Thực trạng này một lần nữa cho thấy, như đối với các loại thực phẩm khác, việc áp dụng giá trần như một công cụ hành chính của chính phủ đã thất bại. Khác với đa phần các nước Mỹ Latinh khác, gạo là loại ngũ cốc phổ biến và quan trọng nhất trong thực đơn của người dân Cuba.
Tuy vậy, theo ước tính của chính phủ, với Chương trình Phát triển lúa gạo toàn diện, Cuba sẽ sản xuất được 600.000 tấn gạo vào năm 2030, đáp ứng 86% nhu cầu tiêu thụ toàn quốcTheo các số liệu mới công bố, sản lượng gạo quốc gia hiện mới đáp ứng 38% nhu cầu này.
Mục tiêu khó thực hiện
Văn phòng Thống kê và Thông tin quốc gia của Cuba (ONEI) ước tính sản lượng gạo trong năm 2020 của đảo quốc này sẽ là 162.965 tấn. Nói cách khác, để đạt được mục tiêu 600.000 tấn vào năm 2030, Cuba phải tăng 3,7 lần sản lượng toàn quốc trong vòng một thập kỷ, tương đương mức tăng trưởng trung bình 13,9% năm.
Về lý thuyết, đây không phải là một mục tiêu không tưởng vì trong thời kỳ đầu của chương trình lúa gạo (2010 - 2019), mức tăng trưởng bình quân hàng năm là 12,4%. Thế như, các điều kiện hiện nay, trong năm 2020 và có thể kéo dài trong những năm sau, là ít thuận lợi hơn rất nhiều so với các điều kiện mà Cuba từng có khi thông qua kế hoạch này năm 2011.
Giám đốc Cục Công nghệ Lúa gạo, thuộc Tập đoàn Doanh nghiệp Nông sản – trực thuộc Bộ Nông nghiệp Cuba – phát biểu mới đây rằng “hoạt động sản xuất lúa gạo trong năm 2020 không bị ảnh hưởng nặng bởi hạn hán so với các năm trước (đặc biệt là 2015), nhưng bị ảnh hưởng từ việc Mỹ siết chặt bao vây cấm vận.
Kể từ những tháng cuối năm 2019, chương trình này đã bị tác động mạnh, do đó chỉ có thể đóng góp một sản lượng khiêm tốn 162.000 tấn gạo cho hoạt động tiêu thụ trong nước.
Chính sách đơn phương của Mỹ chống Cuba đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng tới ngành lúa gạo khi gây ra tình trạng thiếu hụt nhiên liệu để vận hành máy kéo và máy bay trong nông nghiệp, đồng thời tình trạng thiếu hụt về phân urê và các vật tư nông nghiệp khác tác động tiêu cực tới hiệu quả của ngành.
Trong một phỏng vấn mới đây, quan chức này đã điều chỉnh dự báo đầy lạc quan đưa ra hồi đầu năm 2019. Thời điểm đó, La Habana từng hy vọng sẽ đạt mục tiêu đề ra cho năm 2030 ngay vào năm 2023; nói cách khác là đạt sản lượng 600.000 tấn vào năm 2023.
Theo đó, nước này sẽ nâng năng suất lên 5 tấn/ha và mở rộng diện tích trồng lúa lên 200.000 ha (từ mức 133.716 ha ghi nhận năm 2018), và nâng dần trong giai đoạn 2023-2030 năng suất lên mức 6 tấn/ha. Rõ ràng trong bối cảnh hiện tại, việc hoàn thành sớm mục tiêu nói trên là hoàn toàn không khả thi.
Xác định những thách thức
Thời điểm quyết định cho việc điều chỉnh các dự báo sản lượng lúa gạo của Cuba trên thực tế không phải là năm 2020 với cuộc khủng hoảng COVID-19, mà là từ 2019 – một năm đã chuyển từ “hứa hẹn” sang “thảm họa” cho ngành lúa gạo Cuba.
Các số liệu sản lượng lúa gạo quốc gia của Cuba cũng thường được ONEI thể hiện qua hai chỉ số khác nhau là thóc và gạo. Tất nhiên, 1 tấn gạo cần một khối lượng thóc lớn hơn để sản xuất, và thông thường tỷ lệ quy đổi tại Cuba thường được tính nhanh là khối lượng gạo tương đương 50% khối lượng thóc, mặc dù trong thực thế hệ số quy đổi dao động đáng kể hàng năm.
Theo thống kê chính thức hàng năm của ONEI, sản lượng lúa gạo của Cuba trong giai đoạn 2010-2020 có một số mốc nổi bật như sau: Năm 2010 có 454.400 tấn thóc và 86.000 tấn gạo. Năm 2013 có 672.600 tấn thóc và 274.000 tấn gạo. Năm 2015, 418.037 tấn thóc và 191.000 tấn gạo. Đến năm 2019, 377.700 tấn thóc và 246.700 tấn gạo. Ước tính của năm 2020 là 293.652 tấn thóc và 162.965 tấn gạo.
Một điểm đáng chú ý trong chuỗi thống kê 2010-2019 này là sản lượng gạo tăng tới 186% bất chấp việc sản lượng thóc giảm 16,9%, một khúc mắc cần có ý kiến giải đáp của một chuyên gia trong ngành. Nhưng cho dù dưới bất kỳ góc độ quan sát nào thì trong lĩnh vực nông nghiệp, hoạt động sản xuất lúa gạo là khá thất vọng.
Theo bản tổng kết sản lượng nông nghiệp theo từng loại cây trồng của ONEI trong giai đoạn 2013-2018 (phiên bản mới nhất của thống kê này), trong số 12 loại cây trồng chủ chốt của Cuba, lúa là cây lương thực có mức sụt giảm lớn nhất cả về sản lượng lẫn diện tích trồng.
Ở một chỉ số quan trọng khác là năng suất, lúa gạo cũng có mức tăng khiêm tốn nhất trong giai đoạn này (1,47%), thậm chí còn giảm trong những năm gần đây.
Cũng theo thống kê của ONEI, năng suất lúa của Cuba tăng dần đều từ 3,4-3,73 tấn/ha trong giai đoạn 2013-2015, nhưng từ đó giảm đều xuống mức 3,38 tấn/ha và dự kiến sẽ giảm mạnh xuống 2,62 tấn/ha trong năm nay.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới thay đổi tiêu cực này là tình trạng thiếu hụt phân bón. Cho tới đầu năm 2019, đây vẫn không phải là vấn đề lớn, nhưng những giải thích gần đây của chính phủ thì tình trạng thiếu hụt urê luôn chiếm một vị trí nổi bật.
Những số liệu ngoại thương thu thập được về Cuba, không phải là những số liệu chính thức, cho thấy năm 2018 ghi nhận mức sụt giảm tới 46,1% khối lượng phân urê mà Cuba nhập khẩu, và tới năm 2019 thì mức sụt giảm còn lên tới 73,3%.
Theo số liệu tập hợp từ các nước xuất khẩu (trong trường hợp này chủ yếu là Trung Quốc và Ai Cập), khối lượng phân urê Cuba nhập khẩu trong năm 2019 chỉ tương đương 14,4% mức năm 2017 (13.435 tấn năm 2017 so với 93.411 tấn năm 2019). Do vậy, suy luận hợp lý là tình trạng thiếu hụt phân bón cấp bách đã gây ra tác động rất tiêu cực lên hoạt động sản xuất lúa gạo.
Sự phụ thuộc vào gạo Việt Nam
Khi các nhà kinh tế nhận định rằng Cuba phải nhập khẩu phần lớn lượng gạo mà mình tiêu thụ, họ cũng chỉ ra rằng phần lớn trong số lượng nhập khẩu đó là gạo Việt Nam.
Theo số liệu mà trang trademap.org tập hợp được về giai đoạn 2016-2018, khối lượng gạo Cuba nhập khẩu của Việt Nam (lần lượt là 382.838 tấn, 353.609 tấn và 371.466 tấn qua các năm) không chỉ vượt sản lượng toàn quốc của Cuba (lần lượt là 212.000 tấn, 213.000 tấn và 304.000 tấn – số liệu đã dẫn của ONEI) mà còn vượt cả sản lượng trên cộng với khối lượng nhập khẩu từ các nước khác.
Do đó, dù chưa có đủ dữ liệu để khẳng định, nhưng có thể dự đoán tình trạng thiếu hụt gạo đột ngột trong hệ thống phân phối và cả “chợ đen” Cuba trong thời gian này có thể là một hệ quả từ dịch bệnh COVID-19, khiến Chính phủ Việt Nam quyết định hạn chế xuất khẩu gạo để đảm bảo dự trữ lương thực phòng ngừa những nguy cơ bất trắc mà đại dịch toàn cầu này gây ra.
Thực tế, trong tháng Tư và tháng Năm vừa qua, Hà Nội đã áp hạn ngạch xuất khẩu gạo tối đa 400.000 tấn/tháng theo hình thức đấu thầu giữa các doanh nghiệp xuất khẩu, và hạn ngạch tháng Tư đã hết chỉ trong vài giờ sau khi mở thầu.
Cuối tháng Sáu, Việt Nam đã gửi tặng Cuba 5.000 tấn gạo, một nghĩa cử cao quý, hữu nghị và đúng thời điểm. Thế nhưng, trong năm 2018, khối lượng gạo Cuba nhập khẩu từ Việt Nam gấp 74 lần con số đó, và La Habana sẽ phải tự mình tìm ra giải pháp.
Vai trò của thành phần tư nhân
Như những gì diễn ra với hoạt động sản xuất của các loại lương thực thiết yếu khác, hoạt động của thành phần kinh tế phi quốc doanh, gồm tư nhân và hợp tác xã, cũng đóng vai trò quyết định trong ngành lúa gạo. Khu vực này đóng góp tới 84% sản lượng toàn quốc, trong đó chỉ riêng thành phần tư nhân đã đóng góp tới 52,3%, theo số liệu chính thức của ONEI năm 2018.
Trong bộ khung sản xuất lúa gạo, sức nặng đa số về sản lượng nghiêng về thành phần tư nhân, và sẽ là tuyệt đại đa số nếu tính cả thành phần kinh tế tập thể (hợp tác xã).
Trong khi đó, nhà nước, thông qua tổng công ty nông sản Acopio, nắm đa phần diện tích đất trồng trọt cùng toàn bộ hệ thống nhập khẩu, phân phối vật tư nông nghiệp và cùng quyền thu mua nông sản. Mối quan hệ thị trường là một nhu cầu thiết yếu.
Tuy nhiên, xét tới việc các cơ quan nhà nước có quyền áp giá trần cho từng sản phẩm, có thể thấy cái gọi là “thị trường” nông sản tại Cuba là một mối quan hệ bất bình đẳng giữa thành phần kinh tế quốc doanh và phi quốc doanh.
Ngoài những khó khăn từ hoàn cảnh bên ngoài, việc đánh giá toàn diện và mở rộng vai trò của thành phần kinh tế tư nhân chính là hướng đi hữu hiệu giúp Cuba tạo thêm sức bật trong hoạt động sản xuất lúa gạo, cũng như cả nền nông nghiệp nói chung.
Tóm lại, mức sụt giảm sản lượng lúa gạo đáng kể, khoảng 34%, được dự báo chính thức cho năm 2020 đồng nghĩa với việc sản lượng nội địa chỉ đáp ứng được 23,3% nhu cầu tiêu thụ quốc gia, hiện ước tính ở mức 700.000 tấn/năm, thay vì tỷ lệ 43% từng đạt được trong năm 2018.
Mức thâm hụt hiện tại chỉ có thể dịu bớt trong nửa cuối năm 2020 bằng việc gia tăng nhập khẩu, điều khó dự đoán trong bối cảnh Cuba đang thiếu hụt thanh khoản trầm trọng, và đảo quốc Caribe này sẽ còn phải phụ thuộc hơn nữa vào nguồn gạo từ Việt Nam.
Từ đầu năm 2021, khả năng gia tăng sản lượng lúa gạo của Cuba phụ thuộc vào khả năng nhập khẩu vật tư nông nghiệp từ bên ngoài (cũng bị hạn chế vì thiếu thanh khoản hơn là do cấm vận của Mỹ) và một cuộc cải tổ đúng nghĩa nhằm củng cố những mối quan hệ mang tính thị trường thực sự trong hệ thống phân phối nông sản của Cuba. Chí ít thì các cải cách được chờ đợi đó cũng không phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.

Nguồn: Lê Hà (TTXVN Tại La Habana)