Trước đó, giá cá tra nguyên liệu trong hai tháng đầu năm ổn định và duy trì ở mức khá cao 28.500 – 30.000 đồng/kg, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tuy nhiên, bước sang tháng 3, giá cá tra nguyên liệu có xu hướng giảm do thị trường xuất khẩu cá tra gặp khó khăn, đặc biệt là hai thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước hạn chế thu mua cá tra nguyên liệu.
Cụ thể, trong tháng 3, giá cá tra chỉ còn 24.000 – 25.000 đồng/kg đối với cá tra loại 1 (800 – 900 g/con), giảm khoảng 3.000 đồng/kg so với tháng trước, do chưa có nhiều đơn hàng xuất khẩu.
Quý 1/2019, diện tích nuôi thả cá tra cả nước ước đạt 3.148 ha, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, Đồng Tháp là tỉnh có diện tích nuôi cá tra lớn nhất cả nước (chiếm tỷ trọng trên 40%) diện tích ước đạt 1.377 ha, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ NN&PTNT, diện tích nuôi cá tra tăng mạnh trong quý 1/2019 so với cùng kỳ năm 2018 tại một số tỉnh trọng điểm khác do diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh được mở rộng.
Sản lượng cá tra cả nước trong quý 1/2019 ước tính đạt 273.178 tấn, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu cá tra quý 1/2019 ước đạt 483 triệu USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2018, giá trị xuất khẩu cá tra lần đầu tiên đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2017.
Dự kiến sản lượng cá tra trong tháng 5,6/2019 không nhiều có thể tạo áp lực tăng giá trở lại trong quý 2/2019 khi bối cảnh thị trường Mỹ và Trung Quốc đang đem lại kỳ vọng xuất khẩu tốt hơn quý 1/2019.

Năm 2019, ngành đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 2,3 – 3,4 tỷ (tăng 12%) USD nhờ những hiệp định thương mại tự do và thị hiếu người tiêu dùng ưa chuộng mặt hàng cá tra ở một số thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU…., sản lượng cá tra sẽ duy trì khoảng 1,51 triệu tấn (tăng 6% so với năm 2018).
Để đạt được mục tiêu này, Bộ NN-PTNT đề nghị các tỉnh ĐBSCL, doanh nghiệp, người nuôi… cần tập trung ứng dụng khoa học công nghệ mới vào nghề nuôi, chế biến cá tra; nâng cao chất lượng từ cá giống đến nuôi cá tra nguyên liệu; tổ chức lại sản xuất bài bản, truy suất nguồn gốc; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn vào nghề cá nhằm phát triển bền vững. Song song đó, theo dõi chặt diễn biến thời tiết, phòng ngừa dịch bệnh; đồng thời tăng cường liên kết chuỗi giá trị…
Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, hiện sản phẩm cá tra của Việt Nam đã chính thức có mặt trên sàn thương mại điện tử Alibaba. Đây là thông tin tốt cho cá tra Việt Nam.
Hiện cá tra đang là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của nước ta. Với lợi thế đã chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, EU; cá tra Việt Nam sẽ thuận lợi hơn khi thâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Bởi theo ông Hòe, hiện nay, tầng lớp trung lưu của Trung Quốc rất ưa chuộng sản phẩm nhập khẩu, nhất là sản phẩm tự nhiên. Những sản phẩm nào đã được thị trường Mỹ, EU chấp nhận thì vào Trung Quốc dễ dàng hơn.

Cá tra có mặt trên sàn thương mại điện tử Alibaba
Thương mại điện tử là kênh phân phối đang phát triển mạnh ở Trung Quốc. Trong đó, thủy hải sản cũng thuộc nhóm ngành được người tiêu dùng mua online nhiều trên các website. Người tiêu dùng ở đây khá tin tưởng khi mua hàng tại các trang thương mại điện tử. Theo họ, khi hàng hóa được rao bán ở đây tức là doanh nghiệp đã có cam kết đảm bảo về chất lượng. Alibaba là một trong những sàn thương mại điện tử uy tín hiện nay, có lượng khách hàng rất lớn.
Trung Quốc hiện đang là 1 trong 4 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của nước ta. Trong đó, tôm và cá tra là 2 mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn nhất. Việc có mặt trên sàn thương mại này không chỉ giúp tăng cường kết nối, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng mà đây còn là hướng đi mới, nâng tầm giá trị của cá tra Việt Nam tại thị trường hơn 1.4 tỷ dân này.
Hiện nay Trung Quốc đang tăng cường kiểm tra chống buôn lậu và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là cơ hội cho nhiều nông sản nước ta, trong đó có cá tra, có thể xuất khẩu số lượng lớn qua con đường chính ngạch. Tuy nhiên, để mặt hàng cá tra phát triển bền vững ở thị trường Trung Quốc, người nuôi cần nâng cao chất lượng sản phẩm, không được dùng các chất cấm trong sản xuất và chế biến.
Nguồn: VITIC tổng hợp/Nongdan.com, Agromonitor

Nguồn: Vinanet