Dự kiến nguồn cung giảm mạnh
Tính đến hết tháng 2/2020, XK tôm Việt Nam tăng nhẹ 2,6%, đạt 383 triệu USD, chủ yếu do thị trường Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc vẫn chưa bị biến động nhiều từ dịch Covid-19. Từ tháng 3/2020, dịch bệnh đã lây lan trên toàn thế giới, các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là: Italy, Tây Ban Nha, Đức... Một số DN XK tôm Việt Nam sang thị trường này bị hoãn, hoặc dừng đơn hàng.
Theo đánh giá của ông Gorjan Nikolik - chuyên gia phân tích tại Rabobank, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới hoạt động nuôi trồng, thương mại tôm của một số thị trường nguồn cung lớn trên thế giới như: Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan… và cả Việt Nam. Dự báo, tình hình cung tôm năm 2020 trên phạm vi toàn cầu giảm mạnh so với năm trước.
Phân tích về vấn đề này, TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho hay, Trung Quốc và Ấn Độ đang phong tỏa quy mô quốc gia. Điều này khiến chuỗi cung ứng tôm bị gián đoạn. Khả năng hai quốc gia này giảm sản lượng tôm rất lớn, khoảng 20%. Nếu dịch Covid-19 kéo dài hết quý II, mức sụt giảm sẽ cao hơn. Các quốc gia Indonesia, Ecuador, Thái Lan cũng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng mức độ nhẹ hơn, riêng Ecuador đang giới nghiêm vì dịch bệnh lây lan khá phức tạp sẽ tác động đến nuôi trồng và chế biến. Việt Nam, tuy có nửa tháng phong tỏa xã hội, nhưng về tâm lý cũng làm người nuôi tôm lo âu về đầu ra.
Nhiều yếu tố tác động lên giá tôm
TS. Hồ Quốc Lực cho hay, theo dự báo, thông lệ hàng năm, tới đầu mùa mưa thời tiết luôn chuyển mát dịu, tác động tích cực tới sự sinh trưởng tôm nuôi. Tuy nhiên, ngành tôm đang chịu tác động bởi yếu tố thời tiết. TS. Hồ Quốc Lực cho hay, thời tiết khắc nghiệt, biên độ nhiệt độ giữa ngày và đêm là 10 độ, dễ gây sốc cho con tôm, tôm dễ bị nhiễm bệnh, khiến người nuôi tôm chần chừ thả nuôi giai đoạn hiện nay. Sóc Trăng là tỉnh có diện tích nuôi tôm thâm canh lớn nhất nước với gần 25.000 ha, đến thời điểm này diện tích thả nuôi mới đạt gần 15%.
Việc thả giống tôm nuôi chậm lại, khiến giá tôm trong nước sẽ biến động hình sin do thiếu hụt cục bộ, nhất là giai đoạn từ tháng 5. Hiệu ứng domino này khiến các nhà máy chế biến sẽ có khoảng thời gian thiếu hụt nguyên liệu, dẫn tới giá tôm tươi thất thường, tình trạng “đắt đồng, ế chợ” có thể diễn ra...
Yếu tố cầu phù thuộc vào diễn biến của dịch Covid-19. Nếu dịch kéo dài, người dân phải tiết kiệm mọi chi tiêu, dẫn đến sức tiêu thụ càng giảm, kể cả thực phẩm thiết yếu. Tôm nằm trong phân khúc những mặt hàng thủy sản giá trị cao, nên chủ yếu XK sang những thị trường có nền kinh tế phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Khi những thị trường này gặp khó thì việc chuyển hướng thị trường không dễ.
Theo ông Trương Đình Hòe – Phó Tổng Thư Ký VASEP, những tháng đầu năm, sản lượng tôm của Việt Nam còn ít do chưa vào chính vụ, nếu dịch bệnh chấm dứt sớm sẽ thuận lợi cho ngành tôm trong nước. Theo đó, dịch Covid- 19 lắng xuống trong quý II/2020, nhu cầu tôm trở lại bình thường, giá tôm sẽ tăng theo. Kịch bản khó khăn nhất là dịch bệnh kéo dài, sức cầu giảm, giá tôm không tăng nhưng cũng không giảm nhiều vì nguồn cung giảm.

Theo các DN, tôm là thực phẩm giàu dinh dưỡng và được người tiêu dùng thế giới khá ưa chuộng. Do đó, việc ưu tiên sử dụng sản phẩm này sau khi dịch bệnh lắng xuống sẽ rất cao, các DN cần tăng cường chế biến các sản phẩm ăn liền.

Nguồn: Congthuong.vn