Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm giảm còn 325 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 11/2007. Cách đây một tuần, giá còn ở mức 325 - 330 USD/tấn.
Việc thiếu các đơn hàng mới, nhất là nhu cầu từ khách hàng Philippines chậm lại ,và có thể xuất khẩu sang Philippines sẽ còn tiếp tục chậm do khả năng Chính phủ nước này sẽ đưa ra chính sách giảm nhập khẩu trong giai đoạn thu hoạch lúa để hỗ trợ nông dân trong nước, đã gây áp lực lên giá gạo xuất khẩu của Việt Nam. Tính từ đầu năm tới nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm khoảng 13%.
"Nhu cầu gạo xuất khẩu tuần này rất thấp", Reuters dẫn lời một thương nhân ở TP HCM cho hay. Chỉ có 82.450 tấn gạo dự kiến sẽ được bốc xếp lên các tàu tại cảng TP HCM trong thời gian ngày 1 - 15/9, hầu hết để chuyển đến Tây Phi và Philippines.
Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Philippines là thị trường nhập khẩu nhiều gạo Việt Nam nhất trong 7 tháng đầu năm nay với 1,46 triệu tấn (tương đương 34,5% thị phần), trị giá 589,4 triệu USD, gấp 3,2 lần về khối lượng và gấp 2,7 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, giá gạo 5% tấm cũng giảm còn 400 - 418 USD/tấn, từ mức 410 - 422 USD cách đây một tuần.
"Đã có nguồn cung lúa mới trên thị trường từ tháng trước, nhưng nhu cầu không có sự cải thiện nên giá giảm”, Reuters dẫn lời một thương nhân ở Bangkok cho biết.
Tuy nhiên, những lo ngại về nguồn cung vẫn còn tồn tại sau khi cơn bão nhiệt đới Podul gây lũ quét, ảnh hưởng tới hơn 240.000 ha đất nông nghiệp. Trước đó, khô hạn đã ảnh hưởng tới mùa màng của Thái Lan.
"Giá gạo có thể tiếp tục biến động khi mức độ ảnh hưởng của hạn hán và lũ lụt trở nên rõ ràng hơn", Reuters dẫn lời một thương nhân khác cho biết. Tuy nhiên, thương nhân này cũng cho biết, ngay cả khi sụt giảm, giá gạo Thái Lan vẫn cao hơn Việt Nam và Ấn Độ do đồng baht của nước này mạnh lên so với USD. Ở mức trung bình 409 USD, gạo Thái vẫn gần mức cao nhất kể từ tháng 6/2018.
Tại Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm đã tăng từ 369 - 374 USD/tấn cách đây một tuần lên 370 - 376 USD/tấn trong tuần này, giữa bối cảnh nhu cầu từ các quốc gia châu Phi tương đối cao và đồng rupee đang phục hồi.
Nguồn cung trong nước hạn hẹp trong khi giá gạo nội địa vững buộc các nhà xuất khẩu phải tăng giá khi đồng rupee mạnh lên. Ngày 12/9/2019, đồng rupee đạt mức cao nhất hơn ba tuần.
Tuy nhiên, xuất khẩu gạo giai đoạn tháng 4 - tháng 7 của Ấn Độ đã giảm 26,5% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 3,14 triệu tấn.

Nguồn: VITIC/Reuters