Chủ tịch Charoen Laothamatas của TREA cho biết, trong quý I, xuất khẩu gạo của Thái Lan tăng vượt kỳ vọng nhờ nhu cầu từ một số thị trường nhập khẩu tăng. Mục tiêu mới mà TREA đặt ra cũng khớp với dự đoán trước đó của Bộ Thương mại Thái Lan. Cả TREA và Bộ Thương mại Thái Lan đều cho rằng, xuất khẩu gạo tăng chủ yếu nhờ nhu cầu mua từ khu vực Đông Nam Á và châu Phi.
Mới đây, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines đã mua 250.000 tấn gạo, trong đó có 120.000 tấn gạo Thái. Ngoài ra, các nhà xuất khẩu Thái còn ký được hợp đồng 200.000 tấn với Indonesia.
“Ngày càng có nhiều đơn hàng từ các nước châu Á và châu Phi, và đây sẽ là động lực giúp khối lượng xuất khẩu gạo đạt mục tiêu 10 triệu tấn trong năm nay,” ông Charoen cho biết.
Năm ngoái, Thái Lan đã xuất khẩu kỷ lục 11,6 triệu tấn gạo, tăng 17,4% so với năm trước đó, thu được 174,5 tỷ baht, tăng 12,8% so với năm trước đó. 5 nhà nhập khẩu chính năm vừa qua là Benin, Trung Quốc, Nam Phi, Cameroon và Mỹ.
Triển vọng xuất khẩu gạo năm 2018 khả quan hơn nên Thái Lan có thể không phải dùng đến kế hoạch hỗ trợ giá gạo. Tuy nhiên, thị trường đồn đoán chính phủ vẫn sẽ cung cấp các khoản vay ưu đãi cho người nông dân để giúp họ xây dựng các kho dự trữ.
Tại Thái Lan, gạo được xem là một mặt hàng chính trị. Hơn 13 triệu người dân nước này là nông dân trồng lúa và phần lớn đều rơi vào cảnh nghèo đói. Triển vọng ngành lúa gạo càng lạc quan, tín nhiệm vào chính phủ Thái Lan càng lớn; và khi đó, nông dân thường bầu cho những chính trị gia có chủ trương ủng hộ họ.
Mỗi năm, chính phủ Thái Lan dành ra hàng tỷ baht để mua khoảng 20% trong tổng sản lượng lúa nội địa (trung bình đạt 25 triệu tấn). Động thái này nhằm ngăn chặn giá giảm mạnh trong thời kỳ thu hoạch.
Hiện tại, giá gạo trắng cao cấp của Thái Lan, hay còn gọi là hom mali, đang ở mức cao kỷ lục 1.200 USD/tấn, tăng từ mức 823 USD của năm ngoái, mà nguyên nhân chủ yếu vì nguồn cung hạn chế.