Midagri cho hay quốc gia Nam Mỹ này đã vượt qua đối thủ cạnh tranh truyền thống là Bolivia để trở thành nhà xuất khẩu và sản xuất quinoa chính trên thế giới. Theo số liệu của Bộ này cung cấp, hiện Peru sở hữu 65.280 ha diện tích trồng cây quinoa và cho ra số lượng 89.775 tấn (trong năm 2019), được chủ yếu sản xuất bởi các hộ nông dân nhỏ ở các khu vực núi Andes của nước này.
Midagri cho biết thêm, cũng trong năm 2019, sản phẩm hạt quinoa do Peru xuất khẩu đã thâm nhập được 70 thị trường quốc tế, trong đó chủ yếu là Mỹ, Canada và Liên minh châu Âu. Trong năm 2020, Bộ này cho biết tổng sản lượng sau thống kê sẽ nằm ở con số gần 94.000 tấn, với doanh thu khoảng 94 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2020.
Quinoa là một loại cây thân thảo được trồng từ nhiều thế kỷ qua trên dãy núi Andes ở Nam Mỹ, được xem là siêu thực phẩm bởi nó là loại thực vật duy nhất có acid amin thiết yếu và cũng là thực phẩm duy nhất trên thế giới cân bằng được các chất như protein, đường, xơ, nhưng lại không chứa Gluten (1 loại protein gây khó tiêu) và rất giàu các nguyên tố vi lượng và vitamin tốt cho sức khỏe con người.
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã công bố bộ gene gần như hoàn chỉnh của hạt diêm mạch (quinoa), qua đó khẳng định loại hạt vốn được coi là "thực phẩm vàng" này có thể góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu bởi những giá trị dinh dưỡng cũng như khả năng thích nghi với môi trường của nó.
Hiện cây quinoa chủ yếu được trồng tại 3 nước vùng Andes gồm Peru, Ecuador và Bolivia. Tại Bolivia, hạt quinoa được ưu ái đặt cho cái tên "Mẫu hạt" hay còn gọi là "Mẹ của các loạt hạt".

Nguồn: Lê Hiền/BNEWS/TTXVN