghệ, thị trường tôm vẫn biến động ổn định tăng với nguồn xuất khẩu lớn.
Sản lượng tôm nước lợ cả nước đạt 650.000 tấn; trong đó sản lượng tôm sú đạt gần 252.000 tấn. Trong khi đó, tôm thẻ chân trắng có nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường nên diện tích nuôi cả nước tăng cao đạt 102.300 ha, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt hơn 357.000 tấn.
Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, diện tích tôm sú đạt khoảng 569.500 ha, sản lượng đạt 251.000 tấn. Diện tích tôm thẻ chân trắng đạt 64.440 ha, tăng 11,5% so với năm trước, sản lượng đạt 253.000 tấn./.
Nguồn: TTXVN