Trong nhiều năm vừa qua, hàng chục doanh nghiệp có tiềm năng đã và đang đầu tư rất lớn nguồn lực (có nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng) để xây dựng các chuỗi sản xuất thịt lợn khép kín rất hiện đại, hàng đầu thế giới (có đầy đủ các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, con giống, chăn nuôi lợn thịt, dây chuyền giết mổ, chế biến thịt lợn). Do vậy, nhiều loại sản phẩm thịt lợn từ Việt Nam đã và đang được phép xuất khẩu sang các nước trong khu vực và trên thế giới (thịt lợn sữa, thịt lợn choai, thịt lợn mảnh đông lạnh và thịt lợn chế biến sang thị trường các nước như Malaysia, Singapore, Hồng Kông, Myanmar, A rập xê út, Úc..; lợn giống sang Myanmar…; khả năng cao trong tương lai sẽ còn nhiều sản phẩm thịt lợn được xuất khẩu sang các nước).

Năm 2018, mặc dù giá thịt lợn trong nước tăng cao gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng tổng sản lượng thịt gia súc đã xuất khẩu được hàng chục nghìn tấn. Đặc biệt, đối với thịt lợn của Việt Nam xuất khẩu sang các nước phải đáp ứng điều kiện vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm rất cao, khắt khe của các nước nhập khẩu; cơ quan thú y cũng đã đầu tư nhiều nguồn lực, công sức và thời gian dài để hướng dẫn doanh nghiệp, đồng thời chuẩn bị các hồ sơ hàng nghìn trang tài liệu để cung cấp cho cơ quan thú y có thẩm quyền của các nước. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu còn phải chịu sự kiểm tra định kỳ, đột xuất của cơ quan thú y có thẩm quyền của nước nhập khẩu.

Đối với thịt lợn sữa đông lạnh xuất khẩu sang thị trường Malaysia: Cục Thú y đã nhận được thông báo của Cục Thú y Malaysia về việc cử đoàn thanh tra sang Việt Nam để kiểm tra các chuỗi sản xuất thịt lợn sữa đông lạnh xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố vào cuối tháng 1/2019. Nội dung kiểm tra của đoàn thanh tra Malaysia bao gồm: (1) Làm việc với Cục Thú y về tình hình dịch bệnh trên đàn lợn, nhất là bệnh lở mồm long móng. Các chương trình tiêm phòng vắc xin, chủ động lấy mẫu giám sát dịch bệnh, phòng chống dịch bệnh, giám sát an toàn thực phẩm, đặc biệt là tình hình dịch bệnh trên đàn lợn tại những địa phương có nhà máy giết mổ lợn xuất khẩu, những tỉnh cung cấp lợn sống nguyên liệu cho các nhà máy giết mổ lợn xuất khẩu; (2) Kiểm tra thực tế quy trình giết mổ, chế biến thịt lợn xuất khẩu của các nhà máy.

Trong thời gian qua, Cục Thú y đã chủ động hỗ trợ, hướng dẫn rất chi tiết và thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn (chuẩn bị hồ sơ, điều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh thú y nhà máy, vùng nguyên liệu để cung cấp lợn sống cho nhà máy giết mổ… để đoàn thanh tra đến kiểm tra), các cơ quan quản lý về thú y liên quan chuẩn bị các nội dung theo yêu cầu của đoàn thanh tra thú y Malaysia. Để việc thanh tra, kiểm tra, đánh giá của đoàn thanh tra thú y Malaysia được tiến hành thuận lợi, Cục Thú y chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ quan thú y liên quan chuẩn bị nội dung theo yêu cầu.

Dự kiến trong thời gian tới sẽ có một số nước sang kiểm tra các chuỗi sản xuất lợn sống và thịt lợn của Việt Nam, nếu các yêu cầu bảo đảm sẽ cho phép xuất khẩu. Do đó, các địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư, chuẩn bị các điều kiện đầy đủ, đúng theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và yêu cầu của các nước nhập khẩu đã được Cục Thú y hướng dẫn rất chi tiết và cụ thể để đẩy mạnh việc xuất khẩu sản phẩm động vật.

Nguồn: Nongnghiep.vn