Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê robusta trên sàn London đảo chiều sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm 4 USD, xuống 1.381 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 giảm 5 USD, còn 1.414 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê arabica trên sàn New York cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm 1,15 cent, xuống 100,65 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 giảm 1,1 cent, còn 104,25 cent/lb, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá cà phê robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.444 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch cộng 20 – 30 USD theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London.
Giá cà phê đảo chiều sụt giảm trên cả hai sàn kỳ hạn sau ngày nghỉ lễ cộng đồng của các quốc gia sản xuất cà phê chủ chốt đã được thị trường suy đoán. Áp lực bán hàng vụ mới từ hai nhà sản xuất cà phê arabica chính là Brazil và Colombia vẫn còn nguyên, trong khi dự báo toàn cầu dư cung nên họ sẽ mạnh tay bán bất kỳ lúc nào có thể.
Đồng real Brazil tăng so với đồng USD đã ngặn chặn sức bán đầu cơ giúp giá cà phê kỳ hạn không giảm sâu. Thông tin các ngân hàng trung ương đang chuẩn bị đưa ra chính sách tiên tệ mới, sau khi Fed công bố chưa cắt giảm lãi suất USD kỳ này, cũng góp phần tác động tích cực đáng kể lên hầu hết các thị trường hàng hóa phái sinh.
Các thương nhân kinh doanh cà phê ở khu vực Đông Nam Á cho biết, sẽ không quá khó để có được hàng nếu chào mua với mức giá chênh lệch cộng so với giá kỳ hạn tại London. Tuy nhiên, đây cũng là điều hiếm thấy so với cùng thời điểm trong nhiều năm trước đây.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết dự báo giá cà phê toàn cầu sẽ tiếp tục ở mức thấp do áp lực dư cung. Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê thế giới tháng 4/2019 đạt gần 10,8 triệu bao, tăng 4,6% so với tháng 4/2018. Trong đó, xuất khẩu cà phê arabica của Brazil tăng 17,7%, lên 3,14 triệu bao; xuất khẩu cà phê arabica của Colombia cũng tăng 2,1% so với tháng 4/2018, lên 1,1 triệu bao; xuất khẩu cà phê robusta của Colombia tăng 0,5%, lên 3,9 triệu bao.
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê arabica của một số nước khác giảm 1,6%, xuống 2,6 triệu bao. Tính chung 7 tháng đầu niên vụ 2018/19, tổng lượng cà phê xuất khẩu toàn thế giới tăng 18,5% so với cùng kì niên vụ 2017/18, lên gần 70,9 triệu bao.
Trong giai đoạn từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2019, xuất khẩu cà phê arabica của Colombia và Brazil tăng 8% và 18,5%, lên lần lượt 9 triệu bao và 24,86 triệu bao.