Giá cà phê đảo chiều tăng do xuất hiện mối lo sản lượng các nước Mỹ Latinh sụt giảm vì khô hạn. Điều này đã thúc đẩy các quỹ và đầu cơ quay lại mua ròng, cho dù vẫn có khả năng người Brazil mạnh tay bán ra khi đồng real giảm thấp kỷ lục tiếp tục hỗ trợ.
Các thị trường hàng hóa nông sản nói chung dường như tiếp tục biến động trong tâm thế chờ đợi sự chắc chắn hơn của thỏa thuận thương mại Trung – Mỹ vẫn còn đàm phán “giai đoạn cuối”.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê tháng 10/2019, đạt 87.497 tấn, tương đương 157,56 triệu USD; so với tháng 9/2019 giảm 5,3% về lượng và giảm 6,6% về kim ngạch. Giá xuất khẩu cà phê trong tháng 10/2019 đạt trung bình 1.800,8 USD/tấn, giảm 1,4% so với tháng liền kề trước đó.
Cộng chung cả 10 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu cà phê của cả nước đạt 1,35 triệu tấn, thu về 2,33 tỷ USD, giảm 14,7% về lượng và giảm 22,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018. Giá xuất khẩu trung bình giảm 9%, đạt 1.723,2 USD/tấn.
Trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê sang gần như toàn bộ các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm trước; trong đó các thị trường sụt giảm mạnh bao gồm: Mexico giảm 76,2% về lượng và giảm 78,8% về kim ngạch, đạt 7.075 tấn, tương đương 10,58 triệu USD; Nam Phi giảm 65,4% về lượng và giảm 71,5% về kim ngạch, đạt 3.015 tấn, tương đương 4,27 triệu USD; Indonesia giảm 66,5% về lượng và giảm 70,4% về kim ngạch, đạt 20.271 tấn, tương đương 35,47 triệu USD; Đan Mạch giảm 54,9% về lượng và giảm 62,5% về kim ngạch, đạt 927 tấn, tương đương 1,39 triệu USD.
Theo báo cáo tháng 10/2019 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 9/2019 giảm 3,1% so với tháng 9/2018, đạt 9,29 triệu bao. Như vậy, niên vụ 2018/19 đã kết thúc với lượng xuất khẩu tăng 8,1% so với niên vụ 2017/18, đạt 129,43 triệu bao.
Trong khi đó, tiêu thụ cà phê toàn cầu niên vụ 2018/19 đã tăng lên 165,35 triệu bao, và dự báo niên vụ 2019/20 sẽ tiếp tục tăng, đạt 168 triệu bao. Theo cơ quan thương mại Brazil, xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 10/2019 giảm 3,9% so với tháng 10/2018, xuống mức 3,15 triệu bao.
Đây là tháng đầu tiên xuất khẩu cà phê của Brazil giảm, sau 12 tháng xuất khẩu liên tục tăng. Tại Việt Nam, đã bắt đầu vào vụ thu hoạch cà phê, nhưng quy mô nhỏ, chỉ khoảng 1/4 vụ thu hoạch đã chín hoàn toàn.
Hiện thu hoạch cà phê robusta diễn ra khá chậm chạp do thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng đến việc phơi sấy. Dự báo sản lượng cà phê robusta niên vụ 2019/20 sẽ giảm do quả chín không đều, hạt nhỏ.
Xuất khẩu cà phê của Uganda niên vụ 2019/20 dự kiến cao hơn khoảng 16% so với giai đoạn trước, nhờ thời tiết thuận lợi và diện tích trồng mở rộng.
James Kizito Mayanja, quản lí mảng thông tin thị trường tại Cơ quan Phát triển Cà phê Nhà nước (UCDA) cho biết khối lượng cà phê xuất khẩu của Uganda trong niên vụ 2019/20 có thể đạt 5,1 triệu bao (loại 60kg), tăng từ 4,4 triệu bao trong vụ mùa trước.
Cà phê từ lâu đã trở thành hàng hóa xuất khẩu lớn nhất của Uganda nhưng hiện đã bị vượt qua bởi vàng khi giá trị xuất khẩu vượt quá 1 tỉ USD tính đến tháng 6 năm nay. Uganda cũng là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất châu Phi, theo sau là Ethiopia. Quốc gia này chủ yếu trồng cà phê robusta.
Trong những năm gần đây, chính phủ Uganda thực hiện một chương trình trồng trọt để thúc đẩy xuất khẩu với nông dân được cung cấp hạt giống miễn phí để mở rộng diện tích và thay thế những cây già cỗi, không năng suất.
Uganda đã trải qua những trận mưa lớn trong những tháng gần đây gồm cả những vùng trồng cà phê chính ở miền Trung, miền Tây và miền Đông.
Nguồn: VITIC/Reuters