Thị trường trong nước

Trong tuần qua, giá lúa trung bình tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khá ổn định. Giá lúa IR50404 (khô) vẫn giữ ở mức 5.350 đồng/kg, không đổi so với tuần trước. Giá lúa IR50404 (khô) tại Cần Thơ ổn định ở mức 6.200 đồng/kg; tại Trà Vinh là 5.800 – 5.850 đồng/kg; tại Sóc Trăng là 5.500 đồng/kg; đều không đổi so với tuần trước.

– Tại Hậu Giang, An Giang, giá lúa OM 6976 (khô) ổn định ở mức tương ứng 5.800 đồng/kg và 6.200 đồng/kg.

– Giá lúa Jasmine (khô) tại Cần Thơ đạt 7.400 đồng/kg, không đổi so với tuần trước.

Một số sự kiện tác động đến thị trường lúa gạo trong nước

– Tính đến hết tháng 2/2018, cả nước đã gieo cấy được 2860,2 nghìn ha lúa Đông xuân, tăng 0,4% so cùng kỳ năm trước. Diện tích gieo cấy lúa Đông xuân các tỉnh phía Bắc đạt 907,1 nghìn ha, đạt 80,3% kế hoạch đề ra do ảnh hưởng của thời tiết. Các tỉnh phía Nam đã kết thúc xuống giống lúa Đông xuân, tổng diện tích đạt 1953 nghìn ha, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, bằng 101,3% kế hoạch.

– Tập đoàn T&T là doanh nghiệp duy nhất nộp đầy đủ hồ sơ đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II). Theo phương án cổ phần hoá, Vinafood II sẽ bán bớt một phần vốn để giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống còn 51%. Nhà đầu tư chiến lược được mua tối đa 125 triệu cổ phần, tương đương 25% vốn điều lệ với giá thoả thuận (mức giá này không thấp hơn mức thấp nhất của đợt đấu giá công khai tổ chức vào tháng 3). Giá khởi điểm đợt chào bán công khai là 10.100 đồng/cổ phần, do đó tính theo mức thấp nhất thì Tập đoàn T&T phải chi hơn 1.260 tỷ đồng để mua toàn bộ số cổ phần kể trên.

– Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 2 năm 2018 ước đạt 397 nghìn tấn với giá trị đạt 197 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2018 ước đạt 889 nghìn tấn và 437 triệu USD, tăng 21% về khối lượng và tăng 39,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

– Philippin đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1 năm 2018 với 26,9% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong tháng 1 năm 2018 đạt 144,9 nghìn tấn và 64,4 triệu USD, tăng 68,6% về khối lượng và tăng 97,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

– Trung Quốc – thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong tháng 1 năm 2018 với 23,5% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong tháng 1 năm 2018 đạt 114,2 nghìn tấn và 56,2 triệu USD, tăng 29,9% về khối lượng và tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Giá gạo 5% tấm giảm tại Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam. Campuchia tăng xuất khẩu gạo trên thị trường quốc tế. Giá lúa tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long ổn định. Tính đến hết tháng 2, cả nước đã gieo cấy được 2860,2 nghìn ha lúa Đông Xuân, tăng 0,4% so cùng kỳ năm trước.

Thị trường thế giới

Hai tuần trở lại đây, giá gạo tại các thị trường xuất khẩu lớn đều có xu hướng giảm, nhưng vẫn ở mức cao hơn so với cùng kì năm ngoái. Cụ thể:

– Giá gạo 5% tấm Thái Lan giảm 34 USD/tấn, tương đương giảm 7,65% so với đầu tháng, về mức 410 USD/tấn. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn khoảng 12,33% so với cùng kì năm ngoái.

– Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ giảm 33 USD/tấn, tương đương giảm 7,35% so với đầu tháng, về mức 416 USD/tấn. Mức giá này cao hơn cùng kì năm ngoái khoảng 17,18%.

– Giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm 25 USD/tấn, tương đương giảm 5,6% so với đầu tháng. Mức giá này cao hơn cùng kì năm ngoái 15,07%.

Một số sự kiện tác động đến thị trường lúa gạo quốc tế

– Campuchia sẽ tăng lượng gạo xuất khẩu trong năm 2018. Năm 2017, sản lượng lúa của Campuchia đạt 10 triệu tấn, trong đó dư thừa 4 triệu tấn có thể dành cho xuất khẩu. Cũng trong năm qua, ngành lúa gạo Campuchia đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo ra thương hiệu riêng cho gạo Campuchia. Một minh chứng rõ ràng là việc đưa ra thương gạo “Malys Angkor” của Hiệp hội Lúa gạo Campuchia trong tháng này. Hiện nay, giá gạo Campuchia trên thị trường quốc tế đã liên tục tăng kể từ đầu tháng 2, do nhu cầu mua từ Trung Quốc và Liên minh châu Âu ngày càng lớn. Cụ thể, gạo trắng Campuchia (đã xát) hiện đang được rao bán với giá 480 USD/tấn, tăng 30 USD so với đầu tháng này; giá gạo thơm (sen kro oup) cũng tăng tới 40 USD lên 775 USD/tấn.

– Dự báo sản xuất lúa gạo của Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng trong 2018, do điều kiện thời tiết thuận lợi. Sản lượng lúa gạo năm nay dự đoán sẽ đạt mức 111,01 triệu tấn, tăng 1,2% so với năm trước.

– Bangladesh sẽ triển khai chương trình hỗ trợ gạo cho người nghèo (Food Friendly Programme) trong tháng này. Theo đó, hơn 500.000 người nghèo tại Bangladesh sẽ có cơ hội mua tối đa 30kg gạo với giá 10 Taka/kg. Song song với chương trình này là chương trợ giá gạo, nhằm kìm hãm đà tăng của giá gạo trên thị trường. Theo đó, mỗi người có thể mua tối đa 5kg gạo/ngày với giá 30 Taka/kg.

– Trong năm 2018, Chính phủ Nhật Bản sẽ dừng việc trợ giá sản xuất lúa gạo. Theo đó, chính quyền các tỉnh sẽ tự lên kế hoạch sản xuất phù hợp cho tỉnh mình. Hiện nay, tiêu dùng gạo tại Nhật Bản đang giảm 80,000 tấn/năm do sự thay đổi thói quen ăn uống theo hướng Tây hóa của người dân. Do đó, dự báo sản lượng lúa gạo tại 36 trên 47 tỉnh thành của nước này sẽ không tăng trong năm 2018.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet