Các thị trường cà phê chịu áp lực nguồn cung gia tăng từ vụ thu hoạch mới của nhiều nước sản xuất.
Trên thị trường thế giới, tính chung cả tuần 46, thị trường London có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng. Giá cà phê robusta kỳ hạn giao ngay tháng 1 tăng tất cả 14 USD, tức tăng 1,01 %, lên 1.398 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 tăng tất cả 11 USD, tức tăng 0,78 %, lên 1.417 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Thị trường New York cũng có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng. Nhưng giá cà phê arabica kỳ hạn giao ngay tháng 12 giảm tất cả 3,3 cent, tức giảm 3,02 %, xuống 106,15 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3 giảm tất cả 3,2 cent, tức giảm 2,84 %, còn 109,65 cent/lb, các mức giảm khá. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Tỷ giá đồng real biến động ở mức thấp tiếp tục hỗ trợ nông dân Brazil đẩy mạnh bán hàng nông sản, trong khi dòng vốn đầu cơ tiếp tục chảy vào tài sản trú ẩn do bế tắc của việc tìm kiếm một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã góp phần làm kinh tế thế giới càng thêm suy yếu, làm sức tăng trên các thị trường cà phê bị chùng lại.
Thị trường cà phê thế giới bước vào niên vụ cà phê mới 2019/20 trong bối cảnh tồn kho tại các thị trường tiêu thụ chính vẫn còn dồi dào, cho dù bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng toàn cầu giảm xuống còn xấp xỉ 169,1 triệu bao do cây cà phê Brazil vào chu kỳ năm giảm. Báo cáo Thương mại tháng 10 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cũng đã điều chỉnh sản lượng toàn cầu từ dư thừa sang thiếu hụt do thu hoạch vụ mùa năm 2019 của Brazil không như kỳ vọng, trong khi sản lượng cà phê châu Á và khu vực Trung Mỹ chỉ tăng nhẹ và sản lượng châu Phi sụt giảm. Có thể thấy giá cà phê có khả năng hồi phục trở lại trong ngắn và trung hạn, theo trang giacaphe.com.
Trong bối cảnh nguồn cung thế giới dư thừa, nhà sản xuất cà phê robusta thứ ba thế giới, Indonesia, đang tìm cách tăng sản lượng tại thời điểm sản xuất tăng vọt và giá cả giảm mạnh.
Nông dân Indonesia dự kiến sẽ thu hoạch thêm 50 - 60% cà phê trong vòng 5 năm tới, theo ông Pranoto Soenarto, phó chủ tịch Hiệp hội ngành hàng và các nhà xuất khẩu cà phê Indonesia, cho biết.
Sự gia tăng nguồn cung từ quốc gia Đông Nam Á này có thể gây áp lực cho hợp đồng tương lai cà phê robusta đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008, khi giao dịch bắt đầu, theo The Business Times.
Indonesia, quốc gia đã từng là nhà sản xuất cà phê arabica lớn nhất, cũng sẽ cạnh tranh với các nhà sản xuất từ Việt Nam và Brazil.
Indonesia đang chuẩn bị kế hoạch tăng năng suất với một số bên liên quan khác bao gồm Viện nghiên cứu cà phê và ca cao cùng Bộ nông nghiệp Indonesia. Kế hoạch dự kiến giúp nông dân sử dụng phân bón và hạt giống chất lượng tốt, tìm cách bảo vệ cây trồng khỏi sâu bệnh và hỗ trợ tài chính.
Nguồn: VITIC/Reuters