Sau một thời gian gián đoạn do tác động của dịch COVID-19, ngày 8/12, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tổ chức ký nghị định thư về việc cho phép sản phẩm thạch đen được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về sự kiện này?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trước hết, phải khẳng định, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới và cũng là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Năm 2019, kim ngạch thương mại nông lâm thủy sản giữa 2 nước đạt 15,7 tỷ USD. Trong bối cảnh khó khăn của dịch COVID-19, trong 10 tháng năm 2020, kim ngạch thương mại nông lâm thủy sản Việt Nam-Trung Quốc vẫn đạt 11,2 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 8,3 tỷ USD, nhập khẩu đạt 2,9 tỷ USD.
Từ đầu năm đến nay, do tác động của dịch COVID-19, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nông sản bị gián đoạn, tuy nhiên, hai bên đã nỗ lực cố gắng phấn đấu thông qua họp trực truyến để tháo gỡ khó khăn. Ví dụ, hai bên đã tổ chức họp trực tuyến, ký Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch cây thạch đen sang Trung Quốc. Đây là loại cây có tiềm năng phát triển tốt ở các tỉnh miền núi phía bắc, mở ra triển vọng thu ngoại tệ vừa tạo sinh kế cho người dân. 
Mặt hàng thạch đen có thuận lợi là trước khi đề nghị hoàn thiện các thủ tục còn lại để ký kết nghị định thư, các chuyên gia của Trung Quốc đã sang Lạng Sơn để kiểm tra khu vực sản xuất, đóng gói và các biện pháp bảo quản thạch đen tại địa phương này. 
Lạng Sơn hiện có diện tích trồng thạch đen lớn nhất cả nước với khoảng 2.000 ha, cho sản lượng trên 10.000 tấn/năm, cho giá trị thu nhập khoảng 200-250 tỷ đồng/năm. Việc mở cửa được sản phẩm này sẽ mang lại cơ hội xuất khẩu tốt hơn, nâng cao thu nhập cho người dân trong thời gian tới. 
Ngoài thạch đen, còn có những nông sản nào sẽ được xúc tiến xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, thưa Bộ trưởng? 
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Hiện hai bên đang nỗ lực đàm phán để các mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc theo thứ tự ưu tiên những sản phẩm hai bên đang cần để trao đổi. Trước mắt, có sầu riêng, khoai lang đang xúc tiến để được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Hiện, mọi hồ sơ đã xong, chỉ còn một bước kiểm tra thực địa, tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19 nên hai bên sẽ lựa chọn hình thức phù hợp.
 Hiện, Trung Quốc đã tiếp tục mở cửa thị trường xuất khẩu cho 9 nhóm sản phẩm của Việt Nam (xoài, vải, nhãn, chôm chôm, dưa hấu, thanh long, mít, măng cụt, chuối, thạch đen). Gần đây, Việt Nam đã gửi hồ sơ hoàn chỉnh cho phía Trung Quốc để mở cửa thị trường sầu riêng và khoai lang. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, phía Việt Nam đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét áp dụng linh hoạt hình thức kiểm tra trực tuyến hoặc qua video như cách làm với tổ yến. Sau đó, Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc ưu tiên cấp phép thêm cho sản phẩm bưởi và chanh leo phía Việt Nam đã hoàn thiện hồ sơ. 
Đối với các sản phẩm chăn nuôi, như với tổ yến, phía Trung Quốc đã đồng ý thực hiện kiểm tra hệ thống sản xuất và quản lý chất lượng tổ yến của Việt Nam bằng hình thức trực tuyến. Với sản phẩm sữa, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã phối hợp tích cực trong việc cấp phép cho 5 nhà máy của Việt Nam xuất khẩu sữa vào Trung Quốc trong thời gian qua. Chúng tôi cũng đề nghị phía Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ và ưu tiên xem xét cấp phép thêm một số nhà máy trong số 11 nhà máy đủ điều kiện xuất khẩu sữa sang Trung Quốc mà phía Việt Nam đã gửi hồ sơ. 
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị phía Trung Quốc lưu ý gia hạn cho 14 doanh nghiệp này và xem xét cấp phép thêm cho cho 9 doanh nghiệp đã gửi hồ sơ đăng ký. Đối với các sản phẩm thủy sản, hiện nay, Trung Quốc đã công nhận 750 cơ sở chế biến thủy sản, 7 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống và 69 cơ sở nuôi; 128 loại sản phẩm thủy sản, 48 loài thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đề nghị phía Trung Quốc xem xét bổ sung thêm 54 doanh nghiệp chế biến thủy sản, 5 cơ sở bao gói cua, tôm hùm và 5 sản phẩm (nghêu trắng đông lạnh, tôm sú ướp đá, tôm thẻ chân trắng ướp đá và sứa ướp muối và cá bống bớp sống) vào danh mục được phép xuất khẩu vào Trung Quốc. 
Đồng thời, các đơn vị kỹ thuật của hai bên tích cực phối hợp để thống nhất các tiêu chí kiểm soát dịch bệnh, sử dụng kháng sinh, chất phụ gia, chất bảo quản đối với thương mại thủy sản giữa 2 nước. Tăng cường kiểm soát thương mại biên giới, kiểm dịch hàng hóa để khi vận chuyển hàng hóa không xảy ra những nguy cơ cho sức khỏe con người.
Không chỉ thống nhất sẽ tiếp tục đẩy nhanh thương mại nông sản mà hai bên còn hợp tác trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp như đề xuất nhập khẩu giống lúa lai của Trung Quốc.
Hiện nay, việc kiểm tra, giám sát để phía Trung Quốc có thể ký nghị định thư cho phép một số nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này đang bị gián đoạn do dịch COVID-19. Vậy, Bộ NN&PTNT có giải pháp gì để khắc phục, thưa Bộ trưởng? 
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Qua bàn bạc, trao đổi, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhất trí một số sản phẩm có thể giám sát trực tuyến, như tổ yến vì nó không quá phức tạo về nguy cơ rủi ro. Tuy nhiên, có những sản phẩm bắt buộc phải giám sát thực địa, nhất là sản phẩm của ngành trồng trọt. 
Tuy nhiên, hai bên đang rất tích cực tìm giải pháp phù hợp để đảm bảo an toàn, sớm thúc đẩy thương mại nông sản. Trong thường thực chỉ đạo, hai bên thống nhất lập đường dây nóng, cùng nhau đưa ra giải pháp khắc phục những tồn tại trong thương mại nông sản giữa hai bên một cách triệt để và nhanh nhất. 
Chúng tôi cũng thống nhất, định kỳ cả hai bên cùng ngồi lại, kiểm lại những gì đã cam kết, kịp thời tháo gỡ khó khăn với mong muốn thương mại nông sản được thúc đẩy mạnh mẽ. 
Hiện nay, thị trường Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo Bộ trưởng, làm thế nào để nông sản của Việt Nam vượt qua những rào cản này?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Không chỉ Trung Quốc mà tất cả các thị trường đều có những đòi hỏi, những tiêu chuẩn, quy chuẩn khác nhau về an toàn thực phẩm. Muốn xuất khẩu được nông sản thì phải đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn ấy, đây không phải sự khắt khe mà là đòi hỏi tất yếu. 
Muốn đạt được điều này, chúng ta phải tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất theo chuỗi , giám sát từ khâu đầu vào đến chế biến, tiêu thụ; hình thành liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ sản xuất thì mới có thể hình thành vùng sản xuất lớn, có kiểm soát, có truy xuất, có tiêu chuẩn quy chuẩn quốc tế. 
Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Nguồn: Đỗ Hương / Chinhphu.vn