Tham khảo giá cà phê nhân xô tại Việt Nam

TT nhân xô

Giá trung bình

Thay đổi

FOB (HCM)

1.655

Trừ lùi: -80

Giá cà phêĐắk Lăk

37.200

+400

Lâm Đồng

36.600

+400

Gia Lai

37.200

+400

Nguồn: Diễn đàn của người làm cà phê

Thị trường cà phê trong nước chạm mức 37.000 đồng/kg do thị trường robusta tăng mạnh. Cụ thể giá thấp nhất chốt ở 36.600 đồng/kg tại Lâm Đồng, và cao nhất ở 37.200 đồng/kg tại Đắk Lăk và Gia Lai. Giá cà phê xuất khẩu loại 5% hạt đen và vỡ giao tại cảng TP.HCM giao dịch ở mức 1.655 USD/tấn, trừ lùi 80 USD/tấn.

 

Lượng mua mới trên sàn London xuất hiện từ phiên trước đã kích giá tăng lên. Trong báo cáo gần đây, công ty tư vấn Safras & Mercado ước tính sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2018/19 có thể đạt 60,5 triệu bao (loại 60kg) tăng 20% so với niên vụ trước.

 

Hiệp hội Cà phê Xanh (GCA) Mỹ công bố tồn kho cà phê tại các kho cảng ở Mỹ tăng 42.449 bao tức tăng 0,65% trong tháng 3, đăng ký tồn kho ở mức 6.567.316 bao. Tuy nhiên tồn kho này không bao gồm số đang trung chuyển hay tồn kho tại chỗ của nhà rang xay vào khoảng 1,1 triệu bao nữa. Trong khi tiêu thụ kết hợp của Mỹ và Canada mỗi tuần gần 570.000 bao, thì tổng tồn kho cà phê tại Bắc Mỹ có thể tương đương hơn 13 tuần rang xay, theo Diễn đàn của người làm cà phê.

 

Dẫn nguồn Dân Việt, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng Thanh tra Sở NN&PTNT, UBND huyện Đắk R’lấp và xã Đắk Wer đã bắt quả tang Cơ sở chế biến kinh doanh nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (thôn 13, xã Đắk Wer) đang pha trộn tạp chất vào cà phê. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có hàng chục tấn cà phê bẩn cùng đất, đá được tập kết ở trong kho, trong đó có 12 tấn cà phê đã được nhuộm đen bằng pin, 2 chậu chứa 35 kg pin được đập vụn, 1 xô chứa lõi pin, 1 xô chứa nước màu đen và nắp pin... dùng để nhuộm đen cà phê. Bước đầu, chủ cơ sở khai nhận hành vi đến các đại lý thu mua cà phê thải loại, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn... sau đó mua các cục pin về đập dẹp, dùng lõi pin hòa với nước rồi nhuộm vào cà phê, đóng gói bán ra thị trường. Cơ sở chế biến này hoạt động từ nhiều năm nay, chỉ riêng từ đầu năm đến nay đã xuất bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê bẩn.

 

Trao đổi với báo chí sáng 18.4, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam khẳng định, cà phê đang là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, kim ngạch trong năm 2017 đã đạt 3,2 tỷ USD. Ngay trong quý I năm nay, xuất khẩu cà phê Việt Nam cũng đạt gần 1 tỷ USD. Bộ NNPTNT coi cà phê là cây trồng chủ lực, hướng đến xuất khẩu và có nhiều chính sách, cơ chế để phát triển vùng trồng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ để giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng. Trên thực tế, cà phê Việt Nam đã có vị thế và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

 

Nhưng sự việc một cơ sở chế biến cà phê ở Đăk Nông trộn lõi pin vào cà phê là hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng, rất đáng lên án.