Thời gian gần đây, giá khoai lang tím Nhật tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp tăng thêm 100.000 – 150.000 đồng/tạ so với so với hồi tháng 3. Người dân bắt đầu canh tác khoai nhưng vẫn phập phồng lo sợ giá xuống thấp như trước đây.
Vụ đông xuân 2019, toàn huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp xuống giống gần 1.000 ha khoai lang các loại.
Vào đầu mùa, khoai lang tím Nhật rớt giá khiến nhiều nông dân thua lỗ. Có thời điểm giá khoai chỉ còn 300.000 – 350.000 đồng/tạ. Tuy nhiên, càng về cuối vụ, khoai lang tím Nhật càng tăng giá. Hiện thương lái thu mua khoai lang tím Nhật tại ruộng với giá 520.000 – 530.000 đồng/tạ, lúc sốt giá 600.000 đồng/tạ. Tuy nhiên, giá khoai tăng cao nhưng trong vùng rất ít người còn để bán.
Nguyên nhân giá khoai tăng mạnh là do nguồn cung không đủ cầu. Để phục vụ xuất khẩu, thương lái đẩy mạnh việc thu mua nhưng lượng khoai trên thị trường không đủ cung ứng.
Cùng với khoai lang tím ở tỉnh Đồng Tháp thì khoai lang tím ở Vĩnh Long giá cũng không tránh khỏi tình trạng giá bấp bênh,
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bình Tân (Vĩnh Long), hồi tháng 10/2018, giá khoai lang tím Nhật giảm từ mức 350.000 đồng xuống còn 180.000 – 200.000 đồng/tạ, mức giá thấp nhất trong năm 2018. Theo quy ước đo lường tại địa phương, 1 tạ tương ứng với 60 kg.
Người dân trồng khoai cho biết với giá như thế, bình quân 1.000 m2 khoai lang tím Nhật sau khi trừ chi phí, cầm chắc thua lỗ từ 7 - 8 triệu đồng. Riêng những ruộng năng suất không cao hoặc thu hoạch sớm để tránh lũ thì có thể lỗ lên đến 10 triệu/1.000 m2.
Đến tháng 2/2019, giá khoai lang tím phục hồi trở lại lên 300.000 - 400.000 đồng/tạ (đầu tháng) và tăng lên 710.000 đồng/tạ (cuối tháng).
Với mức giá khoai lang này, đối với những ruộng canh tác tốt, trung bình 1.000 m2 trồng khoai lang tím Nhật người dân lãi khoảng 10 triệu đồng, đối với những ruộng chăm sóc không tốt, tỷ lệ khoai loại 1 thấp thì chỉ lãi khoảng 1 - 2 triệu đồng/1.000 m2.
Giá khoai lang tăng cao giúp người trồng khoai có phần phấn khởi, thế nhưng nông dân vẫn lo vì giá khoai lang luôn bấp bênh, đầu ra không ổn định, sâu bệnh ngày càng nhiều, chi phí thuê nhân công ngày càng cao và khó thuê.
Trước tình trạng quá phụ thuộc vào một thị trường, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện nay địa phương đang kêu gọi đầu tư xúc tiến sang Nhật Bản và giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc để tránh sự tập trung vào một thị trường, giảm sự bấp bênh. Theo Chủ Tịch, năm nào đắt hàng thì giá khoai lang tím Nhật có khi lên tới cả triệu một tạ, còn năm nào không bán được giá chỉ còn khoảng 300.000 - 400.000 đồng/tạ. Ngoài xuất khẩu, tỉnh Vĩnh Long còn định hướng chế biến sâu sản phẩm này. Hiện nay, tỉnh cũng đang kêu gọi các công ty đầu tư vào khâu này. Chẳng hạn như mới đây, nhà máy bánh kẹo Hải Châu đầu tư để chế biến các sản phẩn từ khoai lang tím Nhật xuất khẩu sang thị trường Trung Đông.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Vĩnh Long hiện có hai sản phẩm chủ lực và có sản lượng lớn là lúa gạo và khoai lang đang có doanh nghiệp của tỉnh xuất hàng đi Trung Quốc.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất ít, năng lực và tài chính hạn chế, thiếu thông tin về thị trường nông sản, đặc biệt về nhu cầu tiêu thụ khoai lang và lúa của các nước trên thế giới, năng lực xúc tiến thương mại còn hạn chế.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết sẽ tư vấn tổ chức lại sản xuất, đưa ra một số kiến nghị khơi thông thị trường về tầm quản lý của Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương, tham mưu cho tỉnh hình thành chuỗi khép kín hàng nông sản từ sản xuất đến chế biến và tổ chức thương mại, nhắm đến thị trường đa dạng, không riêng gì Trung Quốc.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng Vĩnh Long cần xác định khoai lang là một cây trồng lí thú, đề nghị Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản là đầu mối giới thiệu các doanh nghiệp Trung Quốc để giao thương với tỉnh.
Trạm Khuyến nông Bình Tân, Vĩnh Long khuyến cáo để canh tác hiệu quả và bền vững, bà con nên trồng đa dạng cơ cấu các giống khoai lang, thực hiện luân canh các loại cây trồng khác nhằm giúp cải tạo đất, giảm áp lực sâu bệnh và tránh tình trạng người dân trồng ồ ạt một loại giống tím Nhật sẽ dẫn đến cung vượt cầu, giá sụt giảm.
Nguồn: VITIC tổng hợp/Báo Người Lao động, Kinh tế & Tiêu dùng

Nguồn: Vinanet