Như vậy, kết thúc tuần qua (đến 17/3), thị trường hạt tiêu chứng kiến giá giảm ở hầu hết các vùng nguyên liệu, giá tiêu giảm từ 1.000 – 3.000 đồng/kg so với đầu tuần (12/3).
Hiện giá tiêu được các doanh nghiệp và thương lái thu mua quanh mức 54.000 – 58.000 đồng/kg.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT hiện dịch bệnh trên cây hạt tiêu chủ yếu vẫn là bệnh chết nhanh, thán thư, đốm rong và các đối tượng sinh vật gây hại như bệnh chết chậm, bệnh đốm đen, tuyến trùng, rệp sáp… gây hại cục bộ mật độ và tỷ lệ hại thấp. Vì vậy, bà con tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ trồng để đảm bảo thời vụ. Tiếp tục điều tra, theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại để có biện pháp quản lý, phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Diễn biến giá tiêu tuần qua
ĐVT: đ/kg

Trên thị trường thế giới giá tiêu xu hướng tăng. Lúc 10:03:41 theo giờ Việt Nam, giá tiêu trên sàn Kochi - Ấn Độ tăng 155 Rupee (tức tăng 0,38%) ở hầu hết các kỳ hạn. Hiện giá tiêu ở quanh mức 40.410 – 41.140 Rupee/tạ.

 

Mặc dù giá tiêu giảm ở mức thấp, nhưng nhu cầu không nhiều. Khi giá tiêu đang ở mức cao người nông dân đầu tư mạnh cho vườn tiêu để tăng năng suất, nhưng nay giá tiêu thấp không có lãi nên bà con ít đầu tư.
Trước tình hình này, đối với những vườn tiêu già cỗi bà con muốn chặt bỏ để chuyển đổi cây trồng khác, vì nếu cứ bám vào cây tiêu sẽ bị lỗ thêm. Đối với các vườn tiêu đẹp, chủ lực năng suất tốt bà con vẫn duy trì.
Nhiều người cho rằng phải qua năm 2020 giá tiêu mới có thể tăng trở lại, nên một số hộ khó khăn muốn chuyển qua trồng cây khác.
Trước tình hình này, 25 doanh nghiệp đã đi đến thống nhất những nhận định về mùa vụ mới 2018 và định hướng xuất khẩu trong thời gian tới như sau:
+ Mùa vụ mới 2018 cả nước đã thu hoạch trên 70% diện tích.
+ Năng suất, sản lượng giảm nhiều so với 2017 (khoảng 30-40%), nguyên nhân do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu: Cuối năm 2016 mưa kéo dài đến đầu năm 2017, thời điểm cây hồ tiêu chuẩn bị không tưới để ra hoa cho mùa vụ 2018.
+ Những diện tích trồng mới 2015 – 2016 tăng nhiều (do giá hồ tiêu năm 2015 quá cao lên tới trên dưới 220.000 đồng/kg) nhưng phần lớn diện tích này không thích hợp với cây hồ tiêu, năng suất thấp, nhiều vườn bị chết do sâu bệnh. Nhiều nhà nhập khẩu cũng vì lý do Việt Nam tăng diện tích nên đưa dự báo về sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2018 quá lớn để trả giá thấp.
+ Do sự tích cực khuyến cáo của các ban ngành địa phương và giá bán đi xuống, nông dân đã hạn chế lạm dụng phân hóa học và thuốc BVTV trong quy trình sản xuất. Hiện tượng xuất khẩu bị khiếu nại dư lượng thuốc trừ sâu giảm rất nhiều so với 2 năm trước đây.
+ Trong thời điểm hiện tại chỉ có Việt Nam và Campuchia đang ở vụ thu hoạch, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 3/2018, các nước khác đến tháng 6/2018 mới đến vụ thu hoạch. Như vậy nhu cầu tiêu thụ của các nhà nhập khẩu hồ tiêu từ nay đến tháng 6/2018 tập trung chủ yếu ở thị trường Việt Nam và Campuchia. Đây cũng là lợi thế của nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam thời điểm hiện tại trong việc điều tiết giá bán.
Vì thế, nông dân không nên bán ra ồ ạt khi giá thấp và các DN xuất khẩu không ký hợp đồng trước giá thấp khi chưa mua được hàng.

Nguồn: Vinanet